Hãng tin CNN cho biết, trong vòng một năm qua, không chỉ có Triều Tiên mà rất nhiều quốc gia đã tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo, mới đây nhất là Ấn Độ.
Vào ngày 18/1, Ấn Độ tuyên bố họ đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mang tên Agni-V. Các chuyên gia cho biết tên lửa này đủ sức bắn tới Trung Quốc, một quốc gia mà Ấn Độ đang cạnh tranh về kinh tế và chính trị trong khu vực.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã gọi cuộc thử nghiệm tên lửa Agni-V là “một bước nhảy lớn” đối với sức mạnh quân sự của đất nước. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự đều nhận định rằng đây là một động thái thường thấy của Ấn Độ.
Tính đến thời điểm hiện tại, Triều Tiên là quốc gia duy nhất đẩy mạnh thử nghiệm tên lửa nhằm đạt được vị thế là cường quốc hạt nhân. Nước này đã phóng 23 quả tên lửa trong 16 cuộc thử nghiệm và khiến căng thẳng trong khu vực nóng lên.
Người dân Nhật Bản đã phải sống trong tình trạng cảnh giác cao độ trong phần lớn năm vừa qua khi hãng tin NHK đã cảnh báo trên điện thoại cho người dân rằng Bình Nhưỡng có thể đã phóng tên lửa về phía Nhật Bản. Đã rất nhiều lần tên lửa Triều Tiên đã bay qua lãnh thổ Nhật Bản và rơi xuống vùng biển quanh đất nước này. Cuối cùng, đây chỉ là một sự nhầm lẫn và hãng NHK đã phải công khai xin lỗi trên truyền hình vài phút sau khi cảnh báo được đưa ra.
Tại quần đảo Hawaii (Mỹ), người dân nơi này đã được một phen lo sợ khi điện thoại của họ cảnh báo tên lửa đạn đạo đang đến gần. Triều Tiên đã từng tuyên bố rằng tên lửa của họ có thể bắn tới lãnh thổ nước Mỹ, và cảnh báo này đã khiến người dân Hawaii phải xuống hầm trú ẩn trong 38 phút trước khi nhà chức trách tuyên bố đây là báo động giả. Nguyên nhân được cho là bởi một nhân viên của Cục Tình trạng Khẩn cấp Hawaii đã “bấm nhầm nút”.
Ông Steve Hildreth, một chuyên gia về an ninh của Mỹ cho biết: “Nếu báo động đó xuất hiện vào khoảng 1 năm trước, người ta sẽ nghĩ rằng ai đó đã bấm nhầm nút. Nhưng giờ đây, người dân thực sự tin rằng Triều Tiên có thể phóng tên lửa tới Hawaii, vì vậy ai cũng tin vào báo động giả đó”.
“Trong nhiều thập kỷ qua, chúng ta đã quá quen với thực tế rằng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có tầm bắn ngắn”. ông Hildreth nói thêm. “Giờ đây tên lửa Triều Tiên có thể bắn tới Mỹ, đây là một điều rất đáng lo ngại”.
Tuy vậy, Triều Tiên không phải là nước duy nhất thử tên lửa trong năm 2017. Mỹ, Nga và Trung Quốc đều đã thử tên lửa đạn đạo trong thời gian qua.
“Việc tiến hành nhiều cuộc thử tên lửa trong một năm là điều bình thường. Chúng tôi sẽ chọn một loại tên lửa đang có bất kỳ, lắp đầu đạn và đưa nó ra bãi thử nghiệm”, ông Paul Merzlak, một cựu chỉ huy lực lượng tên lửa Mỹ cho biết. “Anh phải đảm bảo rằng tên lửa vẫn hoạt động tốt, vì vậy chúng cần được phóng thử thường xuyên”.
Các căn cứ Mỹ thường thông báo công khai thử nghiệm tên lửa trước và sau khi được thực hiện. Căn cứ Không quân Vandenberg thường thử hệ thống phòng không và tên lửa đạn đạo tại một địa điểm ở Santa Barbara, phía bắc bang California (Mỹ).
Ông Hildreth cho biết rất nhiều cuộc thử nghiệm tên lửa đã diễn ra tại Santa Barbara mỗi năm. “Đây là điều thường thấy. Đây là thời điểm Mỹ và Nga tiếp tục nâng cấp và thử hoạt động của tên lửa”, ông nói.
Trong khi đó, Ấn Độ cũng thử nghiệm tên lửa của mình. Theo ông Vipiin Narang, một giáo sư khoa học tại trường đại học MIT của Mỹ, cuộc thử nghiệm mới nhất của họ không cho thấy bất kỳ khả năng mới nào mà “đơn giản là thử nghiệm tính năng trước khi đưa vào hoạt động”. Động thái này càng khiến quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc trở nên căng thẳng, khi hai nước đang tranh chấp vùng lãnh thổ ở vùng biên giới.
Tại Iran, cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo của nước này khiến Mỹ, Israel và nhiều nước khác lo ngại, cũng như yêu cầu sửa đổi nội dung thỏa thuận hạt nhân để ngăn các hoạt động này diễn ra.
Vào tháng 9/2017, Iran đã phóng thành công tên lửa đạn đạo mới, chỉ vài giờ sau khi trình làng loại tên lửa này trên đường phố thủ đô Tehran. Được đặt tên là tên lửa Khorramshahr, nó có tầm bắn vào khoảng 2.000 km và có thể mang nhiều đầu đạn cùng lúc. Nó được cho là có thể bắn tới lãnh thổ Ả Rập Xê út và Israel.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần lên án thỏa thuận hạt nhân Iran khi nó không ngăn nước này tiến hành chương trình tên lửa đạn đạo, song ông đã buộc phải hoãn áp đặt cấm vận kinh tế. Ông Trump đã nhiều lần khẳng định rằng Iran đã vi phạm điều khoản trong thỏa thuận và muốn áp đặt lệnh trừng phạt nếu Iran tiếp tục thử tên lửa đạn đạo.
Ông Hildreth cho biết, kể từ khi lãnh đạo Kim Jong-un lên năm quyền, Bình Nhưỡng đã “đẩy mạnh tốc độ” thử nghệm tên lửa. Điều này sẽ còn tiếp tục cho đến khi Triều Tiên thực sự có tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.
Triều Tiên vẫn tiếp tục chương trình vũ khí hạt nhân của mình.
“Điều đáng lo ngại ở đây là việc Triều Tiên dường như quyết tâm phát triển một loại vũ khí hạt nhân có thể tấn công Mỹ. Họ không chấp nhận đàm phán để ngừng hoạt động này, thậm chí còn quyết tâm đi trên con đường này”, ông nói.
Ông Hildreth tin rằng trong tương lai Bình Nhưỡng sẽ còn thử nghiệm tên lửa thêm nữa, cho dù họ đang tạm ngừng chương trình này vì Thế vận hội Mùa đông sắp diễn ra tại Hàn Quốc. “Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu Triều Tiên không tiếp tục thử nghiệm tên lửa vào cuối mùa xuân này”, ông nói.