Tuần trước, trang Hải ngoại mạng thuộc Nhân Dân nhật báo ngang nhiên đưa tin trong năm 2017, Trung Quốc đã hoàn thành nhiều công trình phi pháp như tòa nhà chính quyền, trạm radar và những cơ sở khác, chiếm tổng diện tích 29 ha trên các thực thể ở Biển Đông. Trang này không nói rõ địa điểm cụ thể nhưng đề cập một số công trình phi pháp trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền VN.
Theo Hải ngoại mạng, hoạt động xây dựng trên các đảo, đá ở Biển Đông diễn ra đều đặn và diện tích của những thực thể này sẽ tiếp tục mở rộng một khi “siêu tàu nạo vét” của Trung Quốc, được hạ thủy hồi tháng 11, đi vào hoạt động.
Trang tin này cũng không che giấu ý đồ quân sự hóa của Trung Quốc khi tuyên bố hành động mở rộng diện tích các đảo và đá là “nhằm tăng cường khả năng phòng thủ cần thiết” trong phạm vi cái gọi là chủ quyền của nước này ở Biển Đông.
“Đánh lạc hướng dư luận”
Trả lời Thanh Niên, tiến sĩ luật Trần Thăng Long, Trường ĐH Luật TP.HCM, khẳng định những hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc “đi ngược lại tinh thần các cam kết chính trị của Trung Quốc đối với ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và giữ nguyên hiện trạng, không làm xấu đi tình hình”. Hồi tháng 11, lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc đã chính thức tuyên bố khởi động đàm phán về COC sau khi các ngoại trưởng hai bên thông qua dự thảo khung bộ quy tắc này.
“Với việc đồng ý hướng tới đàm phán COC, mưu đồ của Trung Quốc thực chất là nhằm xoa dịu sự phản ứng quyết liệt của cộng đồng quốc tế, nhằm đánh lạc hướng dư luận, làm cho các quốc gia lầm tưởng về thiện chí và mong muốn của Trung Quốc trong việc hướng tới một khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định và công lý”, tiến sĩ Long phân tích.
Theo ông, điều này cũng cho thấy “ý đồ độc chiếm Biển Đông của nước này chưa bao giờ thay đổi và họ luôn muốn hòa bình, ổn định theo kiểu riêng, đó là thừa nhận các hành động phi pháp và hợp pháp hóa nó và một mặt tiếp tục kêu gọi hòa bình, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, mặt khác tiếp tục bằng những hành động bất chấp dư luận và luật pháp quốc tế. Bản chất lời nói không đi đôi với việc làm của Trung Quốc luôn được thể hiện qua các hành động coi thường cộng đồng quốc tế và các nước trong khu vực”.
Tương tự, Giáo sư Carlyle A.Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc, nhận định với Thanh Niên: “Như một tay ảo thuật, Trung Quốc một mặt làm xao lãng sự chú ý của các bên tranh chấp khác bằng cách tỏ ra sẵn sàng thảo luận COC, mặt khác lại gia tăng quân sự hóa. Trung Quốc muốn củng cố sự hiện diện của mình trên các đảo nhân tạo trong lúc chính quyền Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có phần buông lỏng và chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tập trung vào vấn đề Triều Tiên. Trung Quốc tìm cách bám chặt vị thế của mình ở Biển Đông để tạo ra cái gọi là “tình trạng bình thường mới”. Một sự hiện hiện quân sự, hành chính và thương mại vững chắc sẽ cung cấp cho Trung Quốc khả năng gây áp lực ngay lập tức đối với bất kỳ quốc gia nào có hành động đi ngược với mong muốn của mình”.
Sóng ngầm
Các chuyên gia cũng nhận định với Thanh Niên rằng tình hình Biển Đông trong năm 2018 bề ngoài vẫn có vẻ không có biến động lớn nhưng thực chất bên dưới vẫn “ào ạt” sóng ngầm do chiến lược “tằm ăn dâu” của Trung Quốc.
Giáo sư Alexander Vuving (Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á – Thái Bình Dương, thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ) nhấn mạnh: “Các hoạt động xây dựng cơ sở, công trình và triển khai vũ khí, khí tài quân sự trên các vị trí mà Trung Quốc chiếm đóng hoàn toàn nằm trong chiến lược nhất quán của họ tại Biển Đông. Một chủ trương lớn trong chiến lược này là biến các vị trí chiếm đóng thành căn cứ hậu cần và căn cứ quân sự tiền phương, tạo bàn đạp cho các phương tiện như máy bay, tàu nổi, tàu ngầm của Trung Quốc tỏa ra thống lĩnh vùng trời và vùng biển ở Biển Đông”. Theo ông, Trung Quốc không đi quá nhanh nhằm tránh gây ra sự phản kháng mạnh mẽ, nhưng vẫn duy trì các bước đi ở một tốc độ vừa phải, đủ để không làm ảnh hưởng đến các dự án lớn khác như sáng kiến Vành đai và Con đường.
Tương tự, Giáo sư Leszek Buszyns (Đại học Quốc gia Úc) dự đoán Trung Quốc đang muốn có một COC không gây bất lợi cho mình và tiếp tục lôi kéo Philippines xa rời Mỹ nên có thể sẽ không gây ra biến động lớn trên biển trong năm 2018.
Nhận định về các động thái của Mỹ, các nhà quan sát chỉ ra rằng Chiến lược an ninh quốc gia do Tổng thống Donald Trump công bố hôm 18.12 nhấn mạnh nước này “sẽ củng cố cam kết về tự do của các vùng biển và giải quyết hòa bình tranh chấp lãnh thổ và hàng hải theo luật pháp quốc tế”.
Theo Giáo sư Buszynski, Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc tuần tra nhằm duy trì tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông nhưng khó có thể đi xa hơn. “Mỹ muốn Trung Quốc hợp tác đối phó Triều Tiên nên ông Trump sẽ không đi quá xa trong vấn đề Biển Đông”, ông Buszynski phân tích.
Kiên quyết đấu tranh
Từ tình hình này, các bên liên quan càng phải đề cao cảnh giác, có phản ứng mạnh mẽ và kịp thời trước mọi hành vi xây dựng phi pháp, đơn phương thay đổi hiện trạng và quân sự hóa Biển Đông.
Tiến sĩ Trần Thăng Long nhấn mạnh với Thanh Niên: “VN có chính nghĩa, có cơ sở pháp lý quốc tế để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các quyền chủ quyền, quyền tài phán trong các vùng biển của mình theo luật pháp quốc tế trên Biển Đông. Do đó, VN một mặt luôn cảnh giác trước những bước đi và lời nói của Trung Quốc, mặt khác kiên quyết đấu tranh ngoại giao khẳng định chủ quyền và yêu cầu các quốc gia khác có quyền lợi liên quan cũng như cộng đồng quốc tế lên tiếng để phản đối, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành vi vi phạm này, như trước giờ VN vẫn làm. Đồng thời, cần phải đấu tranh bằng nhiều kênh khác nhau, trong đó cần phải kêu gọi sự đoàn kết và nhất trí giữa các quốc gia ASEAN và cuối cùng là khẳng định sự ủng hộ đối với mọi hoạt động nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải, hàng không và các quyền tự do khác trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế”.