Theo SCMP, dự án Con đường tơ lụa của Trung Quốc sẽ giúp hai nền văn minh cổ của thế giới sẽ một lần nữa được kết nối với nhau.
Cảng Piraeus (Hy Lạp) là một trong những hải cảng lớn nhất châu Âu. Ảnh: seatrade-cruise
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP- Hồng Kông) cho biết, trong vài tuần qua tham vọng xây dựng Con đường tơ lụa mới trải rộng Á Âu của Trung Quốc đã bị phản đối khi Pakistan, Myanmar và Nepal hủy bỏ nhiều dự án cơ sở hạ tầng do Bắc Kinh tài trợ.
Tuy nhiên, Hy Lạp – một quốc gia vùng Balkan, nổi tiếng với mệnh danh xứ sở thần thoại lại đang chào đón dự án này.
Đại sứ Hy Lạp tại Bắc Kinh Leonidas Rokanas cho biết, quốc gia này hy vọng sẽ biến hải cảng lâu đời – Piraeus thành cửa ngõ cho mạng lưới đường sắt và đường bộ quy mô lớn giúp Trung Quốc tiếp cận trung tâm Châu Âu.
Theo ông Rokanas, Hy Lạp, nơi từng là một đầu mối quan trọng trong Con đường Tơ lụa cũ, sẽ một lần nữa là trung tâm giao thương giữa châu Á, châu Âu và châu Phi.
Trung Quốc có cơ hội đi vào “trái tim” châu Âu
Rokanas nói: “Piraeus sẽ trở thành đầu mối quan trọng cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Nam, Đông và Trung Âu. Theo như lối nói ẩn dụ của người Trung Quốc, Piraeus sẽ giữ vai trò như “đầu rồng” cho tuyến đường biển – đất liền, dẫn vào trái tim của châu Âu qua Hy Lạp”.
Năm ngoái, doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc COSCO Shipping đã thành công mua lại 51% cổ phần của cảng Piraeus, một trong những cảng lớn nhất tại châu Âu.
Ông Rokanas cho biết, đối với phía Hy Lạp, thương vụ trên có vai trò quan trong cho sự phục hồi sau cuộc khủng hoảng nợ công bắt đầu năm 2009 và tàn phá nền kinh tế quốc gia này. Hải cảng Piraeus đã mở cửa đón hàng loạt đầu tư các công ty Trung Quốc với giá trị hợp đồng ước tính lên tới1,6 tỷ USD.
Về phía Trung Quốc, thương vụ trên như một “mảnh ghép” quan trọng trong “bức tranh toàn cảnh” của Sáng kiến Vành đai và Con đường khi 50% GDP Trung Quốc và khoảng 90% giá trị xuất nhập khẩu ngoài khu vực của Châu Âu phụ thuộc vào vận tải.
“Tuyến giao thông trên đất liền và biển nối Đông Nam và Trung Âu với Trung Quốc qua cảng Piraeus… sẽ nâng cao vị thế của Piraeus”, Đại sứ Hy Lạp nói.
Ngoài ra, tại Diễn đàn Vành đai và Con đường tại Bắc Kinh vào tháng 5/2016, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã thể hiện ý định nâng cấp tuyến đường sắt nối giữa Piraeus và thủ đô Belgrade của Serbia.
Đến tháng 9 cùng năm, Hy Lạp đã ký một thỏa thuận xây dựng tuyến đường sắt cao tốc có tên gọi “Sea2Sea” với Bulgaria, nối ba cảng tại Hy Lạp – Thessaloniki, Kavala, Alexandroupolis với ba cảng của Bulgaria – Burgas và Varna tại Biển Đen, Ruse tại sông Danube – con sông dài thứ hai châu Âu.
Trung Quốc cũng đang có kế hoạch đầu tư vào một trong những dự án bất động sản lớn nhất châu Âu nhằm biến một khu sân bay bị bỏ hoang thành hệ thống resort ven biển quy mô nhất khu vực.
Dự án trị giá 8 tỷ euro (khoảng 9,5 tỷ USD) đầu tư vào sân bay Hellenikon, một phần quan trọng trong gói cứu trợ quốc tế cho Hy Lạp được các nhà đầu tư và các nước chủ nợ giám sát chặt chẽ.
“Dự án Hellenikon thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể mang tính quyết định với tăng trưởng chung của Hy Lạp”, ông Rokanas cho hay, một Tổ chức Nghiên cứu Kinh tế và Công nghiệp đã dự đoán, tính đến ngày hoàn thành, dự án trên sẽ đóng góp 2,4% vào GDP của Hy Lạp.
Chương trình được cho sẽ giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp tại Hy Lạp – nơi mà chỉ số này cao nhất trong khu vực đồng euro, Hellenikon cần 10.000 nhân công mới trong quá trình xây dựng và 75.000 nhân công mới trong thời gian hoạt động ban đầu.
Nhưng những bước phát triển kinh tế của Trung Quốc tại đây lại làm dấy lên lo ngại về đòn bẩy chính trị của gã khổng lồ Đông Á tại khu vực. Thậm chí, một số ý kiến lo sợ rằng, EU có thể sẽ bị chia rẽ.
Nhưng ông Rokanas khẳng định, những dự án mang tính kết nối như Vành đai và Con đường có thể giúp các nước EU đoàn kết hơn là chia rẽ.
Ông này nói: “Chúng tôi không cho rằng sự phát triển này xung đột với những mối quan hệ hiện tại; trái lại, nó có thể hỗ trợ và tăng cường những mối quan hệ đó, trong đó có quan hệ tam giác giữa Hy Lạp với EU và Trung Quốc”.