Các nguyên phụ liệu đầu vào của dệt may Việt Nam chủ yếu vẫn nhập khẩu từ Trung Quốc và phần giá trị gia tăng Việt Nam hưởng không được bao nhiêu.
Theo Tổng cục Hải quan, nhập khẩu vải may mặc về Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2017 tăng 8,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2016, đạt hơn 10,35 tỷ USD; trong đó, riêng tháng 11/2017 nhập khẩu trị giá 1,09 tỷ USD, tăng 9,3% so với tháng 10/2017 và tăng 8,6% so với tháng 11/2016.
Trong số 20 thị trường chủ yếu cung cấp vải may mặc nhập khẩu cho Việt Nam thì nhiều nhất là từ các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản.
Trong đó, Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất với 5,52 tỷ USD, chiếm 53,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu vải của cả nước, tăng 11,5% về trị giá so cùng kỳ năm 2016.
Tiếp đó đến Hàn Quốc với 1,84 tỷ USD, tăng 4,7%; Đài Loan với 1,45 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước…
Không những thế, các nguyên phụ liệu dệt may khác cũng được Việt Nam nhập khẩu là chủ yếu và thị trường chính là Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc…
Những thông tin trên cho thấy dệt may Việt Nam vẫn chưa thoát kiếp gia công và hệ quả là phần giá trị gia tăng Việt Nam nhận được không được bao nhiêu.
Chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn từng chỉ ra rằng, trong kinh doanh, vấn đề đặt lên hàng đầu là vấn đề lợi nhuận. Nếu nhập ở các thị trường khác ngoài Trung Quốc mặc dù chất lượng tốt nhưng giá thành cao thì không thể nhập được.
“Trước mắt muốn thoát khỏi Trung Quốc phải chấp nhận chi phí tốn kém”, Ths Bùi Ngọc Sơn nói. Ông cho rằng, công việc chính là phải xây dựng được ngành công nghiệp phụ trợ trong nước sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may.
“Một đất nước đã phát triển 20 trong lĩnh vực này, xuất khẩu ở mức cao nhưng không xây dựng được ngành công nghiệp cho chính mình, dệt vải cũng không dệt được nhiều, làm các phụ kiện của ngành may cũng không sản xuất được”, Ths Bùi Ngọc Sơn nói.
Nguyên nhân sâu xa dẫn đến điều này, theo Ths Bùi Ngọc Sơn là do chính sách tỷ giá làm các nhà sản xuất không thể nào có lãi và chỉ nghĩ đến chuyện đi nhập khẩu từ nước khác cho rẻ.