Thursday, January 16, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTăng trưởng kinh tế Việt Nam 2018: Thận trọng

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2018: Thận trọng

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào chế biến chế tạo, bất động sản, dịch vụ… Khả năng bứt phá của các ngành này trong năm tới không cao.

Kinh tế Việt Nam những ngày cuối năm cũng liên tiếp đón nhận các tin vui. Lần lượt World Bank và ADB đưa ra những dự báo mới, khác với trước đó, cho rằng GDP Việt Nam có thể đạt được 6,7%, củng cố thêm vào mục tiêu Chính phủ đề ra trước đó. Thu hút vốn FDI của Việt Nam đạt kỷ lục trong 10 năm với việc thu hút 33 tỷ USD (Số liệu Cục đầu tư nước ngoài, tính chung 11 tháng) hay xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt được 400 tỷ USD (số liệu Tổng cục Hải quan) được xem là điều thần kỳ kể từ khi gia nhập WTO 10 năm trước….

Bên cạnh đó, năm 2017 cũng là năm thành công của thị trường chứng khoán. Một loạt các con số được tổng kết bằng “kỷ lục”: vốn hoá thị trường kỷ lục, dòng vốn ngoại kỷ lục, số lượng doanh nghiệp quy mô lớn lên sàn đạt mức kỷ lục… Vì vậy, VN-Index cũng dễ dàng chinh phục mức đỉnh 10 năm.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế – TS Võ Trí Thành, nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng của năm 2017, cơ bản Việt Nam vẫn dựa vào các lợi thế vốn có như chi phí lao động hay những lợi thế so sánh khác.

Mặt khác, đằng sau con số tăng trưởng vẫn còn nhiều điều phải suy ngẫm, xem mình thực chất làm được đến đâu, cái gì là do nỗ lực, cái gì là nhờ “ơn trời”. Có 3 vấn đề trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017:

Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng của Samsung dù vẫn mạnh nhưng đã tăng vọt. Bên cạnh đó, Formosa quay lại sản xuất với 1,5 triệu tấn thép… những điều này không phải là điều bình thường trong kinh doanh, tức nó không phải là điều thường xuyên diễn ra trong nền kinh tế.

Thứ hai, việc tăng trưởng này có liên quan đến chu kỳ kinh tế thế giới. Bởi sau 10 năm, kinh tế thế giới có vẻ đi vào chu kỳ tích cực hơn, dù chưa phải đột phá. Việt Nam với độ mở cao của thị trường nên đã ảnh hưởng theo hướng tích cực.

Thứ ba là về điều hành. Dù có mặt được và mặt chưa được, ví dụ như điều hành mang tính mệnh lệnh, nhưng những quyết tâm hành động của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh đã được ghi nhận, doanh nghiệp Việt cũng cảm nhận được chiều cạnh tốt lên.

Ông lưu ý: “Việt Nam là nước đang phát triển nên cần tăng trưởng cao để bắt kịp với các nước khác. Tuy nhiên việc tăng trưởng đấy phải cùng tăng với chất lượng, năng suất, đổi mới sáng tạo, nâng cao kỹ năng quản trị lao động.

Trong bối cảnh như hiện nay, nếu muốn sửa để tăng trưởng thêm, tôi cho rằng đó chính là cách điều hành. Chúng ta đã đặt ra được vấn đề cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô… và cần nhất quán tập trung vào các vấn đề này”.

Nhận định về kịch bản kinh tế năm 2018, vị chuyên gia cho biết, kinh tế Việt Nam rất mở nên sẽ phụ thuộc nhiều vào kinh tế thế giới. Kinh tế thế giới được dự báo vẫn có chiều hướng tích cực tuy nhiên không có được mức độ lớn như năm 2017 so với năm 2016. Thế giới cũng đối mặt với nhiều rủi ro bất định lớn, đặc biệt liên quan đến địa chính trị, xu hướng bảo hộ.

“Năm 2017, chúng ta đạt được mức 6,7% cũng nhờ vào bước nhảy sản xuất, xuất khẩu của Samsung, bước nhảy này sang năm cũng có thể có nhưng xác suất không quá cao. Dù nỗ lực hết sức nhưng cũng khó thể biết được.

Mặt khác, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào một số khu vực như chế biến chế tạo; bất động sản, dịch vụ… Các ngành ngày này trong năm tới có thể vẫn phát triển nhưng khả năng bứt phá mạnh mẽ, tăng mạnh như năm 2017 là không cao.

Chính vì thế, nếu nhìn vào mục tiêu tăng trưởng 2018 được Quốc hội thông qua là từ 6,5 – 6,7% (thấp và tương đương năm 2017) có thể thấy sự thận trọng nhất định. Tôi nghĩ chúng ta có thể đạt được mục tiêu này.

Rủi ro năm 2018, tôi nghĩ cái lớn nhất đến từ bên ngoài, như vấn đề địa chính trị. Bên trong thì tôi không gọi đó là rủi ro, nhưng vấn đề chính tôi cho rằng phải xử lý hài hoà giữa tăng trưởng trong ngắn hạn và tái cấu trúc thể chế. Bên cạnh đó là việc cân bằng được các vấn đề của xã hội, cải cách thể chế, tạo điều kiện cho nền kinh tế hoạt động tốt lên nữa”, TS Võ Trí Thành phân tích.

RELATED ARTICLES

Tin mới