Hải quân Mỹ đã tăng cường năng lực tàng hình tại Thái Bình Dương khi cử tàu đổ bộ tấn công USS Wasp đến khu vực hoạt động của Hạm đội 7.
Tiêm kích F-35 hoạt động trên tàu USS Wasp. Ảnh: CNN
Con tàu có trọng lượng rẽ nước 40.000 tấn, chiều dài 257 mét này về cơ bản là một hàng không mẫu hạm mini.
Mặc dù USS Wasp chỉ có kích thước bằng một nửa tàu sân bay bình thường như chiếc USS Ronald Reagan đang “đóng quân” tại Nhật Bản, nhưng giáo sư Carl Schuster tại Đại học Thái Bình Dương Hawaii (Mỹ) cho rằng sự hiện diện của tàu đổ bộ tấn công này gây cảm tưởng như tàu sân bay thứ hai của Mỹ hoạt động tại khu vực.
Được đóng từ thập niên 80 của thế kỷ trước, USS Wasp đã trải qua quá trình nâng cấp để những máy bay tiêm kích tàng hình F-35B có thể cất cánh và hạ cánh tại con tàu này.
Kênh CNN (Mỹ) đánh giá F-35B tạo lợi thế cho Mỹ bởi chiến đấu cơ này hoàn toàn có thể “vượt mặt” radar của CHDCND Triều Tiên.
Bên cạnh đó, giáo sư Carl Schuster cho biết: “Chiến đấu cơ có thể cất cánh từ chiến hạm Mỹ mà không cần phải báo trước như tại các căn cứ quân sự của Washington ở hải ngoại”.
Tuy nhiên, các tàu đổ bộ tấn công lại có hạn chế riêng so với tàu sân bay, đặc biệt là khi so sánh về hệ thống phóng chiến đấu cơ hạng nặng. Ông Schuster phân tích rằng F-35B buộc phải cất cánh và hạ cánh thẳng đứng trên USS Wasp, đồng nghĩa với việc những tiêm kích tàng hình này không thể mang theo nhiều nhiên liệu và vũ khí.
Tàu đổ bộ tấn công cũng không chở được nhiều chiến đấu cơ như hàng không mẫu hạm lớp Nimitz. Từ đó, tàu USS Wasp nhiều khả năng phải hoạt động song hành với một hàng không mẫu hạm trong trường hợp xảy ra sự việc bất ngờ.
Sự hiện diện của USS Wasp tại Thái Bình Dương trùng với thời điểm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên “hạ nhiệt”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in đã có cuộc điện đàm vào ngày 4/1, trong đó hai nhà lãnh đạo cùng trao đổi về tình hình Bán đảo Triều Tiên và đi đến thống nhất tạm ngưng tập trận chung trong thời gian diễn ra Olympic Mùa đông Pyeongchang 2018.
Về phía Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã đồng ý cử đoàn đại biểu tới dự cuộc đối thoại cấp cao với Hàn Quốc. Theo xác nhận của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, buổi đối thoại cấp cao dự kiến diễn ra vào 9/1, tại làng đình chiến Panmunjom trong khu phi quân sự (DMZ).
Tàu USS Wasp sẽ ở lại Sasebo, Nhật Bản và được kỳ vọng trở thành “đầu đàn” của nhóm tàu tấn công viễn chinh Mỹ tại Thái Bình Dương. USS Wasp đồng thời sẽ thay thế tàu USS Bonhomme Richard vốn chưa được nâng cấp để hoạt động cùng F-35.
Từ năm 2017, thông cáo báo chí của Hải quân Mỹ đã đề cập đến động thái USS Wasp tới Thái Bình Dương. Vào tháng 11/2017, sự kiện Hải quân Mỹ cử 3 tàu sân bay đến gần Bán đảo Triều Tiên được ghi nhận là lần đầu tiên trong một thập niên 3 hàng không mẫu hạm của Washington cùng hoạt động tại Thái Bình Dương.