Saturday, January 11, 2025
Trang chủĐiểm tinTQ chơi ván ‘cờ vây’ Ấn Độ ở Nam Á

TQ chơi ván ‘cờ vây’ Ấn Độ ở Nam Á

Bằng cách kéo Nepal, Sri Lanka và Pakistan vào quỹ đạo chịu ảnh hưởng của mình, Trung Quốc đang chơi một ván “cờ vây” Ấn Độ và hiện đang thắng thế, buộc Ấn Độ phải mở những nước cờ phản công.

Ấn Độ phô trương tên lửa Brahmos – Ảnh Getty Images

Theo báo Nikkei Asian Review, Nam Á hiện như một bàn cờ khổng lồ, với Trung Quốc là quân đen và Ấn Độ là quân trắng và hai bên đều nỗ lực lấn đất. 

Nepal vừa mới lọt vào quỹ đạo của Bắc Kinh, khi một chính quyền thân Trung Quốc sẽ nắm quyền lực từ đầu năm 2018.

Đó là một sự thay đổi lớn ở đất nước thuộc dãy núi Hymalaya và xen giữa hai thế lực khu vực.

Chính phủ Nepal sắp mãn nhiệm từng duy trì quan điểm thân Ấn Độ. Nhưng sau hai cuộc bầu cử ngày 26.11 và 7.12, liên minh các đảng Cộng sản thắng lớn, giành lại quyền lực.

Dù các thành viên cấp cao của đảng CPN-UML tuyên bố sẽ duy trì quan hệ với cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc, họ không giấu ý đồ tách khỏi tầm ảnh hưởng của New Delhi.

Về mặt kinh tế, quan hệ Ấn Độ – Nepal có chiều sâu. Công dân Nepal được phép làm việc ở Ấn mà không cần visa. Nepal cũng nhập 60% hàng hóa của Ấn Độ.

Ngược lại, Nepal không dựa nhiều vào Trung Quốc, vì núi Everest nằm chắn ngăn hai nước, hạn chế sự giao thương. Dù vậy, tham vọng phát triển cơ sở hạ tầng khu vực của Bắc Kinh có thể giúp vượt qua chướng ngại vật này.

Năm ngoái, khi là Thủ tướng Nepal, chủ tịch CPN-UML Khadga Prasad Oli đi thăm Trung Quốc, bàn kế hoạch xây một tuyến đường sắt và mở rộng các tuyến đường bộ nối hai nước.

Chính phủ trước cũng ký một thỏa thuận ghi nhớ, trong đó Trung Quốc hợp tác xây nhà máy điện lớn nhất Nepal. Chính phủ thân Ấn Độ đã hủy các kế hoạch này, nhưng nay có thông tin chính phủ mới sẽ bật đèn xanh cho kế hoạch. 

R.S.N. Singh, một cựu quan chức tình báo Ấn Độ, nói sự thay đổi quyền lực ở Nepal do có Trung Quốc thúc đẩy, vì Bắc Kinh “tuyệt vọng” muốn giữ một vai trò lớn hơn ở Nepal, từ khi Ấn Độ tỏ thái độ cứng rắn và không thỏa hiệp trong vụ căng thẳng ở cao nguyên Doklam hồi  tháng 8, khi quân lính Ấn -Trung sừng sộ nhìn nhau ở vùng ngã ba biên giớp giáp Bhutan.

Nhưng Nepal không là quốc gia duy nhất giáp Ấn Độ đang ngả dần qua Bắc Kinh. Gần đây, nhiều láng giềng đã tỏ ra là những nhà đàm phán cứng rắn, cạnh tranh ráo riết để nhận những khoản tài trợ cùng các sự giúp đỡ của Ấn Độ.

Không may cho Ấn Độ, xem ra ngày càng nhiều nước sẵn sàng rơi vào quỹ đạo của Trung Quốc. Myanmar là một ví dụ. Đầu tháng 12, nhân chuyến thăm Trung Quốc của bà Aung San Suu Kyi, Chủ tịch Tập Cận Bình nói với vị nữ Cố vấn chính phủ Myanmar: Trung Quốc – Myanmar nên nuôi dưỡng những điểm tăng trưởng chung, như bàn việc xây một hành lang kinh tế Trung Quốc – Myanmar, để thúc đẩy quan hệ song phương”. Bà Suu Kyi đồng ý với lời đề nghị lập hành lang kinh tế của Trung Quốc.

Hành lang kinh tế sẽ trải dài đến Ấn Độ Dương, giúp Trung Quốc có điểm tiếp cận thứ hai, sau một hành lang kinh tế tương tự ở Pakistan.

Trung Quốc lập thế đứng quân sự

Trung Quốc cũng ghi điểm với đảo quốc Maldives. Ngày 29.11, chính quyền đảo này mở phiên họp quốc hội khẩn cấp, vội thông qua một thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc, trong khi các đảng đối lập vắng họp.

Người phát ngôn của đảng Dân chủ đối lập nói: “Tài liệu 1.000 trang được gởi đến Ủy ban giám sát về các vấn đề an ninh quốc gia chỉ sau 3 phút họp. Và Ủy ban thông qua thỏa thuận song phương này trong vòng chưa đầy 10 phút”.

Nhiều năm qua, Tổng thống Abdulla Yameen của Maldives liên tục gạt sang bên lề từng đảng đối lập. Xem ra ông đánh giá Trung Quốc là đối tác có ích để ông củng cố quyền lực trước thềm bầu cử tổng thống 2018.

Không thể rõ vì sao ông Yameen cần vội vàng thông qua thỏa thuận thương mại song phương, nhưng đảng Dân chủ đối lập nhận định: “Có thể Tổng thống Yameen vội thông qua, để đáp ứng thời hạn chót mà Trung Quốc áp đặt”.

Thỏa thuận này cho phép Trung Quốc có 2 thỏa thuận thương mại tư do ở Nam Á, sau một thỏa thuận với Pakistan và Bắc Kinh cũng đang thương lượng với Sri Lanka.

Ngày 6.12, người phát ngôn Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: Việc đàm phán và ký thỏa thuận với Maldives là phù hợp với trào lưu kinh tế toàn cầu hóa.

Tuy nhiên, không nhiều chuyên gia xem trọng giá trị bề ngoài này. Vì quan hệ kinh tế sâu sắc hơn thường đi kèm với những tính toán quân sự. Nhà nghiên cứu Manoj Joshi ở tổ chức nghiên cứu Observer Research Foundation (ở New Delhi) nói: “Có khả năng Trung Quốc lập một căn cứ hải quân ở đảo Gadu thuộc Maldives. Đảo này kề cận đảo Gan, nơi có một căn cứ hải quân Anh thời Thế chiến 2, và vùng nước sâu ở đó thích hợp với một căn cứ tàu ngầm”. 

Ông Joshi nói thêm: “Hai năm trước, chính phủ Maldives sửa đổi luật về cải tạo đất. Và như những gì Trung Quốc đã làm ở Biển Đông, Maldives nói rằng “nếu bạn có thể cải tạo đất thì bạn có thể sở hữu khu đất ấy”.

Hải quân Trung Quốc đã lập căn cứ đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti hồi tháng 8.2016, và ông Joshi nói đảo Gadu nằm giữa Ấn Độ Dương cũng có thể là căn cứ thứ hai ở nước ngoài của họ.

Hiện Trung Quốc có thể lựa chọn nhiều vị trí để lập căn cứ hải quân vây quanh Ấn Độ. Đứng đầu danh sách là cảng Hambantota của Sri Lanka, cảng Gwadar của Pakistan.

Do Sri Lanka nợ Trung Quốc quá nhiều, nên hồi đầu tháng 12 đã phải cho phép các công ty Trung Quốc thuê cảng Hambantota suốt 99 năm, bằng cách chuyển nợ thành cổ phần.

Cảng Gwadar đã do một công ty Trung Quốc điều hành, sẽ trở thành “cơ sở hải quân của Trung Quốc”, theo lời cảnh cáo thẳng thừng của ông Ashok Kantha, cựu đại sứ Ấn Độ ở Bắc Kinh.

Như Sri Lanka, Pakistan cũng mắc nợ lớn với Trung Quốc, đến độ có tin đồn Pakistan đối mặt với sự phá sản. Hiện Trung Quốc gánh gần hết khoản kinh phí ước tính 55 tỉ USD để xây hành lang kinh tế. 

Ấn Độ chống đỡ kín kẽ với tên lửa Brahmos

Dĩ nhiên New Delhi không ngồi yên trước việc Trung Quốc lấn át trên toàn khu vực. Vụ căng thẳng ở Doklam là thời điểm hai nước đứng sát bờ vực chiến tranh.

Trung Quốc đã xây một tuyến đường tại khu vực mà Bhutan cũng tuyên bố chủ quyền này. Tuyến đường chỉ cách Ấn vài trăm mét, và New Delhi đã cử quân để ngăn chặn dự án, hậu quả là vụ căng thẳng kéo dài 2 tháng. 

Ấn Độ cũng phô trương sức mạnh quân sự. Ngày 22.11, Thủ tướng Narendra Modi khen lực lượng không quân lần đầu tiên phóng thử thành công tên lửa hành trình Brahmos từ chiến đấu cơ  Su-30 trên vùng biển Bengal.

Khi Trung Quốc đang có sự hiện diện quân sự thường xuyên ở Ấn Độ Dương, Ấn Độ quyết tâm thể hiện khả năng đối phó. Một quan chức quốc phòng Ấn Độ nói với Nikkei Asian Review: Tầm bắn của tên lửa vươn tới Eo biển Malacca, cửa ngỏ vào Ấn Độ Dương của Trung Quốc, nên nếu xảy ra chiến tranh, tàu chiến Trung Quốc sẽ trở thành mục tiêu, cản trở khả năng tăng viện.

Tên lửa Brahmos vì thế cần thiết khi Trung Quốc có ưu thế hải quân. Dù vậy, Ấn Độ chưa thể bì với Trung Quốc về vũ khí và sức chi quân sự. Kinh tế Trung Quốc lớn hơn của Ấn những 5 lần, và New Delhi không đủ nguồn tài chính để ngang cơ với Trung Quốc.

Sức chi quân sự của Trung Quốc là 215,2 tỉ USD để có 1.271 chiến đấu cơ, 6.457 xe tăng, 1 tàu sân bay, 68 tàu ngầm, 51 tàu hộ vệ.

Trong khi đó, Ấn Độ chỉ có sức chi quân sự 55,9 tỉ USD, mua 676 chiến đấu cơ, 4.426 xe tăng, 3 tàu sân bay (gồm 2 tàu sân bay trực thăng) 15 tàu ngầm và 14 tàu hộ vệ.

Bài học cho các nước quá dựa vào Trung Quốc

Tuy nhiên, xem ra chiến lược của Ấn là những hành động kín kẽ mà tập hợp lại thì có thể kiềm chế Trung Quốc. Hồi tháng 8, Ấn Độ bắt đầu thương lượng, để có thể thuê sân bay quốc tế Mattala Rajapaka ở Sri Lanka, gần cảng Hambantota. Sân bay này ít giá trị thương mại, nổi tiếng là tuyến bay dân dụng có lượng khách thấp nhất thế giới. Nhưng Ấn Độ sốt ruột ký thỏa thuận, nhằm buộc Trung Quốc phải tính toán rằng không thể chuyển sân bay này thành một căn  cứ không quân trong một cuộc khủng hoảng.

Trong khi đó ở Bangladesh, có tin đồn Ấn Độ dùng sức ép ngoại giao, đã khiến Trung Quốc phải hủy kế hoạch phát triển cảng Sonadia.

Vậy là ván “cờ vây” của Trung Quốc đã khiến New Delhi ít ra có những đòn phản công. Theo Nikkei Asian Review, đấy là một bài học để vài nước củng cố quan hệ với Trung Quốc phải nghĩ kỹ chuyện dựa cậy siêu cường này, nhất là về chuyện có thể trở thành một lãnh thổ thuộc quyền kiểm soát của Bắc Kinh.

Gần đây, Hội đồng thương mại Pakistan nói về kế hoạch cơ sở hạ tầng của Trung Quốc: “Rất cần sự minh bạch rõ ràng về hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan sẽ tác động đến tính cạnh tranh của ngành công nghiệp trong nước hiện có, và cần triển khai biện pháp bảo vệ an toàn, để chống trở thành một kênh nhập khẩu hàng hóa rẻ tiền”. 

Người phát ngôn của đảng Dân chủ đối lập ở Maldives cũng nói: “Chúng tôi cực kỳ quan ngại việc đưa đất nước vào sâu trong cái bẫy nợ mà Trung Quốc giương lên, sẽ có hậu quả là gây sức ép mạnh lên tài nguyên chiến lược quốc gia và làm tăng sự bất ổn ở khu vực Ấn Độ Dương. Bắc Kinh có thể tự tin rằng sẽ vượt qua khỏi những lo ngại này. Ngoại trưởng Vương Nghị nói ngày 7.12: “Chúng tôi tin tưởng giá trị chiến lược hợp tác Trung – Ấn sẽ tự nói nên tất cả, và có triển vọng rồng khiêu vũ với voi”.  

Nhưng khi “rồng” bao vây “voi”, liệu có cơ hội để họ khiêu vũ mà không giẫm lên chân bạn nhảy? Thủ tướng Ấn Độ Modi nói sau tuyên bố của ông Vương Nghị: “Thế kỷ 21 là thế kỷ của châu Á. Chính phủ chúng tôi đánh giá cao tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương, dựa trên nguyên tắc An ninh và Thịnh vượng cho mọi người trong khu vực”.

 Và đó sẽ là một điệu nhảy tango căng như dây đàn.

RELATED ARTICLES

Tin mới