Những tháng cuối năm 2017, người ta có cảm giác như là Mỹ ít có những phản ứng và hành động trước sự gia tăng quân sự hóa của Trung Quốc ở các hòn đảo mà họ chiếm giữ trái phép trên Biển Đông.
Một tàu của Hải Quân Mỹ hoạt động gần khu vực bãi cạn Scarborough, Biển Đông. Ảnh chụp 21/04/2015.
Cũng có người cho rằng sở dĩ như vậy là vì Mỹ còn lo đối phó với Triều Tiên và phần nào không muốn gây căng thẳng với Trung Quốc để Trung Quốc gây áp lực với Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân.
Thực tế thì Mỹ chỉ tạm thời hòa hoãn. Vì, Mỹ có thể điều động các tàu chiến của Hải quân Mỹ từ phía Đông Thái Bình Dương để đối phó những mối đe dọa gia tăng từ phía Trung Quốc. Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ John Richardson đã tuyên bố vậy trong cuộc họp báo trên tàu sân bay Ronald Regan ở Nhật Bản. Đồng thời, ông cũng lưu ý rằng các hoạt động nhằm chống lại sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông và các khu vực khác ở châu Á làm tăng gánh nặng lên Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ. Vì thế, nhiệm vụ của ông vào năm 2018 là xây dựng một lực lượng hải quân “sát thương hơn” và “nguy hiểm hơn” với những kẻ thù tiềm năng và “Mỹ cần nhiều hải quân hơn chúng ta hiện có”.
Đô đốc Richardson cũng khẳng định rằng Mỹ tiếp tục phản ứng với việc Trung Quốc đang xây dựng những cơ sở quân sự trên các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông, và Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực. Đặc biệt Mỹ đã công bố chiến lược an ninh quốc gia mới, trong đó xác định Trung Quốc và Nga “là các đối thủ chính trị có ý đồ thách thức sức mạnh, an ninh và thịnh vượng của Mỹ”.
Chiến lược an ninh mới ghi nhận rằng “Trung Quốc có ý định hạn chế sự tiếp cận của Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương để mở rộng phạm vi hoạt động của mô hình kinh tế do nhà nước quản lý, để thay đổi trật tự trong khu vực có lợi cho họ”.
Sau khi Mỹ công bố chiến lược an ninh mới và sau tuyên bố của Đô đốc Richardson, nhiều chuyên gia quân sự quốc tế, trong đó có chuyên gia quân sự Nga Vladimir Evseev cho rằng: Các tướng lĩnh Mỹ có ý định giữ vai trò chủ đạo trong việc thực hiện vụ được đưa ra trong chiến lược mới nhằm ngăn chặn Trung Quốc.
Các chuyên gia cũng cho rằng nhiều khả năng Mỹ sẽ cắt giảm sự hiện diện ở Vịnh Persian và đưa thêm lực lượng hải quân tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, hiện nay Mỹ đang thiếu hụt tàu sân bay và tàu chiến, trong khi đó Trung Quốc lại đang củng cố lực lượng Hải quân để đuổi kịp Mỹ. Vì thế giữa mong muốn và hiện thực còn là một khoảng cách.
Dù sao, với chiến lược an ninh mới, Mỹ đã xác định rõ đối thủ cần phải ngăn chặn là Trung Quốc, đặc biệt là phải ngăn chặn ngay các hoạt động quân sự gia tăng của Trung Quốc trên Biển Đông.