Sunday, January 12, 2025
Trang chủĐàm luậnTQ theo đuổi một bước đột phá chiến lược

TQ theo đuổi một bước đột phá chiến lược

Bắc Kinh từ bỏ cách tiếp cận kiên định “giấu mình chờ thời” trong giai đoạn Đặng Tiểu Bình, đang bước vào một giai đoạn xét lại táo bạo mới, lần này là trên vũ đài toàn cầu. Sự nhảy vọt của Trung Quốc, thông qua hiện đại hóa quân sự và công nghệ tiên tiến, sẽ dẫn đến một giai đoạn mới và đầy nguy hiểm trong các mối quan hệ quốc tế.

Giai đoạn cơ hội chiến lược 

Theo báo cáo thường niên năm 2017 của Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung (USCC), ban lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc tin rằng họ đang trong một “giai đoạn cơ hội chiến lược” mà ở đó Trung Quốc có thể mở rộng sức mạnh quốc gia và đạt được các mục tiêu như hợp nhất với Đài Loan và kiểm soát lãnh thổ tranh chấp dọc khu vực ngoại vi của Trung Quốc. 3 ủy viên của USCC, trong đó có cựu Thượng nghị sĩ Jim Talent, đã trình bày trong một phần phụ lục của báo cáo nhằm gióng lên hồi chuông cảnh báo các nhà hoạch định chính sách Mỹ: “Tóm lại, Trung Quốc không chỉ là một mối nguy hiểm không cân xứng đối với Mỹ, hay thậm chí là một đối thủ gần ngang tầm. Họ đã trở thành cường quốc quân sự chiếm ưu thế trong khu vực của mình. Thực tế đó, hơn bất kỳ thực tế nào khác, giải thích lý do tại sao những hành động gây hấn của Trung Quốc trong vòng 5 năm gần đây đều thành công”. Những hành động này bao gồm “ “”vạn lý trường sa” ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông, gây hấn với Philippines bất chấp luật pháp quốc tế, hăm dọa Việt Nam về vấn đề quần đảo Trường Sa, gia tăng áp lực lên Đài Loan, quấy rối Nhật Bản về vấn đề quần đảo Senkaku và các hành động khiêu khích khác”. Chúng ta có thể thêm vào danh sách này sự đối đầu với Ấn Độ tại vùng Doklam thuộc khu vực biên giới tranh chấp Trung Quốc-Bhutan.

Ngoài các khu vực biên giới tranh chấp, Bắc Kinh cũng đã bắt đầu phô trương sức mạnh trên vũ đài thế giới. Ngày 1/8/2017, Trung Quốc đã mở căn cứ quân sự thường trú nước ngoài đầu tiên của họ ở Djibouti, có vị trí chiến lược gần vịnh Aden, sát biển Arập – chỉ mất một chuyến bay ngắn bằng máy bay không người lái là đến được Trại Lemonnier, một trung tâm chống khủng bố lớn của Mỹ và là căn cứ quân sự thường trú duy nhất của Mỹ ở châu Phi. Tháng 5/2017, Tập Cận Bình đã chủ trì một diễn đàn đề cao kế hoạch “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, bao gồm các hành lang đa phương thức liên kết với nhau kết nối Trung Quốc với châu Á, châu Phi và châu Âu, và đi qua khoảng 60 nước.

Năm 2017, Trung Quốc cũng tham gia các hoạt động xây dựng thể chế quốc tế có ý nghĩa như mở rộng Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) bao gồm cả các nước lớn (và đang tranh chấp tay đôi) ở Nam Á, Ấn Độ và Pakistan, và duy trì Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS – gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ 9 của BRICS với sự tham dự của các nhà lãnh đạo 5 nước thành viên. Mặc dù Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng Bắc Kinh vẫn tiếp tục đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), một thỏa thuận thương mại tự do liên quan đến 16 nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương chiếm một nửa dân số thế giới và gần 1/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. 

Hiện đại hóa quân sự và vũ khí tiên tiến 

Chương trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc là nền tảng cho tư thế mới của nước này. Bắc Kinh tiếp tục cải thiện phần mềm quân sự của họ – cấu trúc chỉ huy và kiểm soát. Trong 2 năm qua, Bắc Kinh đã tập trung và củng cố các năng lực không gian, mạng, chiến tranh điện tử, tín hiệu và có khả năng là tình báo dưới “Lực lượng hỗ trợ chiến lược” thuộc Quân giải phóng nhân dân. Theo báo cáo của USCC, điều này có thể củng cố khả năng của quân đội Trung Quốc tiến hành các hoạt động phối hợp chung bằng cách cung cấp một loạt rộng lớn năng lực thu thập bao gồm thông tin tình báo, giám sát và hỗ trợ do thám. Trách nhiệm đối với các chức năng tình báo và do thám có liên quan đến việc định vị và theo dõi mục tiêu sẽ được tập trung ở Lực lượng hỗ trợ chiến lược chứ không phải được phân tán giữa các đơn vị khác nhau. Trong trường hợp xảy ra xung đột, USCC cảnh báo rằng Washington phải thừa nhận sự tiến bộ này sẽ góp phần vào các năng lực chống tiếp cận/ngăn chặn xâm nhập khu vực của Bắc Kinh đối với những sự triển khai về phía trước của Mỹ trong khu vực. 

Ngoài ra, Trung Quốc tiếp tục đầu tư vào phần cứng quân sự được hỗ trợ bởi một nguồn ngân sách ngày càng tăng cho quân sự, được tuyên bố là 151,1 tỷ USD cho năm 2017 (nói giảm đi, nhưng thực tế cao hơn năm trước 7%). Sự phát triển của các vũ khí tiên tiến phản ánh một sự tinh vi rõ ràng hơn trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, bao gồm cả sự đổi mới trong khu vực tư nhân. Đến lượt mình, USCC nêu bật “cách tiếp cận toàn diện và do nhà nước chỉ đạo” của Trung Quốc nhằm thúc đẩy nguồn vốn tài trợ của chính phủ, trao đổi công nghệ thương mại, đầu tư và mua sắm ở nước ngoài, và sự tuyển dụng nhân tài nhằm tăng cường các tiến bộ công nghệ lưỡng dụng. 

Việc Bắc Kinh ưu tiên các công nghệ “nhảy vọt” mà có thể mang lại một “bước đột phá bất ngờ” làm thay đổi cán cân chiến lược ở châu Á-Thái Bình Dương và bên ngoài khu vực này có tầm quan trọng đặc biệt. USCC trích dẫn 6 ví dụ: (1) các phương tiện chứa nhiều đầu đạn có khả năng tự vận hành, (2) các vũ khí siêu thanh, (3) các vũ khí năng lượng định hướng, (4) súng điện từ, (5) các vũ khí được điều khiển tự động và trang bị trí tuệ nhân tạo (AI), và (6) các vũ khí chống hoạt động trong không gian. Theo USCC, Trung Quốc đang sử dụng chiến lược shashoujian, dịch ra là “chùy giết người”, trong đó một cường quốc yếu hơn sử dụng một năng lực đặc biệt để đánh bại một cường quốc mạnh hơn. Mượn lời nhà tiên phong về lý thuyết trò chơi Thomas Schelling, Trung Quốc tìm kiếm một “động thái chiến lược” khiến Mỹ phải đưa ra một sự lựa chọn bị kiềm chế bởi mối đe dọa gây suy yếu của vũ khí tiên tiến. 

 Chẳng hạn, USCC báo cáo rằng Trung Quốc đã phát triển các phương tiện không người lái trên không và dưới nước, và tiến hành nghiên cứu các phương tiện không người lái trên mặt đất và trên biển với khả năng có được các năng lực tự động kiểm soát di chuyển theo nhóm. Tại buổi trình diễn máy bay tại Quảng Châu tháng 2/2017, Trung Quốc đã phô diễn một đội hình phá vỡ kỷ lục gồm 1.000 máy bay trực thăng không người lái trên cơ sở các tuyến đường đã được lập trình trước. Theo USCC, các kỹ thuật di chuyển theo nhóm như vậy có thể được sử dụng để tạo ra một hệ thống có vũ trang được phân bổ mà, kết hợp với các năng lực AI, có thể sử dụng để ném bom ồ ạt và áp đảo các hệ thống phòng thủ gồm các phương tiện vũ khí có giá trị cao như các tàu sân bay. Điều này có thể tác động đến kết quả của sự can dự Mỹ-Trung có thể có ở biển Nam Trung Hoa hay biển Hoa Đông.

Đối với công nghệ chống hoạt động trong không gian, USCC có đủ tài liệu chứng minh “các hoạt động tại địa điểm quy định và vùng lân cận” của vệ tinh nhỏ của Bắc Kinh có thể áp dụng để chống lại các vệ tinh thương mại hay quân sự của Mỹ. Trung Quốc có thể sử dụng các phương tiện trong không gian để mở các cuộc tấn công động lực, vật lý phi động lực hoặc điện từ. Việc chống lại và ngăn chặn “ưu thế trên không” của Mỹ có ý nghĩa then chốt đối với một cuộc xung đột tiềm tàng chẳng hạn như ở eo biển Đài Loan liên quan đến các cuộc tấn công chính xác tầm xa. Điều này nhất quán với một phát hiện trước đó của USCC rằng Bắc Kinh đã bác bỏ các nỗ lực quốc tế, chẳng hạn như Bộ quy tắc ứng xử quốc tế đối với các hoạt động ngoài không gian do Liên minh châu Âu đề xuất mà có thể cắt giảm các vũ khí chống lại các hoạt động trong không gian của họ như các hệ thống chống vệ tinh cùng quỹ đạo. Với việc không gian ngày càng trở thành một khu vực cạnh tranh quốc tế, từ lĩnh vực kinh tế đến chiến lược, dự đoán Trung Quốc và các cường quốc khác quân sự hóa công nghệ không gian của họ, thậm chí là dưới chiêu bài sử dụng vì mục đích dân sự hoặc thương mại.

USCC đưa ra kết luận với một lời cảnh báo: “Mỹ lần đầu tiên phải đối mặt với một đối thủ công nghệ ngang hàng – một nước cũng là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của họ và trao đổi mậu dịch trên phạm vi rộng với các cường quốc công nghệ cao khác – trong một kỷ nguyên mà việc nghiên cứu và phát triển của khu vực tư nhân với các tác động lưỡng dụng ngày càng tiến nhanh hơn và đóng góp vào những tiến triển về mặt quân sự”. Trong một môi trường quốc tế liên quan đến các phạm vi chiến tranh đa chiều (trên mặt đất, trên biển, trên không, trong không gian và trên mạng), cuộc chạy đua hiện nay nhằm phát triển công nghệ tiên phong có thể quyết định cán cân quyền lực của ngày mai. 

Sự vĩ đại quốc gia và trạng thái cân bằng khó đạt được 

Động lực an ninh quốc tế vẫn còn căng thẳng và không thể lường trước được. Với những lời kêu gọi riêng rẽ nhưng có thể so sánh được của họ hướng đến chủ nghĩa dân tộc, cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều làm tăng thêm sự không chắc chắn này. Tập Cận Bình, người đã trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông, đã hứa hẹn hiện thức hóa một “Giấc mộng Trung Hoa” mới – sự phục hưng vĩ đại sức mạnh và lãnh thổ “đã mất” của Trung Quốc – kích động những đám đông tại các cuộc mít tinh của Đảng Cộng sản. Được biết các nhà tuyên truyền đã mang Điều lệ Đảng Cộng sản sửa đổi tôn vinh “Tư tưởng Tập Cận Bình” “với lòng nhiệt huyết giống như của Mao Trạch Đông” ra các tiền đồn trên biển Nam Trung Hoa. 
Tuy nhiên, một cấu trúc an ninh được sức mạnh Mỹ củng cố đang cản trở con đường phục hưng của Tập Cận Bình. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xây dựng dựa trên làn sóng dân túy mà ông đã thúc đẩy trong cuộc bầu cử năm 2016 bằng cách kêu gọi một sự khôi phục chủ quyền và chủ nghĩa yêu nước của Mỹ, được hỗ trợ bởi một sự gia tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng. Ông cũng đe dọa chiến tranh trên ngưỡng cửa Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên và nhằm vào các thông lệ thương mại của Trung Quốc, từ các hoạt động nhập khẩu thép mạ nhôm đến các hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Điều chẳng có gì đáng ngạc nhiên là xét tới sự phát triển chưa hoàn chỉnh và không đồng đều của chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trước tiên” của Trump, Nhà Trắng tiếp tục vật lộn trong cuộc tìm kiếm sự cân bằng trong mối quan hệ Mỹ-Trung. 

Trạng thái cân bằng sẽ khó đạt được khi có những tầm nhìn cạnh tranh nhau về sự vĩ đại dân tộc. Như Henry Kissinger từng nhận xét: “Sẽ không có cường quốc nào chấp nhận một sự dàn xếp dù có cân bằng và ‘đảm bảo’ đến đâu đi chăng nữa, điều dường như hoàn toàn phủ nhận tầm nhìn của chính họ”. Nhà khoa học chính trị Robert Gilpin nói thêm rằng một nước sẽ “không bao giờ ngừng” thúc ép điều mà họ xem như “chỉ là những yêu sách của họ về hệ thống quốc tế”. 

Đối với Trung Quốc và Tập Cận Bình, điều này có thể có nghĩa là việc giải quyết các yêu sách lãnh thổ còn tồn tại và việc tiếp tục tạo ra một trật tự khu vực mới phản ánh sự tự nhận thức về bản thân của Trung Quốc là cấp thiết. Đối với Mỹ và Trump, điều này có thể dẫn đến sự điều chỉnh lại thỏa thuận làm nền tảng cho thương mại của Mỹ và một sự tái khẳng định quyền lực cứng của Mỹ ở “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” – bao gồm, nếu cần thiết, cả việc tham gia hoạt động phòng vệ phủ đầu chống lại Triều Tiên. Không cần phải có Thucydides để nhận ra rằng trong bối cảnh bất ổn này, một sự nhảy vọt của Trung Quốc, thông qua hiện đại hóa quân sự và công nghệ tiên tiến, sẽ dẫn đến một giai đoạn mới và đầy nguy hiểm trong các mối quan hệ quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới