Saturday, January 11, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiBất ổn ngầm ở Triều Tiên

Bất ổn ngầm ở Triều Tiên

Sự yên ả trên bán đảo Triều Tiên hiện nay xem ra cũng rất bấp bênh và có thể trở lại sự đối đầu, căng thẳng sau khi Thế vận hội mùa đông kết thúc.

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên những ngày đầu năm 2018 đang diễn ra khá yên ả, khi mà Triều Tiên và Hàn Quốc đã xúc tiến được các cuộc hội đàm cấp cao sau hai năm gián đoạn, mở ra những hy vọng về một giải pháp hòa bình để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.

Thế giới đã hoan nghênh động thái này của Seoul và Bình Nhưỡng, ngay cả Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters hôm 19/1 cũng cho rằng, đây có thể là bước đầu tiên giúp giải quyết căng thẳng “theo cách hòa bình”.

Tuy nhiên, trên thực tế lại có nhiều dấu hiệu cho thấy sóng ngầm vẫn đang âm ỉ trên bán đảo Triều Tiên và có thể bùng phát căng thẳng bất cứ lúc nào.

Khó đạt được sự đồng thuận về quan điểm cuối cùng

Các cuộc đàm phán giữa hai miền Triều Tiên vừa qua đã đạt được những bước đột phá quan trọng.

Triều Tiên nhất trí cử đoàn vận động viên tham dự Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018, nối lại dường dây nóng quân sự giữa hai nước, hay xúc tiến cho cuộc gặp gỡ thân nhân các gia đình li tán từ sau chiến tranh liên Triều 1950 – 1953.

Thế nhưng, hai vấn đề then chốt nhất và là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, đó là việc Hàn Quốc ngừng hoàn toàn các cuộc tập trận chung thường niên với Hoa Kỳ và Triều Tiên ngừng tiến hành các vụ thử hạt nhân, tên lửa lại không được đưa ra bàn thảo.

Thực tế, Triều Tiên luôn coi các cuộc tập trận chung giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc như một mối đe dọa thường trực đối với an ninh của họ.

Vì vậy, Bình Nhưỡng luôn phản ứng tiêu cực đối với hành động này Washington và Seoul.

Do đó, việc Triều Tiên chủ động mở ra cơ hội cho các cuộc đàm phán liên Triều được thể hiện ngay sau khi Hoa Kỳ và Hàn Quốc thông báo sẽ hoãn các cuộc tập trận quân sự chung thường niên trong dịp diễn ra Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018.

Trong khi đó, Hoa Kỳ và Hàn Quốc lại cho rằng, việc Triều Tiên theo đuổi chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân là nguyên nhân gây ra căng thẳng trong mối quan hệ liên Triều.

Theo quan điểm này, cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều không muốn đối phương làm cái điều mà mình không mong muốn, tuy nhiên, cả hai bên lại đều né tránh vấn đề này trong các cuộc tiếp xúc.

Trước khi tiến tới các cuộc hội đàm với Hàn Quốc, Triều Tiên đã truyền đi thông điệp sẽ không đàm phán về vấn đề hạt nhân, vì cho rằng đó là vấn đề sống còn của Bình Nhưỡng và nó cũng không còn là vấn đề song phương giữa hai miền Triều Tiên.

Trong khi Hàn Quốc cũng không cho thấy bất kỳ tín hiệu nào sẽ ngừng hoàn toàn các cuộc tập trận quân sự chung với Hoa Kỳ để tránh kích động Bình Nhưỡng.

Liên quan đến vấn đề này, có thể Seoul đang phải chịu sức ép từ Washington.

Bởi trước khi cuộc hội đàm đầu tiên giữa hai miền Triều Tiên diễn ra vào ngày 9/1, Hoa Kỳ lại đưa ra thông báo các cuộc tập chung với Hàn Quốc sẽ tiếp tục trở lại vào cuối tháng 4 tới.

Cái bắt tay thân thiện giữa hai miền Triều Tiên khó có thể kéo dài được lâu

Vì vậy, mặc dù đã có các cuộc tiếp xúc giữa hai miền Triều Tiên cùng những thiện chí của hai bên liên quan đến Thế vận hội mùa đông đã đem lại chút hy vọng cho một tiến trình hòa bình để giải quyết cuộc khủng hoảng, thế nhưng khi đánh giá sâu vào các vấn đề tồn tại thì những hy vọng này xem ra quá mong manh.

Bởi lẽ, giữa Triều Tiên và Hàn Quốc rất khó mà đạt được sự đồng thuận về quan điểm cuối cùng cho cả hai vấn đề then chốt nêu trên.

Những động thái đang châm ngòi cho xung đột

Trong khi Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang tiến hành các cuộc hội đàm cấp cao mà chủ yếu tập trung vào Thế vận hội mùa đông và chưa cho thấy tín hiệu rõ ràng nào cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng, thì những động thái của các bên liên quan lại đang đặt ra nhiều quan ngại.

Tại cuộc họp ở Vancouver (Canada) giữa Hoa Kỳ và 20 quốc gia đã từng ủng hộ Hàn Quốc trong cuộc chiến tranh liên Triều 1950 – 1953 nhằm xiết chặt các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đã cảnh báo:

Hoa Kỳ sẽ có hành động quân sự cứng rắn đối với Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng từ chối đối thoại về vấn đề hạt nhân.

Ngoài ra, Hoa Kỳ hiện đang tiếp tục tăng cường lực lượng quân sự tới sát Triều Tiên – động thái được cho là ngầm ý của Washington muốn Bình Nhưỡng hiểu rằng quyết định hoãn tập trận với Hàn Quốc không phải là biểu hiện xuống thang của Hoa Kỳ.

Máy bay ném bom tàng hình B-2 của Hoa Kỳ là một phần của lực lượng quân sự được tăng cường đến đảo Guam

Theo đó, hồi tuần trước, Hoa Kỳ đã điều thêm ba máy bay ném bom tàng hình B-2, sáu máy bay ném bom chiến lược B-52 cùng 500 binh sĩ và ít nhất một siêu hàng không mẫu hạm, một tàu tấn công đổ bộ tới căn cứ quân sự ở đảo Guam.

Đông thái này của Washington đã khiến Bình Nhưỡng tức giận và cáo buộc Hoa Kỳ đang tìm cách dội gáo nước lạnh vào các cuộc đàm phán liên Triều.

Trong khi đó, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley lại cho rằng, Triều Tiên đang có dấu hiệu chuẩn bị cho một vụ thử nghiệm tên lửa mới, do đó cần phải biện pháp cứng rắn để đáp trả.

Giới quan sát cũng đưa ra nhận định, trong thời gian tới, nhiều khả năng Triều Tiên sẽ tiếp tục thử tên lửa đạn đạo và có thể là bom hạt nhân.

Bởi qua nghiên cứu hình ảnh vệ tinh mà trang mạng 38 North thuộc Đại học Johns Hopkins (Hoa Kỳ) cung cấp, cho thấy có hoạt động đang diễn ra tại một sà lan thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên nằm ở ngoài khơi bờ biển phía tây của nước này.

Đồng thời, các hoạt động đào hầm tại cổng phía tây bãi thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên cũng đang diễn ra khá náo nhiệt, với hàng trăm công nhân và hàng chục xe tải xuất hiện tại khu vực này.

Mặt khác, hôm 19/1, Triều Tiên đã lên tiếng cáo buộc Hoa Kỳ đang “cố tình gây chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên”, cùng việc Bình Nhưỡng bất ngờ hoãn kế hoạch cử một nhóm tiền trạm sang Hàn Quốc để chuẩn bị cho Thế vận hội mùa đông đã đặt ra nhiều quan ngại. [4]

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vẫn chưa thể tìm được ý tưởng chung

Trước những bất ổn âm ỉ này, Trung Quốc đã tăng cường lực lượng quân đội dọc biên giới với Triều Tiên, lắp đặt thêm các camera giám sát mới và vận hành các máy dò bức xạ để chuẩn bị cho các phương án đối phó vì lo ngại xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên có thể nổ ra.

Thay cho lời kết

Có thể nói, tình hình trên bán đảo Triều Tiên hiện nay tuy bề mặt có vẻ yên ả khi hai miền Triều Tiều vẫn đang xúc tiến các cuộc hội đàm cấp cao sau hai năm gián đoạn.

Thế nhưng sóng ngầm lại đang âm ỉ và có thể làm xói mòn những hy vọng về một tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Trung Quốc, Nga và nhiều nước trên thế giới đang kêu gọi Hoa Kỳ và các bên liên quan hãy tận dụng lấy cơ hội này để tiến tới các cuộc tiếp xúc, đối thoại song phương và đa phương với Triều Tiên nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng.

Tuy nhiên, có vẻ như Hoa Kỳ đang không muốn tận dụng cơ hội này, trong khi Triều Tiên lại không thể hiện rõ thiện chí cho các cuộc đối thoại liên quan đến chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân mà nước này đang theo đuổi.

Vì vậy, sự yên ả trên bán đảo Triều Tiên hiện nay xem ra cũng rất bấp bênh và có thể trở lại sự đối đầu căng thẳng, thậm chí là xung đột quân sự sau khi Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018 kết thúc.

RELATED ARTICLES

Tin mới