Năm 2017, vừa là 1 năm Mỹ và Triều Tiên đọ sức và đối địch chưa từng có, vừa là 1 năm mà cộng đồng quốc tế bảo vệ nguyên tắc không phổ biến vũ khí hạt nhân, kiên trì vững chắc mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, áp đặt hành động trừng phạt mang tính thực chất chương trình phát triển tên lửa đạn đạo hạt nhân của Triều Tiên. Mức độ trừng phạt, gây sức ép và hạn chế của cộng đồng quốc tế đối với Triều Tiên đã đạt đến mức chưa từng có trước đây.
Đối mặt trước sức ép của Mỹ và cộng đồng quốc tế, Triều Tiên có thỏa hiệp không?
Năm 2017, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết số 2270, 2331 và 2375 về việc trừng phạt Triều Tiên, cấm Triều Tiên xuất khẩu gần như tất cả các hạng mục mà Triều Tiên có thể kiếm ngoại tệ từ xuất khẩu hợp pháp bao gồm từ khoáng sản, than đá, hải sản cho tới quần áo và hàng dệt may. Bên cạnh đó, các biện pháp cấm vận đối với Triều Tiên đã từ việc cấm 39 tàu thương mại của Triều Tiên cập cảng của các nước khác, cấm bất kỳ sự giao dịch tiền tệ với Triều Tiên, hạn chế trên quy mô lớn các nhân viên và tổ chức của Triều Tiên xuất cảnh, nâng lên đến cấm xuất khẩu khí tự nhiên và khí ngưng tụ sang Triều Tiên, cấm xuất khẩu lao động của Triều Tiên và cấm các doanh nghiệp liên doanh và đầu tư cá nhân của Triều Tiên ở bên ngoài lãnh thổ. Năm 2017, ngoại thương của Triều Tiên bị thu hẹp gần 90%.
Bên cạnh đó, từ năm 2017 đến nay đã có 23 nước tuyên bố trục xuất đại sứ Triều Tiên hoặc tuyên bố hạn chế chặt chẽ số lượng và phạm vi hoạt động của các nhân viên ngoại giao Triều Tiên, hoặc thu hẹp quy mô lớn việc cấp thị thực đối với người Triều Tiên. Các nước như Ấn Độ, Philippines, Malaysia, Việt Nam, Singapore… tuyên bố chấm dứt hoặc hạn chế quy mô lớn các giao dịch thương mại với Triều Tiên. Các nước như Thụy Sỹ đã tăng cường tiến trình yêu cầu Triều Tiên trả nợ. Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã xác định rõ ràng mối đe dọa mà việc Triều Tiên phát triển tên lửa đạn đạo hạt nhân gây ra là mối đe dọa đối với hòa bình toàn cầu.
Kể từ khi Kim Jong-un chính thức nhận chức nhà lãnh đạo Triều Tiên vào ngày 30/12/2011 đến nay, chính sách phát triển tên lửa đạn đạo hạt nhân của Triều Tiên đã có sự thay đổi lớn. Sự thay đổi này chủ yếu thể hiện trên 3 phương diện: Một là “đưa việc sở hữu hạt nhân vào hiến pháp”, ngày 30/6/2012 Triều Tiên sửa đổi hiến pháp, xác định rõ sẽ xếp việc sở hữu khả năng tấn công hạt nhân thành “mục tiêu xác định” của đảng và nhà nước Triều Tiên; hai là nỗ lực phát triển nhanh chóng tên lửa đạn đạo hạt nhân, kể từ khi Chính quyền Kim Jong-un tiến hành thử nghiệm tên lửa hành trình lần đầu tiên vào tháng 3/2012 đến nay, vẻn vẹn trong thời gian 5 năm rưỡi, Triều Tiên đã tiến hành 86 lần thử nghiệm tên lửa đạn đạo, 6 lần thử nghiệm hạt nhân.
Tần suất và mức độ như vậy đã vượt xa thời Kim Jong-il; ba là bày tỏ rõ ràng “từ bỏ hạt nhân không còn là việc phải đàm phán”, chuyển sang yêu cầu tiến hành đàm phán “giải trừ quân bị hạt nhân” với Mỹ và các nước lớn khác xung quanh. Hành động ngông cuồng về mặt thái độ phát triển tên lửa đạn đạo hạt nhân Triều Tiên của Chính quyền Kim Jong-un về mặt khách quan đã chuyển từ bên chịu trách nhiệm chính trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên do hai bên Mỹ, Triều Tiên hoặc “Mỹ là chính, Triều Tiên là phụ” sang thành “Triều Tiên trước, Mỹ sau”.
Sở dĩ Triều Tiên nghĩ một cách liều lĩnh muốn nhanh chóng sở hữu năng lực tấn công hạt nhân mang tính thực dụng và tầm xa, suy cho cùng là để buộc Mỹ và cộng đồng quốc tế chấp nhận sự thực Triều Tiên sở hữu hạt nhân, dùng phương thức mang tính đối kháng gần như ngông cuồng để giành được vị thế nước sở hữu vũ khí hạt nhân trên thực tế, đồng thời lấy đó làm con bài và đòn bẩy để buộc cộng đồng quốc tế chấp nhận sự tồn tại hợp pháp của Chính quyền Kim Jong-un, chấp nhận bình thường hóa quan hệ trong điều kiện Triều Tiên sở hữu hạt nhân, chương trình phát triển tên lửa đạn đạo hạt nhân “kiểu đánh bạc” mà Triều Tiên tiến hành coi an ninh và ổn định ở Đông Bắc Á là cái giá phải trả, không những đã làm xấu đi nhanh chóng cuộc sống và tình hình nhân quyền của người dân Triều Tiên, mà còn khiến cho môi trường địa chính trị ở khu vực Đông Á phức tạp chưa từng có.
Tranh cãi giữa Trung Quốc và Hàn Quốc do Hàn Quốc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) gây ra, đường lối cứng rắn đối với Triều Tiên mà Chính quyền Abe của Nhật Bản gấp rút lợi dụng mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên để thực hiện là mấu chốt để Abe đột ngột giải tán Hạ viện vào ngày 22/10/2017 và một lần nữa chiến thắng trong cuộc bầu cử này. Chính quyền Abe công khai chủ trương hành động tấn công quân sự đối với Triều Tiên, nhấn mạnh cái gọi là đã “tận dụng” hết thời gian đối thoại với nước này. Thời gian kéo dài cục diện bế tắc hạt nhân Triều Tiên càng lâu thì sự phụ thuộc của Nhật Bản và Hàn Quốc vào hệ thống đồng minh quân sự do Mỹ chủ đạo càng sâu, khả năng bản thân 2 nước Nhật Bản, Hàn Quốc tăng thêm chi phí quân sự, nỗ lực mở rộng hệ thống vũ khí mang tính tấn công càng lớn. Đặc biệt là sau khi nội các Abe nhiệm kỳ thứ tư khởi động, đến trước năm 2021 việc Nhật Bản sửa đổi hiến pháp đã ngã ngũ.
Trong bối cảnh Mỹ và Triều Tiên khó có thể đơn phương đưa ra nhượng bộ mang tính thực chất, Triều Tiên càng tiếp tục áp dụng chính sách đối đầu thử nghiệm tên lửa đạn đạo hạt nhân thì hành động phản đối Triều Tiên, gây sức ép và cấm vận Triều Tiên của cộng đồng quốc tế sẽ càng kiên quyết, khả năng vấn đề hạt nhân Triều Tiên “hạ cánh mềm” sẽ càng ít. Phá vỡ cục diện bế tắc hạt nhân Triều Tiên đã thực sự đến lúc Trung Quốc cần phải chuẩn bị đến tình huống xấu nhất.
Một ảo tưởng đằng sau sự phát triển tên lửa đạn đạo hạt nhân ngông cuồng của Bình Nhưỡng chính là Trung Quốc và Nga suy cho cùng sẽ không “từ bỏ” Triều Tiên, Mỹ cũng sẽ không “ra tay” thật sự về mặt quân sự đối với một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Liệu sức ép cao về mặt quân sự của Mỹ cuối cùng có làm cho Triều Tiên “dừng tay” hay không, hiện vẫn rất khó phán đoán. Ít nhất, Kim Jong-un hiện vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy muốn khuất phục trước sức ép quân sự cao của Mỹ. Chuyến thăm châu Á vào tháng 11/2017 của Donald Trump không những muốn thảo luận với các nước đồng minh quân sự như Nhật Bản, Hàn Quốc về các phương án giải quyết hạt nhân Triều Tiên trong đó có hành động quân sự, mà điều quan trọng nhất là muốn tiếp tục vặn chặt “đinh ốc” quản lý, gây sức ép với Triều Tiên, buộc Bình Nhưỡng có sự thay đổi trong đó có tình hình nội bộ bất ổn… mà Mỹ muốn nhìn thấy.
“Điểm tới hạn” trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên đang đến gần
Năm 2017, vấn đề hạt nhân Triêu Tiên đã đang đi đến “điểm tới hạn”.
Đây là điểm tới hạn mà khả năng tên lửa đạn đạo hạt nhân Triều Tiên liệu có khả năng đe dọa mang tính thực chất hay không, là điểm tới hạn của cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên là chiến tranh, là hòa bình hay hỗn loạn mà việc phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân Triều Tiên gây ra, cũng là điểm tới hạn của cục diện bán đảo Triều Tiên trong thời gian tới tiếp tục duy trì hay thay đổi nguyên trạng.
Đối mặt với tình hình nghiêm trọng này, cộng đồng quốc tế cần phải tăng cường đoàn kết, từ bỏ hoàn toàn ý nghĩ giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên là “trách nhiệm” của một quốc gia nào đó, liệu có thể để cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước thành viên chủ chốt ở khu vực Đông Á “cùng gánh vác trách nhiệm”, đã trở thành điểm then chốt để vấn đề hạt nhân Triều Tiên liệu có thể vượt qua “điểm tới hạn” này bằng phương thức hòa bình, ngăn chặn tình hình bán đảo Triều Tiên xuất hiện hậu quả mang tính tai họa.
Lâu nay, Mỹ luôn chủ trương giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên là “trách nhiệm của Trung Quốc”, nguyên nhân thứ nhất là vì Trung Quốc kể từ giữa thập niên 90 của thế kỷ 20 đến nay luôn là đối tác thương mại chủ yếu nhất của Triều Tiên, cũng là nước cung cấp dầu lớn nhất cho Triều Tiên; hai là Trung Quốc tuy chủ trương giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên “không hạt nhân, không chiến tranh, không hỗn loạn”, nhưng dường như thái độ của Trung Quốc đối với Triều Tiên không cứng rắn và kiên quyết giống như Mỹ và Hàn Quốc. Tuy nhiên, “thuyết trách nhiệm của Trung Quốc” về vấn đề hạt nhân Triều Tiên vừa không phải là sự thực, vừa là sản phẩm thành kiến chính trị tồn tại lâu dài của các nước như Mỹ… Quan hệ Trung-Triều từ xưa đến nay là sản phẩm của “5 nhân tố quan trọng” như lịch sử, ý thức hệ, cạnh tranh địa chính trị, “cửa ngõ an ninh” quốc gia Trung Quốc và quan hệ Trung-Mỹ. Trung Quốc quyết định sau Chiến tranh Lạnh, thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc vào tháng 8/1992, không tiếp tục cung cấp trang thiết bị vũ khí cho Triều Tiên và kiên định ủng hộ nghị quyết liên quan đến vấn đề hạt nhân Triều Tiên nhiều lần được Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thông qua, đều cho thấy Trung Quốc bằng phương thức của mình đã kiên định gánh vác “trách nhiệm của Trung Quốc” thúc đẩy phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Chương trình phát triển tên lửa đạn đạo hạt nhân của Triều Tiên đã nảy sinh mối đe dọa lớn đối với an ninh và ổn định khu vực. Hai nước Trung-Mỹ duy trì và kiên trì hợp tác trong vấn đề Triều Tiên, không những là trách nhiệm của nước lớn Trung-Mỹ cần phải gánh vác cùng kiểm soát vấn đề điểm nóng và tranh cãi về an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mà còn là điểm then chốt để kiểm tra hai nước liệu có thể xây dựng “quan hệ nước lớn kiểu mới” bằng hành động thực tế.
Cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên trầm trọng suy cho cùng là trạng thái Chiến tranh Lạnh tồn tại trên bán đảo Triều Tiên chưa kết thúc, thái độ thù địch lâu dài của Mỹ đối với Chính quyền Triều Tiên và ưu thế thực lực tuyệt đối của liên minh Mỹ-Hàn đối với Triều Tiên khiến cho nước này cảm thấy cô lập và bất an. Tuy nhiên, hành động Triều Tiên theo đuổi vũ khí hạt nhân và phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa mang tính tấn công vừa không hợp pháp, vừa trái với nghĩa vụ cam kết trong Tuyên bố chung của đàm phán 6 bên năm 2005 mà Triều Tiên đã ký. Trung Quốc luôn mong đợi Mỹ-Triều trực tiếp hội đàm và hòa giải, kiên trì nguyên tắc tình hình bán đảo Triều Tiên “không hạt nhân, không chiến tranh, không hỗn loạn”, phù hợp với mức độ tối đa lợi ích của các bên.
Trong thời gian tới Triều Tiên rốt cuộc sẽ có sự lựa chọn như thế nào? Triều Tiên sẽ tiếp tục tiến hành thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa mang tính khiêu khích, hay là từ bỏ chính sách đối đầu ngang ngược, quay trở lại đàm phán 6 bên thúc đẩy Triều Tiên từ bỏ hạt nhân? Trước sức ép và chính sách cô lập của cộng đồng quốc tế, liệu Chính quyền Kim Jong-un có thật sự thay đổi chính sách, ăn năn hối lỗi? Hay là Triều Tiên vẫn tiếp tục “ngoan cố”, liều lĩnh duy trì chính sách đối đầu khiến bán đảo Triều Tiên nảy sinh hỗn loạn, khó có thể tránh khỏi chiến tranh? Nếu bán đảo Triều Tiên lại nổ ra chiến tranh, làm thế nào để đảm bảo không xuất hiện cuộc tấn công vũ khí hạt nhân và thương vong người và tài sản quy mô lớn? Loạn lạc chiến tranh mới trên bán đảo Triều Tiên làm liên lụy ở mức độ bao nhiêu thậm chí gây bất lợi cho hòa bình ổn định và phồn vinh ở khu vực Đông Á ra sao? Giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên suy cho cùng là có thể tiếp tục duy trì phương án ngoại giao, hay là khó có thể né tránh, cần phải theo đuổi “thay thế cấp lãnh đạo”? Những vấn đề này đã đặt ra trước mắt Đông Á và cộng đồng quốc tế.
Chính quyền Kim Jong-un trên thực tế không phải chỉ biết một mực đối đầu. Tháng 10/2017, Triều Tiên có một loạt ngày lễ cần phải chào mừng, chẳng hạn Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên, Lễ kỷ niệm 20 năm cố lãnh đạo Kim Jong-il trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên. Ngoài ra, các cuộc tập trận quân sự thường xuyên Mỹ-Hàn vẫn tiến hành bất chấp sự phản đối của Bình Nhưỡng. Xét theo thông lệ của Bình Nhưỡng, dù là đúng vào ngày lễ lớn cần phải chào mừng, hay là để đối đầu cứng rắn với cuộc tập trận quân sự chung Mỹ-Hàn thì các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo là hành động thường xuyên cần phải áp dụng. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã lựa chọn một tháng 10 lặng lẽ. Ngoài “cuộc tấn công văn hóa” của truyền thông Triều Tiên, không thấy xuất hiện “đe dọa vũ trang” thử nghiệm tên lửa đạn đạo như quốc tế dự đoán. Triều Tiên đang nhen nhóm thử nghiệm tên lửa đạn đạo hạt nhân mới khác thường hay là đã thật sự “cảm nhận sâu sắc nỗi đau khổ” do các biện pháp trừng phạt và sức ép hiện nay mang lại? Chúng ta vẫn cần phải tiếp tục quan sát, nhưng “quả bóng” vấn đề hạt nhân Triều Tiên giải quyết như thế nào rõ ràng ở bên phía Triều Tiên nhiều hơn.
Đưa ra tuyên bố từ bỏ hạt nhân rõ ràng hoặc ít nhất lựa chọn “dừng hạt nhân”, hoặc “đóng băng hạt nhân” là “phương án mang tính giai đoạn”, là lối thoát duy nhất mà Triều Tiên phải đối mặt với sức ép quốc tế hiện nay. Cho dù Bình Nhưỡng chủ trương đối thoại song phương Mỹ-Triều, chỉ khi Bình Nhưỡng thay đổi chính sách thì mới có khả năng giảm bớt sức ép và tái khởi động tiến trình giải quyết bằng chính trị và ngoại giao. Nếu Triều Tiên vẫn lựa chọn tiếp tục thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa để cố gắng tìm kiếm sự thực đã hoàn thành thành công vũ khí hạt nhân mang tính tấn công có thể chiến đấu thực tế thì cuộc khủng hoảng hạt nhân trong thời gian tới cuối cùng khó có thể thoát khỏi rủi ro chiến tranh, hỗn loạn.
(Còn tiếp)