Sự chậm trễ, lệ phí cao và những mâu thuẫn giữa hai nước đang cản trở sự phát triển của trung tâm thương mại chính trong sáng kiến Vành đai và Con đường của ông Tập Cận Bình.
Khu vực biên giới quốc tế Trung Quốc – Kazakhstan. Ảnh: Reuters
Mối đe dọa tiềm ẩn
Bao quanh bởi những ngọn núi cao và những cánh đồng, thành phố Khorgos là một trong những trung tâm giao thương quan trọng trong sáng kiến Con đường Tơ lụa mới, ý tưởng nằm trong học thuyết Giấc mộng Trung Hoa do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xướng.
Tuy nhiên, dù đã chi hàng trăm triệu USD đầu tư, phần lớn những thương nhân ở đây – tại khu vực biên giới giữa Trung Quốc với Kazakhstan vẫn phụ thuộc vào các tuyến giao thông hàng hải để vận chuyển hàng hóa.
Jia Xiubing, một thương nhân vẫn nhập những đồ ăn nhẹ châu Âu qua các cảng Thanh Đảo và Thiên Tân (Trung Quốc), cho biết: “Vận chuyển qua các cảng Trung Quốc sẽ mất quãng đường gấp 10 lần nếu đi qua Khorgo nhưng dù sao như vậy hàng chắc chắn sẽ đến đúng hẹn”.
Nhiều thương nhân thường phàn nàn rằng khu thương mại tự do Khorgos gặp những vấn đề về chậm trễ thời gian một cách thường xuyên, chi phí cao và nhiều loại hàng hóa bị hạn chế nhập khẩu.
Với hàng loạt các dự án đầu tư từ các cảng ở Pakistan và Sri Lanka đến tuyến đường sắt cao tốc tại Đông Phi, đường ống dẫn khí đốt xuyên các nước Trung Á, sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá 900 tỷ USD của Trung Quốc là chiến dịch đầu tư nước ngoài lớn nhất từng được thực hiện bởi một quốc gia.
Financial Times (FT) nhận định, với hàng loạt vấn đề, trong đó có một số khó khăn về xuất nhập khẩu trong việc vận chuyển hàng hóa qua các nước Trung Á đến châu Âu, cho thấy những bất cập tiềm ẩn dưới kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc khi muốn gia tăng ảnh hưởng toàn cầu và thúc đẩy kinh tế trong nước.
Khorgos là một điểm quan trọng trong mạng lưới giao thông nối Trung Quốc và Châu Âu. Tính đến năm 2020, đây sẽ trở thành “cảng cạn” lớn nhất thế giới, nơi 4 triệu tấn hàng hóa được lưu trữ và vận chuyển hàng năm giữa Trung Quốc và Kazakhstan.
Tuy nhiên, đây là một trong những cửa khẩu biên giới chậm nhất của Trung Quốc. Theo chương trình Hợp tác Kinh tế Khu vực Trung Á (Carec) – một tổ chức thương mại, hàng hóa mất trung bình 10.6 tiếng đồng hồ để vào được Kazakhstan – gần gấp đôi thời gian để sang các nước khác.
Hầu hết hàng hóa được bốc dỡ xuống và lưu trữ trong các kho chứa, đôi khi có thể trong vài ngày, vì phải đợi sự thông quan từ cả hai bên. Chi phí bốc dỡ hàng hóa xe lửa tại đây cao nhất trong số những đường hành lang Carec giám sát, điều này khiến Khorgos là một trong những cửa khẩu đắt đỏ nhất vùng Trung Á.
Và những vấn đề không chỉ từ Khorgos, mà còn từ phía khu vực biên giới – tỉnh Tân Cương (Trung Quốc) – giáp với quốc gia Trung Á.
Một nhân viên khu vực cho biết, một khu thương mại tự do sẽ mở cửa vào năm nay tại thủ phủ Urumqi của Tân Cương nhưng bị trì hoãn do “chính quyền địa phương không thể quyết định quy trình xuất nhập khẩu và các chế độ hải quan với các bên”.
Jonathan Hillman, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Washington, nói: “Thủ tục hải quan thuận lợi và hiệu quả sẽ là chìa khóa, thậm chí còn quan trọng hơn việc xây dựng những tuyến đường mới”.
Trong khi đó, quan chức Kazakhstan phủ nhận việc vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc vào Kazakhstan chậm hơn vào những nước khác. Theo Bộ Ngoại giao Kazakhstan, thương mại xuyên biên giới giữa hai nước đã tăng gấp trăm lần trong 5 năm tính đến 2016 và đang tăng gấp đôi trong năm nay lên đến 200.000 container một năm.
Các quan chức Kazakhstan cho biết Kazakhstan chiếm đến 70% lượng vận chuyển giữa Trung Quốc và Châu Âu.
Thứ trưởng Ngoại giao Kazakhstan Roman Vassilenko nói: “Chính quyền Kazakhstan muốn tiếp tục phát triển như một trung tâm vận tải chủ yếu tại Á Âu, đóng vai trò quan trọng trong trao đổi thương mại giữa phương Đông và phương Tây”.
Mâu thuẫn và nghi ngờ
FT cho biết, dù chính phủ Kazakhstan lạc quan về sự đầu tư từ Trung Quốc, những nhà phân tích cho hay quốc gia này vẫn tồn tại những nghi ngờ sâu sắc về động cơ của nước láng giềng.
Ông Daniyar Kosnazarov, thuộc Đại học Narxoz tại Almaty, thành phố lớn nhất Kazakhstan, nói: “Càng thêm sự hiện diện của Trung Quốc tại Trung Á, thì tâm lý phản đối Trung Quốc càng mạnh mẽ hơn. Tinh thần dân tộc và sự chào đón Trung Quốc đang cùng tồn tại một cách đầy mâu thuẫn và có thể xung đột bất cứ lúc nào”.
Vào tháng Tư năm ngoái, hàng ngàn người đã xuống đường vì lo ngại những thay đổi pháp lý cho phép các nhà đầu tư Trung Quốc có thể mua những bất động sản có giá trị của nước này.
Dmitriy Frolovskiy, nhà phân tích về Trung Á tại Moscow nói: “Nhiều người Kazakhstan lo sợ về sự hiện diện quá nhiều của Trung Quốc tại đây. Được coi là nền kinh tế lớn hai và sở hữu một trong những lực lượng quân đội mạnh nhất thế giới, quốc gia láng giềng được cho có khả năng tấn công Kazakhstan chỉ trong vài ngày”.
FT cho hay, Kazakhstan có truyền thống nhận sự bảo trợ về kinh tế – chính trị của Nga và vẫn cảnh giác với sự lớn mạnh ảnh hưởng của Trung Quốc tại Trung Á. Di sản văn hóa Nga vẫn tồn tại ở nhiều nước thuộc Liên Xô cũ, như phần lớn dân Kazakhstan thiểu số tại vùng biên giới dùng tiếng Nga, chứ không phải tiếng Trung Quốc để trao đổi thương mại.
Kazakhstan, một thành viên trong Liên minh Kinh tế Á-Âu do Nga dẫn đầu, giới hạn lượng nhập khẩu dưới 50kg hoặc giá trị 1500 euro cho hàng hóa không khai báo với nhân viên hải quan tính trên đầu người hàng tháng.
Trung Quốc lo ngại hàng hóa giá rẻ nhập khẩu từ Kazakhstan sẽ gây ảnh hưởng xấu đến những nhà sản xuất nội địa, đã cấm hầu hết những mặt hàng nông nghiệp qua khu vực phi thuế quan.
Điều này làm hạn chế tất cả những hoạt động thương mại quy mô nhỏ tại Khorgos, nơi mà những người mua và người bán vẫn còn mặc cả từ đôi tất, chăn màn đến thức ăn đóng gói tại khu chợ nhỏ.
Xiang Wu, một thương nhân ngành dệt may, cho biết chính điều trên làm nhiều thương nhân không có ý định bắt đầu kinh doanh tại đây: “Dù bạn có làm việc nhiều như thế nào đi nữa, lợi nhuận thu được luôn bị giới hạn bởi một mức trần”.
Văn hóa hối lộ
Từng là ngôi làng hẻo lánh bảo phủ bởi những chiếc lều của người chăn gia súc du mục, Tashkurgan đã phát triển nhanh chóng trong thập kỷ qua thành điểm giao thương giữa Trung Quốc và Pakistan.
Vị trí đặc biệt của thị trấn thuộc Trung Quốc này cũng làm phát triển một kiểu kinh doanh mới: “lệ phí hải quan với những mặt hàng đi qua, và nạn tham nhũng tại đây đang cản trở kế hoạch thiết lập hành lang thương mại sang Trung Á và châu Âu của Trung Quốc”.
Abdullah, một thương nhân người Tajik, nói: “Bạn cần quen biết ai đó ở vùng này để có được phí hải quan đặc biệt. Nhân viên những cơ quan hải quan đều là người địa phương vùng Tashkurgan và Kashgar”.
Carec, một cơ quan thương mại khu vực, cảnh báo những mức phí không chính thức là một thách thức lớn đối với việc minh bạch quy trình tại tất cả hành lang thương mại Trung Á.
Wassim Abbas, phản ánh lại tình trạng của hàng chục thương nhân Pakistan đang kinh doanh xuất nhập khẩu tại khu vực này: “Không có danh sách các khoản phí hải quan một cách rõ ràng. Có ngày là 5% (giá trị hàng hóa trong một container), có ngày lại là 20%”.
Những thương nhân tại Khorgos, một điểm giao thương quan trọng dọc theo Con đường Tơ lụa mới trải dài khắp châu Á của Trung Quốc, cũng phàn nàn về việc bị buộc phải hối lộ.
Một thương nhân Trung Quốc tại Khorgos nói, tiền là thứ duy nhất có sức ảnh hưởng ở khu vực biến giới này. Trong khi cơ quan hải quan của Kazakhstan cho rằng “những trường hợp hối lộ chỉ là cá biệt, không mang tính hệ thống”.