Tham mưu trưởng lục quân Ấn Độ khẳng định có đủ sức để đáp trả Trung Quốc, kêu gọi các nước láng giềng đứng về phía mình. Ấn Độ cũng có kế hoạch tăng quân khu vực biên giới với Trung Quốc và Pakistan.
Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ Bipin Rawat. Ảnh: NDTV.
“Trung Quốc mạnh, Ấn Độ cũng không yếu”
Gần đây, tranh chấp biên giới Trung – Ấn tiếp tục diễn biến phức tạp. Năm 2017, quan hệ Trung – Ấn đột ngột căng thẳng. Đầu năm, Ấn Độ công khai phản đối sáng kiến “Vành đai và Con đường” bằng cách không cử đại diện tham gia hội nghị thượng đỉnh do Bắc Kinh tổ chức.
Giữa năm 2017, đối đầu Trung – Ấn ở khu vực biên giới Doklam diễn ra kéo dài, làm cho hai bên vô cùng căng thẳng. Quân đội hai nước tích cực tập kết ở biên giới, quân đội Trung Quốc đã nhiều lần tổ chức tập trận ở cao nguyên để đe dọa đối phương.
Cuối năm 2017, lại xảy ra sự kiện máy bay không người lái Ấn Độ “vượt biên”. Đầu năm 2018, có tin cho biết Trung Quốc và Ấn Độ lại xảy ra sự kiện đối đầu ngắn ở bang Arunachal, khu vực Trung Quốc cũng đòi chủ quyền.
Trong khi đó, Tham mưu trưởng lục quân Ấn Độ Bipin Rawat liên tục đưa ra những phát biểu cứng rắn với Trung Quốc. Ông nói rằng Ấn Độ hiện nay không còn là Ấn Độ của năm 1962. Ngày 12/1/2018, ông còn nói Ấn Độ không cho phép bất cứ nước nào xâm phạm lãnh thổ và nhấn mạnh rằng Trung Quốc có thể là nước mạnh, nhưng Ấn Độ cũng không yếu.
Mặc dù vậy, Trung Quốc ngày càng tạo ra sức ép lớn hơn cho Ấn Độ. Trung Quốc đang mở rộng vai trò ảnh hưởng ở các nước láng giềng của Ấn Độ như Maldives, Nepal, Sri Lanka, Myanmar. Về truyền thống, những nước này có quan hệ tốt với Ấn Độ. Đối với tình hình này, Ấn Độ đang nỗ lực để các nước láng giềng không ngả hẳn về phía Trung Quốc.
Tướng Bipin Rawat đã kêu gọi các nước láng giềng gồm Nepal, Bhutan, Myanmar, Bangladesh, Sri Lanka và Afghanistan đứng về phía Ấn Độ để ứng phó Trung Quốc. Ấn Độ cũng cần hết sức ủng hộ họ.
Ngoài ra, tháng 11/2017, Ấn Độ đã cùng với Nhật Bản, Australia và Mỹ đưa ra kiến nghị thành lập “liên minh 4 nước” ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Tướng Bipin Rawat cho biết, tình hình biên giới phía bắc Ấn Độ có thể xấu đi trong tương lai, Pakistan có thể sẽ lợi dụng cục diện này để gây khó dễ cho Ấn Độ. Ấn Độ cần chuyển sự tập trung chú ý từ Pakistan ở phía tây sang Trung Quốc ở phía bắc. Ấn Độ cần tăng tốc xây dựng hạ tầng cơ sở ở biên giới phía bắc.
Xây thêm 15 doanh trại đối phó Trung Quốc và Pakistan
Hãng tin Press Trust of India ngày 14/1 cho hay: “Chính phủ Ấn Độ có kế hoạch xây thêm 15 doanh trại quân đội ở biên giới với Trung Quốc và Pakistan”. 15 doanh trại này sẽ dùng để tăng cường sức mạnh cho 2 lực lượng bảo vệ biên giới quan trọng, đó là lực lượng an ninh biên giới Ấn Độ và lực lượng cảnh sát biên giới Ấn – Tạng (ITBP), củng cố quốc phòng dọc khu vực biên giới chiến lược với Trung Quốc, Pakistan và Bangladesh.
Một quan chức cao cấp Bộ Nội vụ Ấn Độ cho biết chính phủ Ấn Độ đang tích cực xem xét xây thêm 6 doanh trại cho lực lượng an ninh biên giới Ấn Độ, đồng thời xây thêm 9 doanh trại cho lực lượng cảnh sát biên giới Ấn – Tạng. Mỗi doanh trại có 1.000 binh sĩ.
Nguồn tin từ lực lượng an ninh biên giới Ấn Độ cho biết sau khi xây thêm các doanh trại sẽ có thể triển khai lực lượng ở bang Assam, bang West Bengal – hai bang ở khu vực đông bắc Ấn Độ; đồng thời triển khai triển khai binh lực ở bang Punjab và khu vực Jammu để đối phó với Pakistan ở khu vực Kashmir.
Ấn Độ sẽ triển khai có trọng điểm các lực lượng ở những khu vực mỏng yếu khu vực biên giới với Pakistan và Bangladesh, ngăn chặn các hoạt động như thâm nhập, buôn lậu ma túy, buôn bán người và nhập cư bất hợp pháp.
Đối với lực lượng cảnh sát biên giới Ấn – Tạng, quyết định xây thêm doanh trại có thể giúp lực lượng này giảm khoảng thời gian bảo vệ trạm gác dưới băng tuyết.
Tình hình “vượt biên” và đối đầu thường xuyên xảy ra ở khu vực tuyến kiểm soát thực tế biên giới với quân đội Trung Quốc là nguyên nhân chính lực lượng cảnh sát biên giới Ấn – Tạng quyết định tăng quân.