Wednesday, January 8, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiXiết nợ DNNN: Ngân hàng để lọt từ túi này sang túi...

Xiết nợ DNNN: Ngân hàng để lọt từ túi này sang túi kia

 Để ngân hàng xiết nợ những DNNN làm không khéo chẳng khác nào “túi này lọt sang túi kia” – LS Trương Thanh Đức.

PV:- Thưa ông, Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” đã đưa ra các giải pháp xử lý đối với các khoản nợ xấu của DNNN.

Trong đó có nội dung quan trọng được quy định về việc sử dụng vốn Nhà nước để đầu tư, kinh doanh. Trong trường hợp DNNN kinh doanh lỗ vốn, không thể trả được nợ ngân hàng thì việc ngân hàng thực hiện thu nợ/xiết nợ sẽ thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật hiện hành, trong đó có các giải pháp xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ, chuyển nợ thành vốn góp, bổ sung nguồn vốn để có nguồn trả nợ TCTD, phá sản doanh nghiệp… như Đề án 1058 đã nêu.

Hoạt động thu nợ/xiết nợ sẽ do DNNN, tổ chức tín dụng (trong đó có ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam) tự chủ thực hiện và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ông bình luận sao về quy định trên? Đề án cũng quy định với các khoản vay của DNNN, trong khi đó, đa số những khoản vay của DNNN đều được chỉ định vay, trong trường hợp không có tài sản bảo đảm thì phải xử lý thế nào? Việc xiết nợ có dễ dàng không?

LS Trương Thanh Đức:- Việc giao ngân hàng tự chủ hoạt động siết nợ DNNN thua lỗ không phải là quy định mới. Việc này đã thành luật và được quy định từ rất lâu rồi.

Trong đó bao gồm từ việc cho vay, thu hồi nợ, xử lý nợ, xử lý tài sản bảo đảm… tất cả đều phải đảm bảo tính khách quan, công bằng, theo đúng quy luật “có vay có trả”, không phân biệt, ưu ái cho riêng loại hình doanh nghiệp nào. Kể cả với DNNN. Nếu có chuyện ưu ái khác thường cho doanh nghiệp nào thì đó là trái luật.

Đối với trường hợp là khoản vay của DNNN được chỉ định vay thì khi xử lý tài sản bảo đảm sẽ phải thực hiện theo quy định riêng.

Ở đây tôi quan tâm tới một điều khoản mới, đó là cho phép ngân hàng chuyển nợ thành vốn góp vào doanh nghiệp. Tôi đã từng nói, việc cho phép ngân hàng đổi nợ xấu thành vốn góp chỉ kéo dài thời gian trả nợ và che giấu nợ xấu, khiến việc nhận diện nợ xấu trở nên khó khăn hơn.

Tiêu cực ở chỗ, đáng lẽ phải làm rõ trách nhiệm gây thất thoát vốn, lãi như thế nào thì bây giờ “hòa cả làng”, không còn biết trách nhiệm của ai nữa. Hơn nữa, việc để Ngân hàng một lúc đóng hai vai, vừa cho vay vừa đi kinh doanh sẽ rất rủi ro.

PV:-Hiện các ngân hàng cho doanh nghiệp nhà nước vay nhiều lại chính là các ngân hàng mà nhà nước nắm cổ phần chi phối như vậy, hoạt động siết nợ nếu thực hiện phải được thực hiện thế nào để đảm bảo nguyên tắc: Thu hồi tối đa nợ của nhà nước mà không xảy ra móc ngoặc xuê xoa, che giấu sự hoạt động yếu kém hoặc ko đúng nguyên tắc của ngân hàng?

LS Trương Thanh Đức:- Như tôi đã nói, về nguyên tắc vay – trả đã được quy định rất rõ ràng. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý có thể sẽ phải căn chỉnh dựa trên từng trường hợp cụ thể.

Về nguyên tắc, DNNN nợ thì vẫn phải xử lý, phải trả nợ, phải thu hồi, phải cho phá sản… không có đặc ân nào khác biệt so với những ngân hàng khác. Tuy nhiên, thực tế cũng có sự khác biệt khá đặc trưng đối với những trường hợp cho DNNN vay lại là những ngân hàng nhà nước nắm cổ phần chi phối. Việc xiết nợ ở những trường hợp này làm không khéo chẳng khác nào “túi này lọt sang túi kia”.

Nếu nhìn vào thực tế, hiện chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và 3 ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng là có 100% vốn Nhà nước, còn lại đều là các ngân hàng cổ phần. Nhưng, các ngân hàng cổ phần ở Việt Nam cũng rất đặc biệt, vốn cổ phần có 10 đồng, vốn Nhà nước có 9 đồng thì đó cũng được coi là ngân hàng cổ phần. Điều này càng bộc lộ rõ sự luẩn quẩn trong quản lý, Nhà nước vẫn tham gia sâu vào các hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

PV:- Để ko xảy ra những tình trạng này, có ý kiến cho rằng, ngân hàng phải thực sự là một doanh nghiệp, tự quyết định khách hàng và chịu trách nhiệm cho những rủi ro của hoạt động của mình điều này có đúng không?

Để thực hiện ở việt nam thì còn những vướng mắc gì? nếu không làm được như vậy có dứt điểm được nợ xấu hay không?

LS Trương Thanh Đức:- Từ trước tới nay quy định vẫn nói rõ như vậy, rằng, ngân hàng phải thực sự là một doanh nghiệp, tự quyết định khách hàng và chịu trách nhiệm cho những rủi ro trong hoạt động của mình. Tuy nhiên, ngân hàng là lĩnh vực liên quan tới tài chính, do đó, cũng vẫn có những khuôn khổ, luật lệ riêng, không thể tùy tiện, tự quyết định thoải mái được.

Ví dụ, có một số chính sách đặc thù, ngoại lệ như: hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế biển, phát triển đê điều… vẫn đang được thực hiện theo dự án hoặc theo các chính sách riêng.

Vấn đề là ở chỗ làm sao đảm bảo được tính công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện các quy định, luật lệ đó để đảm bảo tính khách quan, công bằng, tránh sự nhập nhèm, “túi lọ lọt túi kia”? Đây là câu hỏi khó, vì quy định đã có chỉ vướng ở cách thức thực hiện.

Ở đây lại là vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý, các cơ quan thanh kiểm tra.

Nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh, nếu còn tồn tại mô hình, cách thức hoạt động của DNNN như vừa qua thì rất khó tránh khỏi có sự nhập nhèm, thất thoát. Muốn chấm dứt tình trạng trên, phải để nền kinh tế đi theo cơ chế thị trường, phải tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng cho mọi người, bình đẳng về cơ hội và bình đẳng trước rủi ro, tức là cơ hội để thành đạt ngang nhau, và nếu có tai biến thì việc chịu rủi ro cũng ngang nhau.

PV:- Xin cảm ơn ông!

RELATED ARTICLES

Tin mới