Wednesday, January 15, 2025
Trang chủSự thật Trung Hoa'Thanh gươm và cây súng' trong chiến dịch đả hổ diệt ruồi...

‘Thanh gươm và cây súng’ trong chiến dịch đả hổ diệt ruồi của ông Tập

Chủ tịch Trung Quốc đang có những biện pháp quyết liệt để nắm chắc quân đội và công an nhằm thúc đẩy chiến dịch chống tham nhũng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua đưa ra tuyên bố quyết liệt nhất trong chiến dịch chống tham nhũng của mình, khẳng định “hễ hổ ngóc đầu lên là bị đả, hễ ruồi bay lung tung là bị đập nát” trong bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình.

Giới phân tích nhận định tuyên bố này là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy ông Tập sẽ thực hiện đến cùng chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” của mình, sẵn sàng hạ bệ những quan chức tham nhũng cấp cao nhất, trong bối cảnh ông đang nắm chắc trong tay quân đội và công an, hai lực lượng nòng cốt củng cố quyền lực của nhà lãnh đạo này, theo FT.

Chủ tịch Trung Quốc gần đây liên tiếp có những động thái mạnh để khẳng định quyền lực với quân đội và công an, với những biện pháp được chuẩn bị và tổ chức chặt chẽ nhằm buộc các lực lượng vũ trang phải tuân thủ tuyệt đối sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, cơ quan do ông đứng đầu.

Một loạt bài phát biểu, những lời tuyên thệ trung thành và cả những bài hát cảm động do các tướng lĩnh quân đội, các quan chức hàng đầu của lực lượng công an liên tiếp được phát trên các phương tiện thông tin đại chúng Trung Quốc trong những tuần gần đây, thể hiện thông điệp rằng ông Tập chính là chỉ huy tối cao của toàn bộ lực lượng vũ trang nước này.

Thông tin được đưa nổi bật nhất trên truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 10/1 và 11/1 là bài phát biểu của ông Tập tại một lễ kỷ niệm của Cảnh sát Vũ trang Nhân dân, trong đó ông yêu cầu lực lượng này phải cam kết trung thành tuyệt đối với đảng Cộng sản Trung Quốc và thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm soát bất ổn xã hội.

Cảnh sát vũ trang là lực lượng vừa được ông Tập “thâu tóm” bằng nghị quyết tập trung quyền chỉ huy, lãnh đạo vào tay Quân ủy Trung ương, tước bỏ quyền điều động, triển khai các đơn vị cảnh sát vũ trang của Hội đồng Nhà nước và chính quyền địa phương. Với nghị quyết này, kể từ ngày 1/1, bất cứ kế hoạch triển khai cảnh sát vũ trang quy mô lớn nào vượt khỏi phạm vi địa phương đều phải được Quân ủy Trung ương phê chuẩn.

Việc quy quyền chỉ huy cảnh sát vũ trang về một mối được ông Tập thực hiện sau khi xuất hiện những lo ngại rằng lực lượng này có thể bị các quan chức địa phương thoái hóa, biến chất lạm dụng phục vụ cho mục đích của riêng mình và thách thức quyền lực của Bắc Kinh. Cảnh sát vũ trang từng được cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai triển khai để bao vây tòa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô nhằm truy bắt giám đốc công an đào tẩu Vương Lập Quân.

Cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang, người đã bị kết án chung thân vì tội tham nhũng, được cho là từng có ý đồ sử dụng lực lượng cảnh sát vũ trang để phục vụ cho âm mưu tranh đoạt quyền lực của mình, theo SCMP.

Việc 1,5 triệu thành viên cảnh sát vũ trang cam kết trung thành với ông Tập diễn ra trong bối cảnh quân đội nước này cũng đang trải qua đợt cải cách lớn nhất trong hàng chục năm qua, nhằm trừng phạt các tướng lĩnh tham nhũng, thu gọn cấu trúc chỉ huy, tăng cường khả năng chiến đấu và độ tin cậy chính trị.

Ông Tập kiểm tra một đơn vị cảnh sát vũ trang Trung Quốc. Ảnh: China Daily.

Ông Tập kiểm tra một đơn vị cảnh sát vũ trang Trung Quốc. Ảnh: China Daily.

“Duy trì kỷ luật là mục tiêu lớn, cũng như nâng cao lòng trung thành với ông Tập. Bất cứ ai cầm súng đều phải trung thành tuyệt đối với ông Tập và đảng Cộng sản”, Liu Bojian, chuyên gia tại Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhận định. “Đó là quy trình tập trung hóa quyền lực vững chắc trong quân đội”.

Ông Tập hồi tháng 11 năm ngoái nhận được lời cam kết “tuyệt đối trung thành, trung thực và đáng tin cậy” từ Quân Giải phóng Nhân dân” (PLA). PLA cũng nhận được những chỉ đạo mới rằng “quân đội cần phải tuân theo sự chỉ huy của Chủ tịch Tập, chấp hành mệnh lệnh và không bao giờ khiến ông phải lo lắng”.

Chủ tịch Trung Quốc bắt đầu năm 2018 với bài phát biểu yêu cầu quân đội “hoàn thành các nhiệm vụ được đảng và nhân dân giao phó trong thời kỳ mới”. Liu cho rằng chế ngự quân đội và cải cách nó thành một lực lượng chiến đấu hiện đại là một trong những mục tiêu cấp bách nhất của ông Tập, bởi những gì ông kế thừa sau khi nhậm chức năm 2012 là một quân đội tràn lan tình trạng tham nhũng, thậm chí là chia bè kéo cánh.

Để giải quyết tình trạng này, ông Tập đã nhắm đến cấu trúc chỉ huy cao nhất của quân đội trong chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi”. Những “hổ lớn” lần lượt bị trừng phạt như tướng Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng từng giữ chức phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, giám sát toàn bộ PLA.

“Quân đội là súng, cảnh sát là gươm. Ông Tập muốn tự mình kiểm soát tập trung cao độ cây súng và thanh gươm đó”, Willy Lam, giáo sư chính trị tại Đại học Hong Kong Trung Quốc, nhận định.

Gần đây nhất, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc tuyên bố sẽ chuyển giao thượng tướng Phòng Phong Huy, cựu tổng tham mưu trưởng PLA, cựu ủy viên Quân ủy Trung ương, cho cơ quan công tố quân sự để xử lý về hành vi tham nhũng. Thượng tướng này có thể sẽ bị xét xử và kết tội đưa và nhận hối lộ tại tòa án binh.

“Vẫn còn một số Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng khác trong quân đội, nên ông Tập không cảm thấy thực sự yên tâm. Đó là lý do ông đang làm mọi thứ để cho thấy quyền kiểm soát vững chắc lực lượng vũ trang của mình”, giáo sư Lam nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới