Wednesday, January 8, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ có thể làm gì để ngăn TQ thống trị châu Á...

Mỹ có thể làm gì để ngăn TQ thống trị châu Á – Thái Bình Dương?

Sẽ nguy hiểm cho Hoa Kỳ và chính các đồng minh, đối tác nếu chấp nhận quan điểm rằng, Trung Quốc sẽ thống trị khu vực này là “định mệnh”.

Giáo sư Hal Brands chuyên nghiên cứu các vấn đề toàn cầu Đại học Johns Hopkins ngày 5/1 có bài phân tích đăng trên Bloomberg nhận định:

Trung Quốc sẽ không thể thống trị được Thái Bình Dương, trừ khi bạn nghĩ rằng họ có thể.

Trung Quốc sẽ thống trị Thái Bình Dương phải chăng là một lời tiên tri của định mệnh?

Câu hỏi này đang khiến các đồng minh, đối tác của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương ngày càng nghi ngờ khả năng của Washington có thể chiến thắng trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng với Bắc Kinh.

Có những quan điểm cho rằng, các nước này cần một sự chuẩn bị thích nghi với một trật tự khu vực mới do Bắc Kinh lãnh đạo.

Thách thức đặt ra cho Washington lúc này là, phải đảm bảo lo ngại nói trên không phải là một lời tiên tri định mệnh.

Giáo sư Hal Brands tin rằng, thực tế không thể phủ nhận là Trung Quốc đã có những nỗ lực đẩy mạnh quyền lực của họ trong khu vực những năm gần đây, nhưng Hoa Kỳ đã có những ứng phó hiệu quả.

Cán cân sức mạnh đã thay đổi đáng kể trong 2 thập kỷ qua, Bắc Kinh tích tụ sức mạnh quân sự trong bối cảnh các nỗ lực đối phó của Mỹ bị cắt xén, vì các hoạt động can thiệp quân sự kéo dài ở Trung Đông, và chính sách thắt lưng buộc bụng về quốc phòng.

Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng của họ trong khu vực thông qua các bước leo thang ép buộc các nước láng giềng ở Hoa Đông, Biển Đông, bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa các cấu trúc địa lý trên Biển Đông trái luật pháp quốc tế;

Tìm cách chia rẽ Hoa Kỳ khỏi các đồng minh châu Á thông qua các nỗ lực ép buộc và lèo lái kinh tế.

Chiến thuật lát cắt xúc xích mà Trung Quốc áp dụng vốn dĩ không dễ đối phó, vì nó không để vấn đề leo thang đến độ Mỹ phải có phản ứng quân sự.

Các hoạt động tuần tra tự do hàng hải hàng không trên Biển Đông dưới thời Tổng thống Donald Trump đã tăng đáng kể so với người tiền nhiệm Barack Obama, nhưng không thay đổi được cục diện. Ảnh: The National Interest.

Dưới thời Tổng thống Barack Obama, các quan chức Mỹ thường lúng túng trước tình huống cảnh báo chống chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc theo đuổi, nhưng gặp khó khăn khi xác định các biện pháp ngăn chặn.

Kết quả của tất cả những điều này đã dẫn đến một sự thay đổi đáng kể trong nhận thức về sức mạnh và động lực của Hoa Kỳ trong khu vực, làm nổi bật câu hỏi liệu Mỹ có thể đối phó với các thách thức từ Trung Quốc?

Washington cần đánh giá nghiêm túc lo ngại của các đồng minh và đối tác châu Á – Thái Bình Dương 

Trong khi phần lớn mối quan tâm này vẫn đang được bày tỏ kín đáo đằng sau những cánh cửa khép kín ở thủ đô các nước đồng minh, đối tác của Hoa Kỳ, thì nó đã thẩm thấu từ từ, nhưng không lẫn vào đâu được, trong các cuộc tranh luận công khai.

Hugh White, một cựu quan chức quốc phòng Australia đã “đảo chiều” từ năm 2013 với lập luận, Mỹ nên “chia sẻ quyền lực” với Trung Quốc, chấp nhận cục diện mới ở châu Á – Thái Bình Dương.

Ông lập luận, Trung Quốc quyết tâm đẩy Mỹ ra khỏi khu vực, và điều này đang tiến triển rất tốt. Trừ khi Hoa Kỳ sẵn sàng tham gia 1 cuộc đối đầu quân sự có thể dẫn đến thảm họa, mới có thể ngăn chặn Bắc Kinh.

Kết quả dài hạn của cuộc đua này là, Mỹ dần dần nhưng chắc chắn sẽ bị hất khỏi vai trò trọng tài cán cân quyền lực, còn Trung Quốc ngày càng thiết lập nhiều quy tắc của họ trên khắp châu Á – Thái Bình Dương, Hugh White nhận định.

Bởi vậy theo ông, nhiệm vụ của các đồng minh, đối tác với Hoa Kỳ là nên bắt đầu tìm cách thích nghi với một trật tự khu vực hậu Mỹ, trong đó Washington không còn có thể bảo vệ bạn bè đồng minh, hoặc không đóng một vai trò quyết định chiến lược.

Học giả Hugh White, ảnh: ANU.

Quan điểm của Hugh White cần được mổ xẻ một cách nghiêm túc để tìm hiểu xem cục diện châu Á – Thái Bình Dương đã thay đổi thế nào, vị thế vai trò của Mỹ đang bị xói mòn ra sao.

Trung Quốc không chỉ còn là mối đe dọa trong tương lai, họ đã định hình lại trật tự khu vực ngay hôm nay, tiêu mòn ảnh hưởng của Hoa Kỳ với các đồng minh, đối tác.

Mặc dù hầu hết các nhà hoạch định chính sách cũng như giới tinh hoa Australia và các đồng minh khác chưa thừa nhận kết quả của sự cạnh tranh Trung – Mỹ, nhưng “đức tin” của họ vào Washington đang đứng trước thử thách.

Sẽ rất ngu ngốc nếu giới hoạch định chính sách Washington bỏ qua những lo ngại đang phát ra từ Australia và các nước châu Á – Thái Bình Dương khác.

Đồng thời sẽ nguy hiểm cho Hoa Kỳ và chính các đồng minh, đối tác nếu chấp nhận quan điểm rằng, Trung Quốc sẽ thống trị khu vực này là “định mệnh” và từ bỏ các nỗ lực chống lại tham vọng này của Bắc Kinh.

Trung Quốc ngày nay xuất hiện với sự áp đặt, nhưng vẫn chưa phải là đối thủ của Hoa Kỳ.

Ngân sách quân sự của Lầu Bát Nhất vẫn ít hơn 1 nửa so với Lầu Năm Góc; GDP bình quân đầu người mới chỉ bằng 1/4 Mỹ.

Hơn nữa Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ gặp phải những khó khăn về kinh tế và chính trị trong những năm tới, vì các giới hạn tiếp cận nhanh chóng của mô hình tăng trưởng hiện tại, cũng như sự bất ổn cố hữu nội tại.

Giáo sư Hal Brands tin rằng, Trung Quốc không thể duy trì trong 1 thập kỷ tới quỹ đạo ấn tượng cần thiết để dứt khoát vượt Mỹ.

Hoa Kỳ nên làm gì? 

Tuy nhiên, trên thực tế Mỹ và các đồng minh có thể khiến cho Trung Quốc sẽ rất khó khăn để thực hiện mục tiêu bành trướng của họ, Giáo sư Hal Brands lưu ý.

Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam, là 1 trong 6 cấu trúc địa lý bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, bồi lấp thành đảo nhân tạo và biến thành 1 căn cứ không quân. Ảnh: Straits Times.

Mỹ có thể giúp Nhật Bản và Đài Loan tăng khả năng chống tiếp cận / chống xâm nhập bằng hệ thống tên lửa và ngư lôi chẳng hạn.

Ngoài ra, Mỹ và các đối tác có thể áp đặt cái giá Trung Quốc phải trả cho các hành vi gây mất ổn định;

Chẳng hạn như trừng phạt các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân Trung Quốc tham gia bồi đắp, quân sự hóa bất hợp pháp các cấu trúc địa lý ở Biển Đông.

Đồng thời Mỹ nên tăng cường bố trí các vũ khí trang bị hiện đại của mình đến khu vực này.

Mặc dù các biện pháp nói trên có thể làm tăng rủi ro và chi phí, nhưng Mỹ và đồng minh có thể giữ được vị thế của mình thay vì khuất phục trước thuyết định mệnh đặt không đúng chỗ, bởi cách chắc chắn nhất để mất châu Á – Thái Bình Dương là từ bỏ cuộc chơi. [1]

Giáo sư Bùi Mẫn Hân đánh giá sức mạnh thực sự của Trung Quốc 

Đánh giá về sức mạnh của Trung Quốc, Giáo sư Mỹ gốc Hoa Min Xinpei (Bùi Mẫn Hân) có bài viết trên Live Mint ngày 1/1, trong đó nhận định:

Năm 2017 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nổi lên như một nhà lãnh đạo mạnh chưa từng có. Câu hỏi đặt ra là, liệu ông có thể sử dụng sức mạnh ấy để biến tầm nhìn của mình thành hiện thực?

Việc không chỉ định người kế vị mình tại Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc như thông lệ bất thành văn có thể mở ra cho ông Tập Cận Bình cánh cửa nhiệm kỳ thứ 3 vào năm 2022.

Giáo sư Bùi Mẫn Hân, ảnh: Youtube.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Tập Cận Bình đã đơn thương độc mã kiểm soát bộ máy quan liêu của Trung Quốc, đồng thời triển khai tham vọng đầy rủi ro Vành đai và Con đường.

Bất chấp sức mạnh đã gia tăng đáng kể, khả năng tiếp tục thành công trong việc thực hiện tầm nhìn kinh tế của ông Tập Cận Bình là không chắc chắn, do chính sách truyền bá tư tưởng và áp đặt được lấy làm nền tảng cho quyền lực.

Cho dù các nỗ lực tuyên truyền Trung Quốc mộng vẫn được thực hiện, nhưng nhiều người Trung Quốc bao gồm cả các thành viên bộ máy công quyền, không thực sự tin vào tương lai được đảm bảo bởi sự áp đặt và tập quyền.

Thực tế khó có thể tìm thấy sự kháng cự công khai về tầm nhìn của ông Tập Cận Bình. Nhưng đối thủ khó nhằn của ông chính là các quan chức.

Những người này không chỉ mất đi nguồn thu nhập bất hợp pháp đáng kể và lợi thế chức vụ, mà còn phải chịu đựng sự sợ hãi không ngừng trước nguy cơ điều tra chính trị hóa, Giáo sư Bùi Mẫn Hân nhận định.

Nếu không có những cam kết tưởng thưởng vật chất đầy đủ, bi kịch của Trung Quốc có thể lặp lại bài học từ các nước thuộc Liên Xô cũ: Chúng tôi giả vờ làm việc, và họ giả vờ trả lương cho chúng tôi!

Trên mặt trận kinh tế, ông Tập Cận Bình có thể phải đối mặt với những thách thức chính sách đáng kể, đó là các khoản nợ tăng vọt.

Về đối ngoại, ông Tập Cận Bình sẽ phải đối mặt với quan hệ Trung – Mỹ xấu đi do vấn đề Bắc Triều Tiên, cũng như chính những hành vi leo thang của Trung Quốc trên Biển Đông.

Sự khôn ngoan có thể giúp ông Tập Cận Bình tiếp tục một nhiệm kỳ thứ 3 năm 2022 bất chấp hiệu quả công việc trong những năm tới, điều đó có thể đúng;

Nhưng quyền lực chính trị là phù du, nhất là đối với các nhà lãnh đạo thiếu kinh nghiệm quản trị kinh tế.

Cho đến nay Chủ tịch Tập Cận Bình và những người ủng hộ ông có thể ăn mừng, nhưng họ không nên tin tưởng sẽ mãi được “nâng ly” trong vòng 5 năm tới.

Vài lời bình luận

Trên đây là 3 góc nhìn, 3 quan điểm riêng biệt có thể cung cấp thêm các thông tin đa chiều cho quý bạn đọc quan tâm đến quan hệ Trung – Mỹ và những tác động, ảnh hưởng của nó đến khu vực, đặc biệt là Biển Đông.

Chúng tôi thiết nghĩ, những thông tin đa chiều và đánh giá, nghiên cứu từ giới học giả về quan hệ Trung Quốc – Hoa Kỳ cũng như tính toán của mỗi bên, rất đáng quan tâm và nghiên cứu thấu đáo.

Mỗi một cường quốc hình thành và phát triển đều tạo thành những cực hút các quốc gia nhỏ chung quanh. Cạnh tranh giữa các siêu cường càng khốc liệt, thách thức và rủi ro với các nước nhỏ càng lớn.

Hoa Kỳ hay Trung Quốc, nước nào cũng muốn kéo các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương về phía mình. Trong quá khứ cũng như hiện nay, họ ứng xử với nhau và với các nước còn lại như những ông chủ lớn.

Do đó chúng tôi thiết nghĩ, các nước nhỏ, đặc biệt là ASEAN và các đối tác khác nên có sự tỉnh táo.

Bên cạnh việc chủ động và tăng cường các hoạt động hợp tác, các diễn đàn đa phương với sự tham gia của cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc, các nước cần đoàn kết để bảo vệ hòa bình, ổn định dựa trên luật pháp quốc tế;

Cần xử lý hài hòa các mối quan hệ và tránh để mình rơi vào thế kẹt vì tư duy nhị nguyên, không chọn Hoa Kỳ thì chọn Trung Quốc hoặc ngược lại.

RELATED ARTICLES

Tin mới