Chỉ 1 ngày sau khi bị Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích trên Twitter, Pakistan thông báo triển khai các biện pháp mới nhằm đẩy mạnh thương mại với Trung Quốc.
(Từ trái sang) Ngoại trưởng Afghanistan Salahuddin, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Pakistan Khawaja Asif tại một cuộc họp báo chung sau đối thoại cấp ngoại trưởng lần đầu tiên giữa 3 nước diễn ra ở Trung Quốc vào tháng 12/2017. Ảnh: Jason Lee.
Mỹ vẫn cần Pakistan, nhưng sức mạnh của Washington tại quốc gia Nam Á này được đánh giá là không thắng nổi tiền của Trung Quốc.
Ngân hàng trung ương Pakistan cho biết họ đã chính thức chấp nhận đồng nhân dân tệ của Trung Quốc là đồng tiền được dùng trong thanh toán thương mại giữa hai nước. Pakistan và Trung Quốc vừa là láng giềng, vừa là đồng minh.
Điều này có nghĩa là các công ty ở Trung Quốc và Pakistan từ nay có thể thanh toán thương mại trực tiếp thay vì phải dùng các loại tiền khác như đô la Mỹ.
Quyết định này được thông báo không lâu sau khi ông Trump cho rằng, Pakistan chứa chấp khủng bố. Trong đoạn tweet đầu năm 2018, ông Trump nói Mỹ đã “dại dột viện trợ cho Pakistan hơn 33 tỷ USD trong 15 năm qua, và những điều này mang lại cho Mỹ không gì khác ngoài những lời nói dối và lừa gạt”.
Chính quyền Trump sau đó xác nhận sẽ rút 255 triệu USD viện trợ cho chính phủ Pakistan. Chính phủ Pakistan bày tỏ “thất vọng sâu sắc” trước lời nói của ông Trump và gọi đây là điều “hoàn toàn không thể hiểu nổi”.
Theo số liệu chính thức, Trung Quốc hiện chiếm khoảng 28% hàng hóa nhập khẩu của Pakistan, lớn hơn bất kỳ nước nào khác. Trung Quốc còn là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Pakistan, sau Mỹ và Anh.
Chính sách tiền tệ mới của Pakistan được đánh giá là sẽ kích thích sáng kiến Vành đai – Con đường của Trung Quốc, một tuyến thương mại quốc tế do Bắc Kinh khởi xướng và đi qua Pakistan.
Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố năm 2015 với cam kết đầu tư ít nhất 46 tỷ USD vào Pakistan đã và đang làm sâu sắc quan hệ giữa hai nước.
Các công ty sẽ được chọn giao dịch bằng đồng nhân dân tệ, đô la hay các đồng tiền quốc tế khác như euro hay yen, nhưng Ngân hàng trung ương Pakistan nói rõ rằng, họ kỳ vọng đồng tiền của Trung Quốc sẽ đóng vai trò lớn.
Nhân dân tệ có thể đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu và các giao dịch tài chính giữa hai nước, Ngân hàng trung ương Pakistan thông báo.
Ông Bilal Khan, một nhà kinh tế học người Pakistan làm việc tại Standard Chartered, cho rằng, đồng đô la là đồng tiền chính trong hệ thống thương mại quốc tế của Pakistan, nhưng điều này có thể thay đổi.
“Trong bối cảnh Pakistan cần nguồn tài chính từ bên ngoài, một phần do nhập khẩu nguyên vật liệu và máy móc phục vụ các dự án CPEC, việc thanh toán bằng đồng nhân dân tệ sẽ giúp giảm bớt áp lực lên tính thanh khoản”, CNN dẫn lời ông Khan.
Hôm qua, Pakistan tuyên bố sử dụng đồng nhân dân tệ trong ngoại thương. Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng lên tiếng bảo vệ hồ sơ chống khủng bố của Islamabad, nói rằng nước này “đã nỗ lực lớn và hy sinh để chống khủng bố”, đồng thời thúc giục cộng đồng quốc tế “thừa nhận đầy đủ điều này”.
Mỹ bị hất cẳng
Trung Quốc theo dõi chặt chẽ khi quan hệ Mỹ – Pakistan ngày càng căng thẳng hơn. Ông Trump từ lâu đã yêu cầu Pakistan làm nhiều hơn nữa để chống khủng bố trong khi nhà lãnh đạo Mỹ xích lại gần hơn nước đối thủ của Pakistan là Ấn Độ.
“Pakistan và Mỹ căng thẳng nhiều năm nay, nhưng thay đổi lớn gần đây là Trung Quốc”, CNBC dẫn lời ông Simon Baptist, giám đốc châu Á của đơn vị thông tin tình báo kinh tế thuộc Economist Group, một tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn và dự đoán có trụ sở ở Anh.
“Trung Quốc đã thực sự làm mạnh để thắt chặt quan hệ hiện có với Pakistan. Pakistan thực sự là nơi duy nhất nhận đầu tư đáng kể dưới sáng kiến Vành đai – Con đường và là nơi Trung Quốc đang thúc đẩy lợi thế địa chính trị”, ông Baptist nói.
Islamabad đón các dự án hạ tầng trọng điểm của Bắc Kinh, mức đầu tư gần 60 tỷ USD cho CPEC. Và trước việc Trung Quốc rót vốn mạnh vào nước này, Pakistan có thể không sợ trước những đe dọa từ Mỹ, gần đây nhất là việc Washington tuyên bố cắt hỗ trợ an ninh.
Nhà nghiên cứu Madiha Afzal, công tác tại Viện Brookings (Mỹ), cho rằng những điều này cho thấy ảnh hưởng của Mỹ tại Pakistan đã không còn nhiều.
“Lịch sử quan hệ của Pakistan với Trung Quốc và Mỹ cho thấy chính sách của Pakistan không phản ứng với sự cứng rắn mà với sự trung thành và được tôn trọng”, bà Afzal nói.
Về phía Trung Quốc, bài xã luận đăng đầu tuần này trên tờ Global Times (Thời báo Hoàn cầu) thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, viết rằng Trung Quốc và Pakistan “có quan hệ đối tác chiến lược trong mọi hoàn cảnh, Bắc Kinh chắc chắc sẽ không bỏ mặc Islamabad”.
Nói cho cùng, Washington vẫn cần sự hợp tác của Pakistan để giải quyết những mối bận tâm về Afghanistan và Iran, nên vẫn cần chờ xem những tuyên bố của ông Trump trên mạng xã hội có thực sự trở thành thay đổi chính sách hay không, ông Baptist đánh giá.