Sunday, January 12, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiVì sao Nhật Bản “tăng cường năng lực quân sự” vào thời...

Vì sao Nhật Bản “tăng cường năng lực quân sự” vào thời điểm hiện nay?

Kế hoạch của Nhật Bản được đưa ra trong bối cảnh mối đe dọa từ chương trình phát triển tên lửa hạt nhân của Triều Tiên đang leo thang.

Tàu chiến của lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản. Ảnh: Getty.

Phát biểu trước báo giới sau khi viếng đền thờ Ise Grand ở thành phố Ise Shima (4/1/2018), Thủ tướng Shinzo Abe đã đưa ra cam kết “tăng cường năng lực quân sự”, xem như là giải pháp thiết yếu để bảo vệ người dân. Đây là tuyên bố được coi là mạnh mẽ nhất kể từ khi ông Abe lên làm Thủ tướng nước này năm 2012.

Từ tham vọng “thầm kín”…

Được biết, ngay từ năm 1975, Nhật Bản đã huy động hơn 10 cơ quan của nhà nước nghiên cứu “Chiến lược tổng hợp hướng đến thế kỷ XXI”.

Theo đó, Nhật Bản khẳng định, kiên quyết thay đổi hình ảnh “kinh tế mạnh, chính trị yếu”, “xóa bỏ vết tích chiến bại”, chuyển hướng từ “nước lớn kinh tế” sang “nước lớn chính trị”, tạo ra một “thế kỷ Nhật Bản huy hoàng”.

Từ tham vọng “thầm kín”…Trong cuốn sách “Nhật Bản đứng đầu”, học giả nổi tiếng người Mỹ viết: “Với cơ cấu chính trị và sức mạnh kinh tế như hiện nay, không có nước nào có thể cùng tham gia lãnh đạo thế giới bằng Nhật Bản”. Tiếp đó, Nhật – Mỹ đã ký hiệp định “quan hệ đối tác mang tính toàn cầu” (1989).

Năm 1967, Nhật Bản đề ra “Ba nguyên tắc” cam kết cấm xuất khẩu vũ khí để thể hiện ý muốn hòa bình, xóa đi sự quan ngại của thế giới đối với việc tái quân sự hóa của Nhật Bản.Tuy nhiên, năm 1983 các nguyên tắc trên cũng được sửa đổi, theo đó Nhật có thể cung cấp công nghệ vũ khí cho Mỹ.

Ngày 27/12/2011, chính phủ Nhật Bản lại thông qua quyết định “nới lỏng lệnh cấm vận xuất khẩu vũ khí” để tăng ngân sách quốc phòng nhằm thực hiện hiện đại hoá quân đội, đặc biệt là không quân và hải quân; tăng cường sự can dự, đối phó với mọi thách thức tại khu vực; thúc đẩy khả năng xuất khẩu vũ khí.

Ông Satoru Mizushima, nhà sáng lập Tập đoàn Ganbare Nippon luôn ủng hộ Thủ tướng Abe, tuyên bố: “Cứ trưng ra hình ảnh một nước Nhật yếu ớt, kẻ thù sẽ lấn tới. Chẳng có lý do gì chúng ta để bị dẫm chân cả trong khi chúng ta có lực lượng hải quân đứng thứ 3 trên thế giới”.

Trên cương vị Thủ tướng, ông Shinzo Abe đang thực hiện tham vọng “nước lớn chính trị” của Nhật Bản đã ấp ủ từ lâu.

Hàng loạt động thái đối nội, đối ngoại, nhất là chính sách an ninh đối ngoại, thắt chặt hơn quan hệ với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, gia tăng tiềm lực quốc phòng, xây dựng cơ chế, tạo dựng hành lang pháp lý để quân đội Nhật mở rộng phạm vi hoạt động ra bên ngoài lãnh thổ… Và tuyên bố mới đây có thể coi là sự chín muồi của những tham vọng đã ấp ủ trong hơn 4 thập kỷ qua.

Đến thời cơ chiến lược…

Ngày 4/1/2018, Thủ tướng Nhật Bản Abe nói rằng môi trường an ninh của nước này đang trong ‘tình trạng nghiêm trọng nhất’ kể từ Thế chiến thứ II vì những hành động khiêu khích ‘không thể chấp nhận’ của Triều Tiên.

Tuy nhiên, theo giới phân tích đây là nguyên cớ trực tiếp để Nhật Bản “ra quân”, còn nguyên nhân sâu xa phải kể đến đó là các yếu tố cần và đủ để Nhật Bản thực hiện tham vọng “nước lớn chính trị” của mình vốn được giới lãnh đạo, nghiên cứu chuẩn bị từ lâu.

Năm 2017, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới tiếp tục đi lên với tốc độ trên mức trung bình so với các năm trước đó. Theo ADOS của ADB, tăng trưởng GDP của nước này năm 2017 đạt mức 1,1%, tăng 0,1% so với dự báo; OECD còn dự báo lạc quan hơn rằng, nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 1,5% trong năm 2017 và 1,2% trong năm 2018.

Đà tăng trưởng đáng khích lệ được ghi nhận quý thứ 6 liên tiếp. Đây cũng là giai đoạn tăng trưởng liên tục dài nhất trong 10 năm qua của nền kinh tế “xứ sở Phù Tang”.

Thủ tướng Abe giành thắng lợi áp đảo trên chính trường và tiếp tục nắm quyền ít nhất cho đến năm 2021, ông trở thành Thủ tướng Nhật tại nhiệm lâu nhất kể từ sau Thế chiến II đến nay, với nhiều dấn ấn quan trọng, trong đó Abenomics và robot hóa nền kinh tế là nhân tố chủ đạo làm nên sự kỳ diệu nói trên.

Trên trường quốc tế, năm 2010 với tuyên bố thừa nhận một “trật tự thế giới đa đối tác” của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đã đặt dấu chấm hết cho một thế giới “đơn cực” được thiết lập từ sau Chiến tranh Lạnh (1991).

Tuy nhiên, phải đến Tổng thống kế nhiệm D. Trump, khi chính sách “Nước Mỹ trên hết” được khẳng định và sự “bình đẳng”, “cân bằng”, “cùng có lợi”, “có đi, có lại”… trong quan hệ quốc tế, khiến giới nghiên cứu và dư luận cho rằng một thế giới “đa cực, đa trung tâm” đang định hình rõ nét hơn.

Giới phân tích quốc tế cho rằng, có 2 sự kiện mang tính “đột phá” đó là kết quả bầu cử và trưng cầu ý dân ở Mỹ và Anh đã thúc đẩy quá trình chuyển biến mạnh mẽ trật tự thế giới từ định hướng sang định hình với cấu trúc “đa cực, đa trung tâm”.

Sự kiện ngày 12/11/2016 và gần một năm cầm quyền của ông D. Trump, sự đảo lộn trật tự trong tư duy của người Mỹ nói riêng và thế giới nói chung đã tạo dấu ấn trong nền chính trị thế giới với sự chuyển động “khác thường”.

Cũng theo giới phân tích, những động thái nêu trên cho thấy chính sách “nước Mỹ là trên hết” chỉ hàm ý nước Mỹ dưới thời ông D. Trump vẫn là quốc gia số một toàn cầu, nhưng không bao gồm vai trò “lãnh đạo thế giới”.

Trong quá trình tranh cử tuy ông Trump có đề cập cụm từ này, nhưng kể từ khi nhậm chức đến nay ông không hề nhắc lại, nhất là trong chuyến công du châu Á hơn 10 ngày vừa qua, điều đó cho thấy nước Mỹ đã thực sự chấp nhận một thế giới “đa cực, đa trung tâm”, khiến các cường quốc khu vực, trong đó có Nhật Bản đặc biệt quan tâm và triệt để khai thác.

Đón nhận thời cơ chiến lược Nhật Bản tiếp tục triển khai chính sách an ninh đối ngoại mới, độc lập tự chủ hơn; sẵn sàng để quân đội tham gia tác chiến với đồng minh và đối tác ở nước ngoài; sửa đổi Hiến pháp, chia sẻ trách nhiệm với Mỹ, thể hiện vai trò “nước lớn quân sự”; chủ động “đảo chiều” tư duy “kinh tế đi trước” trong giải quyết vấn đề đang tranh chấp với Nga, Tăng cường quan hệ với ASEAN…

Và gia tăng sức mạnh quân sự…

Nhật Bản đã có kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng lên mức 5.260 tỷ yen (48,12 tỷ USD) cho tài khóa bắt đầu vào tháng 4/2018.

Đây là năm thứ 6 liên tiếp Nhật Bản tăng chi phí quốc phòng. Kế hoạch này của Nhật Bản được đưa ra trong bối cảnh mối đe dọa từ chương trình phát triển tên lửa hạt nhân của Triều Tiên đang leo thang, trong khi những căng thẳng tại khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông vẫn chưa có chiều hướng giải quyết.

Một phần ngân sách dự kiến sẽ được dành cho việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa mới do Mỹ chế tạo có tên là “Aegis Ashore”.

Đây là phiên bản trên mặt đất của hệ thống Aegis triển khai trên tàu. Bộ Quốc phòng Nhật cũng đề nghị ngân sách để mua tên lửa đánh chặn kiểu mới “SM-3Block IIA” cho tàu Aegis và để chế tạo radar tiên tiến có khả năng phát hiện và theo dõi đường bay của tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên.

Ngoài ra, các khoản chi tiêu khác trong ngân sách quốc phòng của Nhật Bản, bao gồm 88,1 tỷ yên dành cho việc mua 6 máy bay chiến đấu tàng hình F-35, 70 tỷ yên dành cho kế hoạch mua một tàu ngầm mới và 100 tỷ yên dành cho 2 tàu chiến loại nhỏ, nhằm tăng cường năng lực của lực lượng phòng vệ bờ biển nước này tại khu vực phía Nam quần đảo Miyakojima và Amami Oshima để sẵn sàng đối phó với những hành động leo thang căng thẳng.

Tuy nhiên, Nhật Bản chưa thể tăng mạnh ngân sách quốc phòng hơn nữa. Vì muốn có được vũ khí chiến lược, phải kiểm tra chặt chẽ hiệu quả sử dụng kinh phí, trong đó bao gồm cả việc mua các thiết bị quốc phòng đắt tiền sản xuất trong nước.

Đây là một trong những động thái chuẩn bị các yếu tố cho việc sửa đổi hiến pháp, theo đó quân đội Nhật Bản có phạm vi hoạt động rộng hơn bao gồm cả việc tham gia tác chiến ở nước ngoài.

Như vậy, tham vọng “nước lớn chính trị” của Nhật Bản cùng với sự xuất hiện những nhân tố thuận lợi mới về kinh tế, chính trị, đối nội, đối ngoại…, nhất là sự thành công của chủ thuyết Abenomics, “robot hóa” nền kinh tế và chính sách đối ngoại độc lập tự chủ của Thủ tướng Abe.

Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, cam kết “tăng cường năng lực quân sự” vào thời điểm hiện nay của Thủ tướng Shinzo Abe là phù hợp, nhằm tiến tới việc sửa đổi hiến pháp năm 1947 (do Mỹ soạn thảo) và nâng cao vị thế của Nhật Bản trong cấu trúc an ninh toàn cầu “đa cực, đa trung tâm” hiện đang định hình ngày càng rõ nét hơn.

RELATED ARTICLES

Tin mới