Wednesday, January 8, 2025
Trang chủBiển nóngKhông quân TQ nhắm tới Biển Đông với chiến lược nhân sự...

Không quân TQ nhắm tới Biển Đông với chiến lược nhân sự mới

Một viên tướng Trung Quốc có kinh nghiệm về Biển Đông đã được cử vào đội ngũ hàng đầu trong cơ quan Đảng của Không quân Trung Quốc, điều này cho thấy Bắc Kinh nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của vùng biển tranh chấp này, theo SCMP.

Tờ Thepaper.cn đưa tin hôm thứ Hai (1/1), Trung tướng Xu Anxiang, 61 tuổi, trước đây là người đứng đầu Bộ chỉ huy Miền Nam của không quân Trung Quốc đã được chuyển sang làm một trong 10 thành viên của ban thường vụ Đảng ủy Không quân. Ông Xu là thành viên duy nhất có chuyên môn về Biển Đông, theo SCMP.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và xây dựng phi pháp ở Biển Đông, bất chấp phán quyết của một tòa án quốc tế tại La Hay được đưa ra vào năm 2016. Bộ chỉ huy Miền Nam là một trong năm khu quân sự của Trung Quốc và chịu trách nhiệm bảo vệ lợi ích của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Nhà phân tích quân sự Zeng Zhiping thuộc Viện Công nghệ Nanchang ở tỉnh Giang Tây cho biết không quân Trung Quốc cần một người nào đó đứng đầu có hiểu biết và kinh nghiệm chuyên môn về Biển Đông.

“Việc điều chuyển ông Xu đã phản ánh một sự thay đổi đáng kể về mặt chiến lược quân sự”, ông Zeng nói, nhưng không giải thích chi tiết.

Một nguồn tin ở Bắc Kinh thân cận với quân đội cho hay ông Xu đã được chỉ định làm phó chỉ huy trưởng.

Không quân Trung Quốc cho biết trên trang blog của mình rằng ông Xu đã từng tham gia vào các cuộc huấn luyện và tuần tra thường xuyên trên Biển Đông.

“Việc huấn luyện và tuần tra ở các vùng biển xa xôi là chìa khóa để chuẩn bị cho những xung đột quân sự tiềm ẩn”, Không quân trích dẫn lời ông Xu.

Trong một báo cáo ngày 14/12/2017, Sáng kiến Sáng kiến minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ cho biết Trung Quốc đã xây dựng nhiều nhà chứa máy bay, kho chứa ngầm, hầm tránh tên lửa, hệ thống radar và các cơ sở hạ tầng khác ở Biển Đông. Những công trình này theo sau hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc vốn đã được hoàn tất tại quần đảo Trường Sa vào năm 2016.

Nhiều tướng lĩnh Hoa Kỳ đã phê phán cựu Tổng thống Barack Obama về Biển Đông, vì ông đã không cho phép Hải quân Mỹ tiến hành các cuộc tuần tra tự do hàng hải tại khu vực từ năm 2012 đến năm 2015, theo tạp chí Hải quân (Navy Times). Trong thời gian đó, Trung Quốc ra sức xây dựng các đảo nhân tạo và lắp đặt các thiết bị quân sự, tạp chí này cho biết.

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đã thể hiện một số động thái cứng rắn hơn người tiền nhiệm về vấn đề Biển Đông. Tháng 7, ông phê duyệt kế hoạch một năm cho phép hải quân Mỹ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, trong khi dưới thời Obama mỗi hoạt động như vậy phải xin phép từng lượt.

Tháng 5, tàu chiến Mỹ đã tiến hành ‘cuộc thao diễn’ trong phạm vi 12 hải lý của hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa. Động thái này chưa từng xảy ra dưới thời Obama và được cho là một thách thức trực tiếp đến hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc tại khu vực.

Trong chuyến thăm chính thức tới Việt Nam ngày 12/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẵn sàng làm trung gian hòa giải cho các bên có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới