Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiChiến lược an ninh quốc gia của ông Trump có thể buộc...

Chiến lược an ninh quốc gia của ông Trump có thể buộc nước Mỹ và cả thế giới phải thay đổi

Chiến lược này mang hơi thở của thời Chiến tranh lạnh và phản ánh rất rõ tính chất dễ dàng thay đổi quan điểm của ông Trump.

Ông Trump không nhìn nhận vấn đề biến đổi khí hậu trái đất là một mối đe doạ nữa đối với an ninh nước Mỹ. Ảnh: Arstechnica

Chiến lược rất khác biệt

Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện nghĩa vụ do quốc hội áp đặt về tuyên cáo chiến lược (hay cũng có thể gọi là học thuyết an ninh quốc gia riêng) theo cách rất khác biệt với người tiền nhiệm.

Sự khác biệt thể hiện đồng thời trên 3 phương diện: ông Trump làm việc này rất sớm, cụ thể là ngay trong năm cầm quyền đầu tiên; ông Trump trực tiếp công bố chứ không đơn thuần chỉ gửi văn bản tới quốc hội; và ông Trump thể hiện sự khác biệt quan điểm rất rõ so với những người tiền nhiệm.

Những gì được ông Trump tuyên cáo ngày 18/12 vừa qua trong khuôn khổ chiến lược an ninh quốc gia thực chất là sự tập hợp những quan điểm, ý tưởng chính sách đã được ông đề cập từ khi còn vận động tranh cử tổng thống cũng như trong lời phát biểu và dòng tweets kể từ sau khi ông chính thức nhậm chức.

Nó còn mang cả hơi thở của thời Chiến tranh lạnh và phản ánh rất rõ tính cách dễ dàng thay đổi quan điểm của ông Trump.

Ông cũng chủ ý hạ thấp những người tiền nhiệm để đề cao mình và đưa khẩu hiệu “Nước Mỹ Trước hết” làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt tài liệu này.

Những điểm nổi bật nhất

Về cách tiếp cận trật tự thế giới, vị thế hiện tại của Mỹ và định hướng chiến lược an ninh cho nước Mỹ có những nét đáng chú ý sau đây trong những gì vừa mới được ông Trump tuyên cáo.

Thứ nhất, ông Trump cho rằng trật tự thế giới hiện tại không ổn định và cân bằng mà ở trong “cuộc ganh đua” hay “cạnh tranh” về chính trị, kinh tế và quân sự.

Bằng việc quả quyết “Nước Mỹ công nhận thực trạng ấy”, ông Trump cho thấy chủ định không làm thay đổi trật tự này mà chỉ làm sao để “tăng lợi, bớt hại” cho nước Mỹ.

Thứ hai, ông Trump đổ lỗi cho những người tiền nhiệm đã làm suy giảm vị thế và ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới trong hơn 3 thập kỷ qua. Vì thế, ông đề ra mục tiêu khôi phục và tăng cường ảnh hưởng, vai trò, vị thế của Mỹ trên thế giới.

Thứ ba, ông Trump đã xác định lại những mối đe doạ chính đối với an ninh của Mỹ là những đối thủ chính trị và kinh tế như Nga và Trung Quốc, những kẻ thù về an ninh như Iran và Triều Tiên.

Ông Trump cũng nhấn mạnh thách thức đối với “sức sống về kinh tế” của nước Mỹ – thật ra riêng điều này đã có trong chiến lược an ninh quốc gia của ông Barack Obama – và từ đó điều chỉnh ưu tiên chính sách.

Trong đó, ông Trump không nhìn nhận vấn đề biến đổi khí hậu trái đất là một mối đe doạ nữa đối với an ninh nước Mỹ.

Thứ tư, chiến lược an ninh quốc gia của ông Trump được xây dựng trên 4 trụ cột là đảm bảo an ninh nội địa, tăng thịnh vượng và an ninh kinh tế cho nước Mỹ, duy trì hoà bình bằng sức mạnh quân sự và mở rộng ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới.

Thứ năm, quan điểm “Nước Mỹ trước hết” đóng vai trò chỉ đạo xuyên suốt chiến lược an ninh quốc gia này của ông Trump. Tuy nhiên, ông đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác với các đối tác bên ngoài, đặc biệt với Nga và Trung Quốc.

Ở đây có thể thấy ông Trump lựa chọn lối đi giữa chủ trương “Nước Mỹ trước hết” và buộc phải hợp tác với các nước khác, giữa chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa đa phương, giữa thu mình khép kín và hợp tác, hội nhập với thế giới bên ngoài.

Điều đáng chú ý nữa là cùng với việc nhắc lại nhiều cam kết tranh cử tổng thống, ông Trump thể hiện sự khác biệt rất rõ so với trước về Nga và Trung Quốc.

Cho dù quả quyết là vẫn phải hợp tác với cả 2 nước, ông Trump sử dụng những ngôn từ gay gắt hơn để tỏ thái độ cứng rắn rõ rệt.

Chúng không chỉ phảng phất hơi thở của thời Chiến tranh lạnh mà còn mâu thuẫn với những quan điểm thái độ cũng như hành động đã được ông Trump thể hiện đối với Nga và Trung Quốc trong thời gian vừa qua.

Sự thay đổi thực sự

Chung chung chứ không cụ thể, trình bày vấn đề nhiều hơn là diễn giải về ý tưởng giải pháp cho những vấn đề ấy, ông Trump tỏ ra kiềm chế và rụt rè hơn những người tiền nhiệm trong việc lựa chọn công cụ và phương cách để thực hiện chiến lược của mình. 

Những thông điệp trái chiều được pha trộn trong đây sẽ khiến bên ngoài đánh giá văn kiện này theo hướng khác biệt.

Ông Trump tỏ ra coi trọng và quan tâm đến văn kiện này hơn hẳn những người tiền nhiệm đối với chiến lược an ninh quốc gia của họ. Xưa nay ở Mỹ, các chiến lược được tác giả tổ chức thực hiện cụ thể rất hạn chế.

Nhưng ở trường hợp ông Trump rất có thể sẽ khác.

Rất có thể ông Trump sử dụng chiến lược này làm nền tảng ban đầu cho ba năm cầm quyền còn lại ở nhiệm kỳ đầu và phục vụ cho cuộc vận động tranh cử tổng thống ở Mỹ năm 2020.

Nếu được thực hiện đầy đủ thì nó sẽ làm nước Mỹ thay đổi thực sự và buộc cả thế giới cũng phải biến đổi theo.

RELATED ARTICLES

Tin mới