Lãi suất cao đến trên 50%/năm, trả chậm là bị phạt…, những người vay tiêu dùng dễ rơi vào bẫy nợ nếu không cẩn trọng.
Đánh giá xu hướng hành vi tiêu dùng, Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận thấy tâm lý lạc quan thái quá vào khả năng thu nhập trong tương lai của người dân và họ sẵn sàng đánh đổi, vay mượn nhiều hơn cho chi tiêu ở thời điểm hiện đại.
Người dân, nhất là giới trẻ sẵn sàng đánh đổi, vay mượn nhiều hơn một phần xuất phát từ việc xuất hiện hàng loạt công ty tài chính với khả năng cho vay nhanh, dễ dàng hơn so với ngân hàng.
Chỉ cần ngồi ở nhà hay văn phòng lướt website các cửa hàng điện máy và chọn sản phẩm mình cần, khách hàng có thể dễ dàng thấy lời mời chào mua trả góp lãi suất 0% từ các công ty tài chính mà cửa hàng điện máy liên kết.
Ở mỗi sản phẩm, website cửa hàng điện máy đã thống kê sẵn và chi tiết gói vay trả góp của từng công ty tài chính cho khách hàng tiện so sánh, từ mức tiền cần trả trước, số tiền cần góp mỗi tháng, hai mức lãi suất – một là mức lãi suất phẳng tính theo mức trả góp hàng tháng, một là mức lãi suất thực tế (do nợ được tính trên dư nợ ban đầu) mà người vay phải trả, tổng tiền cần trả, mức chênh lệch so với giá bán và các giấy tờ cần có (như CMND, hộ khẩu, giấy phép lái xe…, đặc biệt nếu có thêm hóa đơn điện sẽ có lãi suất ưu đãi hơn).
Thời gian duyệt gói vay cực kỳ nhanh gọn, chỉ từ 10-30 phút.
Thậm chí để khuyến khích giới sinh viên mua hàng, có công ty tài chính còn đưa ra chương trình ưu đãi với mức lãi suất cực kỳ hấp dẫn mà chỉ yêu cầu CMND, hộ khẩu, thẻ sinh viên hay biên lai học phí cùng CMND của người bảo lãnh.
Đơn cử, trên website của Điện máy Xanh, khi khánh hàng muốn mua chiếc điện thoại iPhone X 64GB giá niêm yết 29.990.000 đồng, có 3 công ty tài chính hỗ trợ cho vay trả góp là Home Credit, FE Credit và ACS.
Nếu khách hàng chọn trả trước 50% với gói vay của Home Credit, có CMND và bằng lái xe thì phải trả mỗi tháng 1.967.500 đồng trong 8 tháng với lãi suất 0%.
Tương tự, nếu chọn FE Credit và trả trước 50%, có CMND và hộ khẩu thì mỗi tháng phải trả 1.751.000 đồng trong 9 tháng.
Trong khi đó, với gói vay của ACS, ngoài trả trước 50% tiền mua sản phẩm, khách phải đóng thêm 200.000 đồng phí hồ sơ và mỗi tháng trả 2,5 triệu đồng trong 6 tháng với gói giấy tờ để chứng minh thu nhập.
Trên đây là mức lãi suất ưu đãi cho người trả trước 50% và kỳ hạn vay dưới 12 tháng. Còn nếu người vay chọn kỳ hạn 12 tháng, trả trước 10% thì mức lãi suất của FE Credit bị đẩy lên 2,68%/tháng, tức trên 32%/năm.
Nhưng mức lãi suất thực trả lên tới 4,58%/tháng, tương đương 55%/năm. Với mức lãi suất này, người mua phải trả thêm 10,6 triệu đồng cho chiếc điện thoại.
Trên đây mới chỉ là mức lãi suất vay tiêu dùng thông thường và phổ biến, nhiều sản phẩm khác có mức lãi vay từ 65%/năm, thậm chí cao hơn.
Đáng lưu ý, trong trường hợp khách hàng trả chậm sẽ phải nộp phí phạt góp trễ. Theo thông tin trên Điện máy xanh, phí phạt góp trễ của ACS là 5.000 đồng/ngày, Home Credit là 150.000 đồng nếu nộp chậm 5-29 ngày, FE Credit là 150.000 đồng nếu nộp chậm 5-30 ngày.
Thực tế mức phạt phát sinh còn lớn hơn nhiều. Bởi theo thông tin đăng tải trên website của Home Credit, một khách hàng có hợp đồng vay mua điện thoại, thang toán khoản nợ trễ 4 ngày sẽ chịu mức phạt là 150.000 đồng.
Nếu khách hàng này nộp trễ 30 ngày sẽ chịu mức phạt là 400.000 đồng. Trường hợp nộp trễ 60 ngày, mức phạt lên tới 650.000 đồng.
Khảo sát trên website của nhiều công ty tài chính thì thấy hợp đồng theo mẫu, điều kiện chung về cho vay tiêu dùng theo quy định không được công khai. Các công ty này cũng không công bố các mức lãi suất cao nhất, thấp nhất, mà hầu hết chỉ thể hiện mức tiền trả góp mỗi tháng.
Khi chúng tôi gọi đến đường dây nóng của một số công ty tài chính, nhân viên tư vấn cũng không nói rõ về mức lãi suất, trách nhiệm và quyền lợi của người vay, mà cho biết những thông tin này sẽ có trên từng hợp đồng cụ thể.
Tín dụng tiêu dùng tiếp tục là điểm nhấn tăng trưởng trong năm 2017. Theo Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính năm 2017 do Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) công bố, cho vay tiêu dùng vẫn tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2015 với tốc độ tăng trưởng đạt 65%, trong khi năm 2016 là 50,2%. Năm 2017, tín dụng tiêu dùng ước tăng 65%.
Trong đó, cho vay để mua, sửa chữa nhà ở tiếp tục chiếm tỷ trọng chính (52,9%) và tăng trưởng mạnh nhất tới 76,5%. Cho vay trang thiết bị gia đình và phương tiện đi lại ước tăng lần lượt 6,5% và 35,2%.
Theo Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia, thời gian tới lĩnh vực này vẫn là một trong những mảng hoạt động tiềm năng và chiến lược của cácTCTD và dự báo tăng trưởng cao.
Trong khi đó, theo báo cáo công bố hồi giữa năm 2017 của Công ty chứng khoán Bản Việt ước tính quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đã đạt gần 600.000 tỷ đồng (khoảng 26 tỷ USD) trong năm 2016, chiếm gần 10% GDP.
Dự báo sẽ tiến tới mốc một triệu tỷ đồng vào năm 2019 với mức tăng trưởng bình quân 29% mỗi năm.