Tuesday, January 7, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ sẽ chiến thắng Mỹ nếu một cuộc chiến thương mại nổ...

TQ sẽ chiến thắng Mỹ nếu một cuộc chiến thương mại nổ ra?

Theo Nicholas Lardy, giáo sư Viện nghiên cứu Peterson, Trung Quốc có khả năng chịu đựng tốt hơn trong khi hệ thống chính trị Mỹ sẽ vấp phải.làn sóng phản đối từ các doanh nghiệp.

Lần cuối cùng Washington chuẩn bị bước vào một cuộc chiến tranh thương mại, Ronald Reagan đang là Tổng thống Mỹ và ở bên kia chiến tuyến cũng là 1 nền kinh tế châu Á khác – Nhật Bản.

Ngày nay, Nhà Trắng cũng đang chuẩn bị những vũ khí tương tự: chính sách thuế quan và hạn ngạch. Đối tượng bị nhắm đến là hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm tất cả mọi thứ từ sắt thép đến tấm pin năng lượng mặt trời và máy giặt. Số liệu thâm hụt thương mại Mỹ – Trung ở mức cao kỷ lục vừa được công bố tuần trước có thể đóng vai trò là “chất xúc tác” sau 1 năm Tổng thống Trump liên tục đề cập đến nguy cơ chiến tranh thương mại.

Nhưng cuộc chiến lần này – nếu có nổ ra – sẽ không giống với những gì đã diễn ra trong những năm 1980, khi Mỹ nhằm vào chip bán dẫn, ô tô và tivi nhập khẩu từ Nhật Bản. Bởi vì các lực đẩy rất khác. Mỹ chưa bao giờ đối mặt với 1 cuộc trạm chán trên mặt trận thương mại với 1 đối thủ như Trung Quốc, xét về cả quy mô nền kinh tế, khả năng sản xuất và tham vọng chinh phục thế giới.

Trong khi Nhật Bản là 1 đồng minh của Mỹ, thế đối đầu Mỹ – Trung ngày càng gay gắt, làm tăng nguy cơ nổ ra 1 cuộc chiến “ăn miếng trả miếng”, đặc biệt trong bối cảnh sự ủng hộ dành cho Bắc Kinh trong hệ thống chính trị cũng như cộng đồng doanh nghiệp là khá thấp.

Cuộc chiến này cũng sẽ được “thắp lên” bởi chủ nghĩa dân tộc từ 2 bên. “Nước Mỹ trước tiên” của ông Trump sẽ đối đầu với “Giấc mộng Trung Hoa” của ông Tập Cận Bình, trong đó mỗi bên đều có lợi thế của riêng mình.

Dường như thế giới không hề chuẩn bị cho một “cuộc đại chiến giữa những người khổng lồ”, trong khi bên cạnh mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên thì chiến tranh thương mại Mỹ – Trung sẽ là nguy cơ lớn nhất đe dọa kinh tế thế giới trong năm 2018.

Theo tờ Wall Street Journal nhận định, hậu quả của cuộc chiến này sẽ không chỉ dừng lại ở hai nước Mỹ – Trung. Các đồng minh lâu năm của Mỹ trong chuỗi cung ứng châu Á có thể sẽ cảm nhận rõ ràng sự tác động. Trung Quốc vẫn là điểm lắp ráp cuối cùng rất quan trọng đối với nhiều mặt hàng công nghệ cao do Nhật Bản, Hàn Quốc và đảo Đài Loan sản xuất. Nếu như căng thẳng dâng cao, 1 cuộc chiến thương mại hoàn toàn có thể hạ gục toàn bộ mạng lưới thương mại toàn cầu. Nhưng có thể đó cũng là mong muốn của Tổng thống Trump, người luôn cho rằng một trong những sai lầm lớn nhất của Mỹ chính là dẫn đường cho Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001 và từ đó tạo ra đối thủ khó nhằn. Thậm chí ông Trump từng đe dọa sẽ rút khỏi WTO.

Ông Trump từng gợi ý nếu Trung Quốc giúp ích trong vấn đề Triều Tiên thì Mỹ có thể ôn hòa hơn trong vấn đề thương mại. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ hôm 16/1, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng các vấn đề thương mại có thể được giải quyết bằng cách “làm cho miếng bánh hợp tác trở nên to hơn”. Tuy nhiên, trong những bài phát biểu riêng, một số quan chức Trung Quốc lại chỉ ra những điểm mạnh của Bắc Kinh. Một quan chức nói rằng người dân nước này có khả năng “đồng cam cộng khổ” và sẽ đoàn kết chống lại việc bị Mỹ “bắt nạt”, trong khi tư tưởng của các cử tri Mỹ sẽ bị chia rẽ vì khác biệt đảng phái cũng như thái độ khác nhau đối với tranh chấp thương mại.

Một điểm khác nhau nữa giữa Trung Quốc và Nhật Bản là trong những năm 1980, thị trường Nhật gần như đóng cửa hoàn toàn với các doanh nghiệp Mỹ. Còn ngày nay thị trường Trung Quốc rất mở cửa. Nhiều tập đoàn Mỹ như Boeing, General Motors và Apple phải phụ thuộc vào nguồn doanh thu đến từ Trung Quốc và do đó sẽ trở thành “con tin” khi cuộc chiến nổ ra.

Và trong khi ông Trump vẫn bị ràng buộc bởi Quốc hội Mỹ, Trung Quốc dường như đã có kế hoạch cụ thể cho cuộc chiến và có thể triển khai một cách rất linh hoạt. Động thái chuyển sang mua máy bay của Airbus thay vì Boeing hay đa dạng hóa nguồn nhập khẩu đậu tương là những ví dụ rõ ràng.

Nicholas Lardy, giáo sư Viện nghiên cứu Peterson, nhận định Trung Quốc sẽ thắng trong cuộc chiến này. Lý do mà ông đưa ra là khả năng chịu đựng của Trung Quốc và làn sóng phản đối từ các doanh nghiệp mà hệ thống chính trị Mỹ sẽ vấp phải. “Cái giá chính trị mà nội các của ông Trump phải trả để duy trì các biện pháp bảo hộ sẽ lớn hơn rất nhiều so với chi phí bỏ ra để trả đũa Trung Quốc”.

Trong khi đó Derek Scissors, chuyên gia về thương mại tại American Enterprise Institute, cho rằng lợi thế của Mỹ nằm ở chỗ sức khỏe nền tài chính nước này không phụ thuộc nặng nề vào thương mại như Trung Quốc.

Trong những năm 1980, Nhật Bản đã phải đầu hàng, đồng ý tự nguyện giảm xuất khẩu và chuyển các nhà máy sản xuất ô tô tới Mỹ để tạo ra việc làm cho người Mỹ. Chắc chắn là trận chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ kéo dài hơn và không kết thúc đơn giản như vậy.

RELATED ARTICLES

Tin mới