Saturday, January 11, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiTích hợp các môn học làm một: giáo dục VN sẽ thành...

Tích hợp các môn học làm một: giáo dục VN sẽ thành cái gì?

Liệu có xảy ra một cuộc chạy đua ma-ra-tông giữa các giáo viên đơn môn để có được 1 chứng chỉ “tích hợp” và câu chuyện mua bán chứng chỉ Ngoại ngữ theo Đề án?

Chuyện tích hợp 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thành một môn Khoa học tự nhiên, 2 môn Lịch sử, Địa lý thành môn Lịch sử và Địa lý đã được bàn luận nhiều ngay từ những ngày đầu tiên có dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Các thầy cô giáo trên khắp mọi miền đất nước đã có hàng trăm bài báo đặt câu hỏi, phân tích cơ sở khoa học cũng như ứng dụng thực tiễn của việc tích hợp cơ học này.

Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Tổng Chủ biên môn tích hợp ấy cũng đã trả lời các thắc mắc giáo viên đặt ra trên diễn đàn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Tiếc rằng khi chúng tôi hỏi một đằng thì quý thầy biên soạn chương trình lại trả lời một nẻo, chỉ quanh quẩn với những lý thuyết cũ chưa có kiểm chứng, và không thầy chủ biên nào đưa ra được vài ví dụ thuyết phục cho 2 môn “tích hợp”.

Hỏi mãi quý thầy cũng chán không buồn trả lời nữa.

Giáo viên chúng tôi chỉ đành chờ quý thầy công bố dự thảo chương trình các môn học, để xem mặt ngang mũi dọc 2 môn “tích hợp” mình sẽ phải dạy những năm tới đây ra sao.

Sau những bài viết, bài phỏng vấn về chủ đề tích hợp như thế lượng bạn đọc vào tương tác khá đông. Có thể nói đây là vấn đề kéo sự quan tâm khá lớn của người đọc. 

Trước những phản ứng khá tích cực từ phía độc giả mà phần nhiều là các giáo viên, các chuyên gia giáo dục tưởng rằng các nhà soạn thảo chương trình sẽ có những điều chỉnh hợp lý.

Dư luận chờ đợi một sự thay đổi tích cực từ phía người làm chương trình.

Thế nhưng buổi công bố chương trình các môn học mới diễn ra vào chiều muộn ngày thứ Sáu 19/1 đã dập tắt hoàn toàn mọi hy vọng của nhiều người. 

Tích hợp (cơ học) là biện pháp giảm tải?

Trong buổi họp báo công bố về chương trình mới, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã khẳng định việc tích hợp các môn học có liên quan cũng là một hình thức giảm tải. 

Ví dụ, thay vì dạy 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học ở trung học cơ sở như hiện nay thì chương trình mới tích hợp thành môn Khoa học tự nhiên và dạy học theo 4 chủ đề chính.

Tích hợp là biện pháp giảm tải, khái niệm này chúng tôi mới nghe nói lần đầu. 

Cái sự “chung chạ” này lợi đâu chẳng thấy chỉ thấy bất cập, thêm việc cho giáo viên. 

Môn “tích hợp” này vẫn bao gồm 2 môn riêng biệt, chỉ gom chúng lại vào 1 cuốn sách. 

Vì thế số con điểm học sinh cần có trong học kì, trong năm học phải được tính toán và chia đôi cho hợp lý. 

Có điều ở bậc tiểu học, dù để 2 môn riêng biệt Lịch sử với Địa lý hay chỉ còn một môn Lịch sử và Địa lý thì cũng chỉ do một giáo viên dạy, nên có tích hợp hay giữ nguyên nó cũng chẳng ảnh hưởng nhiều.

Sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý lớp 4 của chương trình hiện hành nhét tri thức thông sử của 26 thế kỷ, từ Nhà nước Văn Lang cho tới cuối triều Nguyễn vào bộ óc non nớt của học sinh.

Người làm công việc nhồi nhét ấy là giáo viên tiểu học, không được đào tạo chuyên sâu về Sử, Địa. 

Cho dù có đào tạo chuyên sâu đi nữa, thì việc nhồi bằng ấy kiến thức vào đầu con trẻ cũng là việc bất khả thi, trừ phi các em là siêu nhân, hoặc thầy trò coi đó là môn phụ, cưỡi ngựa xem hoa, nhưng lại chiếm khá nhiều thì giờ của các môn khác.

Cái còn đọng lại trong các em là những kiến thức lịch sử mù mờ, lẫn lộn. Thế mới có chuyện cười ra nước mắt khi VTV phỏng vấn 49 em học sinh trung học cơ sở ngay tại Hà Nội về “mối quan hệ giữa Quang Trung với Nguyễn Huệ” năm 2015.

Nhưng lên cấp trung học cơ sở thì hoàn toàn khác.

Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học do các giáo viên khác nhau được đào tạo chuyên ngành giảng dạy, chứ không phải giáo viên chủ nhiệm “kiêm hết” như bậc tiểu học.

3 môn học Vật lý, Hóa học, Sinh học lâu nay do 3 người dạy, được đào tạo chuyên ngành thì nay được gom thành 1 môn có tên gọi chung là Khoa học tự nhiên lại chẳng hề đơn giản như thế. 

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói rằng kết hợp kiểu này cũng là “giảm tải” ư? 

Chúng tôi lại thấy rằng đây chính là quá tải cho nhà trường, cho giáo viên trong việc sắp xếp chuyên môn. 

Bởi vì 3 môn độc lập nay chỉ còn một môn nhưng vẫn 3 người dạy và chỉ còn một một lời nhận xét trong học bạ, một con điểm tổng kết. 

Trong khi thời lượng dạy 3 môn không đều thì việc phân chia các con điểm miệng, điểm kiểm tra 15 phút, một tiết cũng cần có sự tính toán sao cho hài hòa. 

Một sự quá tải cho học sinh khi ngày nào cũng phải mang trong cặp cuốn sách giáo khoa tổng hợp. Học lý phải cõng theo sinh, học hóa hay học sinh cũng phải mang theo lý, hóa…

Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn, Chủ biên chương trình môn Khoa học tự nhiên, thành viên ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới, khẳng định:

“Đây là một môn học chứ không phải là phép cộng đơn thuần của 3 lĩnh vực vật lý, hóa học, sinh học lại với nhau”.

Tuy nhiên cũng theo thày Tuấn, thuận lợi về kinh nghiệm dạy học tích hợp của nhiều nước trên thế giới cộng với quá trình chuẩn bị, “chạy đà” của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong suốt thời gian qua đã có nhiều giáo viên và học sinh được làm quen với cách dạy tích hợp, chẳng hạn, mô hình trường học mới (VNEN).

Xin thưa với Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn, cái gọi là “tích hợp” hai môn Lịch sử, Địa lý ở mô hình trường học mới (VNEN) thực chất chỉ là kiểu gộp hai cuốn sách giáo khoa Lịch sử, Địa lý thành một cuốn sách Lịch sử & Địa lý;

Nội dung của hai môn học này hoàn toàn độc lập và chép lại y chang, từ dấu chấm dấu phẩy so sách giáo khoa của chương trình hiện hành, chứ làm gì có “tích hợp” mới, khác để gọi là làm quen? 

Thế nên chúng tôi cũng tin rằng ba môn Vật lý, Hóa học và Sinh học cũng chỉ là sự tích hợp cơ học (gộp chung thành cuốn sách) như thế mà thôi. Đọc dự thảo môn học mới, quả thực là như vậy.

Giáo viên hoang mang

Trong buổi công bố dự thảo các chương trình môn học mới, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã rất tự tin nói rằng, ngay từ khi bắt tay xây dựng chương trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát giáo viên từng môn, từng cấp, đánh giá việc đáp ứng yêu cầu của giáo viên, căn cứ vào đó quy hoạch mạng lưới giáo viên. 

Việc này đang làm song song với chương trình và sẽ giải quyết được những vướng mắc phát sinh khi triển khai.

Chẳng biết quý giáo sư và lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát giáo viên từng môn, từng cấp, đánh giá việc đáp ứng yêu cầu của giáo viên ở địa phương nào, chứ nơi chúng tôi và khá nhiều đồng nghiệp ở nhiều miền đất nước chưa thấy mình được hỏi đến. 

Sau khi công bố dự thảo chương trình các môn học mới, khá nhiều giáo viên ở bậc học trung học cơ sở cảm thấy áp lực và hoang mang. 

Lo ngại, hoang mang là đúng. Bởi phần lớn các thầy cô lớn tuổi trước đây học sư phạm cũng chỉ được đào tạo chuyên sâu 1 môn, ra trường 20 năm cũng chỉ dạy mỗi môn học ấy. 

Chưa nói rằng ngay từ khi đi học, phần lớp giáo viên cũng chỉ có sở trường một, hoặc hai môn. Nay nói dạy tích hợp đâu có dễ dàng gì? 

Trong thực tế đã có khá nhiều thầy cô dạy Sinh học khi dạy giúp cho đồng nghiệp môn Vật lý, nhưng chỉ có thể trông lớp, quản học trò thôi, chứ biết dạy thế nào, bởi làm sao họ thuộc hết các công thức vật lý? 

Giáo viên dạy Hóa không giải nỗi bài Lý khi trò hỏi cũng là chuyện thường. Học trò làm cách không giống thầy cũng chẳng biết là đúng hay sai.

Một số trường học hiện nay thiếu giáo viên nên thường phân công giáo viên dạy chéo môn (thày Lý dạy thêm Hóa, thày Sinh dạy thêm Lý…) nhưng cũng chỉ dám phân công chéo ban ở những khối lớp nhỏ nhất. 

Thế mà, có thày cô trước khi lên lớp phải hỏi đồng nghiệp cách cân bằng phương trình sao cho gọn, cách hướng dẫn học sinh giải sao cho nhanh, ngoài cách giải đơn thuần còn cách giải nào khác hiệu quả hơn để lên lớp đề phòng có trò hỏi còn biết trả lời…

Người ta biết mười dạy một nhưng mình biết một dạy một thì dạy thế nào? 

Thực trạng giáo viên hiện nay là thế, các nhà biên soạn chương trình cũng đã thừa nhận “giáo viên của chúng ta hiện nay được đào tạo và đã quen dạy các môn học riêng rẽ nên giờ họ dạy một môn học có nhiều lĩnh vực kiến thức, rộng hơn, tổng hợp hơn”. 

Thế nhưng thày Mai Sỹ Tuấn vẫn tự tin cho biết (mặc dù chẳng biết thày dựa vào đâu? Căn cứ nào?):

“Giáo viên đang dạy môn học riêng rẽ thì sau khi được tập huấn, bồi dưỡng vẫn có thể dạy được những nội dung liên quan. 

Tuy nhiên, xét về mặt lâu dài thì các trường sư phạm phải đào tạo giáo viên dạy các môn học tích hợp theo đúng tinh thần của môn học này”.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cũng cho biết thêm: 

“Giáo viên các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý sẽ được tập huấn như giáo viên môn học khác. Nhưng bên cạnh đó, họ sẽ được học các tín chỉ để có thể một mình đảm nhiệm được môn học”. 

Cứ cho là qua một vài khóa bồi dưỡng theo tín chỉ, thày dạy Vật lý cáng đáng luôn được 2 môn mới là Hóa học, Sinh học hoặc ngược lại, như thế 2 môn mới này sẽ làm thừa ra 3 giáo viên đơn môn.

Nhân với số trường trung học cơ sở của cả nước, số giáo viên dôi dư do quý thầy “tích hợp” sẽ không hề nhỏ.

Những giáo viên này sẽ đi đâu, về đâu? Liệu có xảy ra một cuộc chạy đua ma-ra-tông giữa các giáo viên đơn môn để có được 1 chứng chỉ “tích hợp” và câu chuyện mua bán chứng chỉ Ngoại ngữ theo Đề án 2020 lại lặp lại?

Và không một quý thầy nào trong ban phát triển chương trình hay lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cam kết nhận trách nhiệm cũng như hình thức chịu trách nhiệm, nếu chương trình mới lại thất bại, đặc biệt là 2 môn “tích hợp” này.

Làm chính sách như thế dễ quá, nhàn quá, sướng quá!

Còn thày và trò thì lại tiếp tục “quay như đèn cù”.

Ban soạn thảo chương trình bỏ qua nền tảng gốc là kiến thức của giáo viên có đủ để dạy “tích hợp” theo kiểu cộng dồn cơ học hay không để trông chờ vào một chuyện khá viển vông, rằng:

“Số nước trên thế giới giảng dạy môn Khoa học tự nhiên theo dạng tích hợp chiếm số đông nên Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của họ rất nhiều. 

Không phải bây giờ chúng ta mới nói đến việc tích hợp các môn học mà từ trước đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ việc tuyên truyền, tập huấn cho giáo viên về phương pháp dạy học tích hợp, xây dựng chủ đề tích hợp”…

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang giao nhiệm vụ cho các trường đại học sư phạm thực hiện tốt việc đào tạo, tập huấn cho giáo viên một cách thận trọng, cẩn thận.

Để hiểu thêm về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã “chuẩn bị”, “chạy đà” như thế nào cho “tích hợp”, chúng tôi xin nêu một đoạn giải thích của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong Báo cáo gửi Quốc hội về đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 40/2000/QH10 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông:

“Ở cấp tiểu học đã xây dựng một số môn học có tính tích hợp thể hiện khá rõ như: Tìm hiểu Tự nhiên và Xã hội ở các lớp 1, 2, 3; Khoa học, Lịch sử và Địa lý ở các lớp 4, 5. 

Ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông đã có sự tích hợp các nội dung trong từng môn học (tích hợp các phân môn Cơ học, Điện, Nhiệt học và Quang học trong môn Vật lý; 

Đại số, Hình học, Lượng giác trong môn Toán; Hoá học hữu cơ và Hoá học vô cơ trong môn Hoá học; Địa lý tự nhiên và Địa lý kinh tế – xã hội trong môn Địa lý; 

Tiếng Việt, Văn học và Tập làm văn trong môn Ngữ văn); đồng thời, tích hợp các nội dung giáo dục về năng lượng, biến đổi khí hậu, kỹ năng sống, dân số, sức khoẻ sinh sản… vào nhiều môn học khác nhau.”

Quý thầy làm chương trình nên nhớ, dù có bồi dưỡng, tập huấn giáo viên dài ngày cũng chỉ cải thiện được phương pháp và kĩ năng dạy học. Còn để thay đổi kiến thức của người dạy là một điều vô cùng khó, nếu không muốn nói là không thể. 

Giáo viên cũ thì thế, trông chờ vào lớp sinh viên mới ư? Thi cao đẳng, đại học sư phạm 3 điểm / môn hoặc chạm điểm sàn thì trình độ nào để “tích hợp” kiến thức của cả 3 môn tự nhiên hoặc 2 môn xã hội cho tốt được đây?

RELATED ARTICLES

Tin mới