Trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, Mỹ tuyên bố sẽ làm mọi điều cần thiết để bảo vệ tự do hàng hải và hàng không tại khu vực.
Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim cho biết lập trường của Mỹ về Biển Đông không thay đổi và rằng Washington vẫn duy trì cam kết ở Đông Nam Á và liên minh quân sự với Philippines, theo báo Manila Times đưa tin sáng ngày 11/1.
“Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để thúc đẩy và bảo vệ các quyền lợi quốc tế như tự do hàng hải và tự do bay qua” Biển Đông, ông Kim nói trong một cuộc phỏng vấn truyền hình.
Lời tuyên bố của ông Kim được đưa ra trong bối cảnh các nước trong khu vực và Hoa Kỳ quan ngại về hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại vùng biển có ý nghĩa chiến lược. Các bên có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông gồm Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana trước đó nói rằng Manila sẽ đưa ra văn kiện ngoại giao phản đối Trung Quốc nếu có bằng chứng cho thấy “hoạt động quân sự hóa” ở bãi Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa.
Ông Lorenzana đưa ra tuyên bố trên sau khi đài truyền hình nhà nước Trung Quốc công bố các bức ảnh cho thấy một đường băng dài 3.125 mét mà quân đội Trung Quốc xây dựng trên hòn đảo này. Bệnh viện và các cơ sở quân sự cũng được cho là đã xuất hiện trên bãi Đá Chữ Thập.
Cách giải quyết tranh chấp Biển Đông
Khi được hỏi liệu các công trình do Trung Quốc xây dựng có gây trở ngại cho tự do hàng hải ở Biển Đông hay không, Đại sứ Mỹ Sung Kim trả lời: “Chúng tôi sẽ tiếp tục vận chuyển rất nhiều hàng hoá trong khu vực đó và chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động của mình để bảo vệ các quyền lợi đó.”
Ông Kim cho biết cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ các quyền lợi quốc tế không chỉ là vì Hoa Kỳ mà còn vì lợi ích của mọi quốc gia, bởi vì rất nhiều hoạt động thương mại lưu chuyển qua khu vực này.
“Nếu chúng ta không có tự do hàng hải thì tất cả chúng ta sẽ phải chịu khổ”, ông Kim nói.
Ông lưu ý rằng mặc dù Hoa Kỳ không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Hoa Kỳ quan tâm sâu sắc đến cách thức giải quyết mối tranh chấp này.
Ông Kim cho biết Mỹ cho rằng tranh chấp Biển Đông nên được giải quyết hòa bình theo luật pháp và thông lệ quốc tế.
“Đây là lý do tại sao chúng tôi ca ngợi những nỗ lực nhằm đưa ra các nguyên tắc vững mạnh, quy tắc ứng xử để quy định các nguyên đơn sẽ theo đuổi tranh chấp như thế nào”, ông Kim đề cập đến Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông mà Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) soạn thảo.
Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Ông Brian Hook, cố vấn cao cấp của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về chính sách châu Á, cho biết các hành động của Trung Quốc rõ ràng đang thách thức luật pháp quốc tế.
Ông nói: “Họ chèn ép các nước nhỏ theo những cách thức gây căng thẳng hệ thống toàn cầu, các hành động của họ cũng làm suy yếu các nguyên tắc cốt lõi về chủ quyền mà chúng ta rất trân quý”.
Ông nói sự trỗi dậy của Trung Quốc không được đồng nghĩa với tổn thất đối với trật tự quốc tế dựa trên các giá trị và quy tắc, đây vốn là nền tảng cho hòa bình và ổn định trong khu vực “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” cũng như phần còn lại của thế giới.
Chính quyền của Tổng thống Trump đang thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong khu vực, dựa vào Ấn Độ để làm đối trọng cân bằng với các tham vọng siêu cường của Trung Quốc.
Ông Hook nói rằng Hoa Kỳ hiểu rất rõ lợi ích của mình trong khu vực và Washington đang củng cố điều này bằng cách thể hiện với Bắc Kinh rằng họ có quyền tự do di chuyển hàng hải và hàng không trong khu vực.
Ông Hook nói: “Khi hành vi của Trung Quốc không theo kịp những giá trị và những quy tắc này, chúng ta sẽ đứng lên và bảo vệ tinh thần thượng tôn pháp luật (rule of law)”.