Theo hãng thông tấn Kyodo (Nhật Bản), chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc các viễn cảnh của một cuộc chiến tranh toàn diện trên bán đảo Triều Tiên.
Tên lửa đạn đạo Hwasong-15 được cơ quan thông tấn Triều Tiên đăng tải ngày 30/11/2017. Ảnh: KCNA
Cuộc chiến nổ ra giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, hay Mỹ sẽ phát động một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Bình Nhưỡng là 2 trong số 4 kịch bản mà chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc khi hội đàm về tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Đây là chủ đề đang được thảo luận trong khuôn khổ Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhật Bản với sự tham gia của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Tokyo được cho là sẽ thảo luận về các kế hoạch hành động được thực hiện bởi Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong trường hợp tình hình trên bán đảo Triều Tiên trở nên trầm trọng.
Theo Kyodo, Nhật Bản sẽ có quyền sử dụng cơ chế an ninh tập thể và nhận sự hỗ trợ quân sự từ Mỹ trong trường hợp xảy ra chiến tranh tại khu vực này.
Ngoài ra, Kyodo đưa tin, chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc 4 kịch bản có thể xảy ra liên quan đến việc phát động chiến dịch quân sự trên bán đảo Triều Tiên.
4 kịch bản này bao gồm: cuộc chiến vũ trang toàn diện giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, Mỹ tấn công phủ đầu nhằm vào Triều Tiên, Hàn Quốc tấn công Bình Nhưỡng và Triều Tiên tấn công tên lửa vào Nhật Bản.
Trong năm qua, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã xấu đi nghiêm trọng, với việc Bình Nhưỡng đã tiến hành một loạt vụ phóng tên lửa và tiến hành thử hạt nhân hồi đầu tháng 9.
Các hành động của Triều Tiên đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ cộng đồng quốc tế. Cộng đồng quốc tế đang tìm cách tiếp tục gây áp lực lên Bình Nhưỡng thông qua các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt.
Trong khi Triều Tiên chỉ trích nghị quyết trừng phạt gần đây của Liên Hợp Quốc là “hành động chiến tranh” thì Mỹ khẳng định rằng họ không loại trừ khả năng dùng vũ lực để giải quyết vấn đề này.
Trước đó, Nga và Trung Quốc khẳng định, Triều Tiên nên tuyên bố chấm dứt các vụ thử tên lửa và hạt nhân, đồng thời thúc giục Hàn Quốc và Mỹ không tiến hành tập trận chung để ổn định tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Washington nói “không” với sáng kiến này.