Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaNếu Mỹ không coi trọng Biển Đông, vị thế ở Thái Bình...

Nếu Mỹ không coi trọng Biển Đông, vị thế ở Thái Bình Dương sẽ vào tay TQ

Washington đã mắc sai lầm trong chính sách, giờ họ cần phải có sự thay đổi để cân bằng lại vị trí địa chiến lược ở Thái Bình Dương với Trung Quốc.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ cả về kinh tế và quân sự của Trung Quốc đang khiến Hoa Kỳ ngày càng lo lắng về một viễn cảnh không xa Bắc Kinh sẽ soán ngôi vị siêu cường số một thế giới của họ.

Vì vậy, trong Chiến lược an ninh quốc gia và Chiến lược quốc phòng mới nhất mà Hoa Kỳ công bố đều liệt Trung Quốc cùng với Nga vào “cường quốc xét lại đang cố gắng ăn mòn lợi ích an ninh của Mỹ và tạo ra một trật tự thế giới khác”.

Đương nhiên, quan điểm này của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc phải dựa trên cơ sở thực tiễn về những thách thức thực sự mà Bắc Kinh đang tạo ra đối với Washington.

Nói riêng về khu vực Thái Bình Dương – nơi mà Hoa Kỳ có rất nhiều lợi ích quan trọng, thì hiện nay Washington lại đang suy giảm dần ảnh hưởng trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc.

Vậy điều gì đã tạo ra sự thay đổi cán cân quyền lực giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ở khu vực Thái Bình Dương đầy năng động này?

Những nước cờ hiểm của Trung Quốc

Sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc trong hơn ba thập kỷ qua cùng tư tưởng “Trung Quốc mộng” đang tạo ra thách thức không chỉ đối với lợi ích của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương mà còn đối với các nước trong khu vực.

Mặc dù hiện nay, Trung Quốc vẫn đang hưởng lợi từ trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo, nhưng Bắc Kinh lại đang theo đuổi việc mở rộng địa bàn ảnh hưởng ở Thái Bình Dương.

Mục đích của Trung Quốc là nhằm độc chiếm các tài nguyên khoáng sản, kiểm soát toàn bộ các tuyến đường hàng hải và tạo ra lợi thế địa chính trị để chi phối toàn bộ khu vực.

Vì vậy, các yêu sách cùng những hành động xâm lấn bất hợp pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông và Biển Hoa Đông đã đẩy các nước trong khu vực có cùng yêu sách / lợi ích luôn ở trong tình trạng bất đồng, thậm chí có lúc bị đẩy lên căng thẳng với Trung Quốc.

Với vị trí là một siêu cường, Bắc Kinh luôn tìm cách áp đặt chiến lược và hành động phi lý đối với các nước có cùng yêu sách, nhằm đem lại lợi ích nhiều nhất cho Bắc Kinh.

Theo đó, Trung Quốc hiện đang áp dụng hai chiến lược chính trị và quân sự song song, kết hợp với những hành động trên thực tiễn.

Về chính trị, Trung Quốc tiến hành chiến lược “tằm ăn dâu” thông qua hàng loạt hành động bồi đắp phi pháp các đảo nhân tạo trên Biển Đông để lấn dần từng bước trên thực địa, đồng thời tăng cường hiện diện ở Biển Hoa Đông.

Các hành động xâm lấn bất hợp pháp của Trung Quốc được thực hiện rất tinh vi.

Trung Quốc xây đảo nhân tạo phi pháp trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Ảnh: EPA)

Đó là xâm lấn từ từ, không quá mạnh, chỉ vừa đủ để không gây sự chú ý, nhằm tránh phản ứng của các nước liên quan và cộng đồng quốc tế, từ đó dần mở rộng phạm vi kiểm soát bất hợp pháp của họ.

Ngoài ra, dựa vào khả năng chi phối các lợi ích kinh tế thông qua các gói đầu tư và mở cửa thị trường, Trung Quốc đã từng bước phá vỡ tính thống nhất của khối ASEAN về các yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông.

Về quân sự, Trung Quốc thực hiện chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) để tạo ra những vùng kiểm soát chồng lấn trên một khu vực rộng lớn ở Biển Đông.

Theo đó, Trung Quốc đã thực hiện một cuộc cách mạng về tên lửa, lực lượng Không quân và công nghệ cảm biến nhằm “chống tiếp cận” của Hoa Kỳ và các nước trong khu vực vào những nơi mà Bắc Kinh rêu rao thuộc “chủ quyền” của họ.

Tên lửa của Trung Quốc hiện được đặt trên các bệ phóng di động và có khả năng tấn công tất cả các tàu chiến, tàu ngầm, căn cứ không quân của đối phương ở cách biên giới Trung Quốc khoảng 2.000 km.

Các máy bay chiến đấu hiện đại như tiêm kích bom JH-7, chiến đấu cơ J-11, máy bay ném bom không người lái, máy bay do thám và hệ thống rada cao tần có thể phát hiện và ngăn chặn sự tiếp cận của Hoa Kỳ từ rất xa.

Chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập của Trung Quốc đã tạo ra lợi thế cho nước này trong cuộc cạnh tranh trên biển, vì Bắc Kinh có thể chi phối các hoạt động trên biển từ trong đất liền để giành ưu thế vượt trội hơn so với các lực lượng viễn chinh của Hoa Kỳ.

Chính sách sai lầm và phản ứng chậm chạp của Washington

Hoa Kỳ có rất nhiều lợi ích quan trọng ở khu vực Thái Bình Dương nhằm duy trì hệ thống kinh tế quốc tế mở, đảm bảo tự do hàng hải và bảo vệ trật tự thế giới dựa trên luật lệ, duy trì hòa bình và lợi ích an ninh cho chính nước Mỹ và các đồng minh của họ.

Thế nhưng dường như Hoa Kỳ đã mắc sai lầm trong việc thực thi chính sách kiềm chế Trung Quốc ở Thái Bình Dương trong nhiều năm qua, khi Washington đã giảm duy trì sự hiện diện quân sự cũng như cam kết bảo vệ an ninh cho các đồng minh và đối tác trong khu vực.

Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 một thành phần nằm trong chiến lược chống tiếp cận của Trung Quốc (Ảnh: CNET)

Đơn cử một dẫn chứng, Philippines – một đồng minh trước đây của Hoa Kỳ đã rất kỳ vọng vào việc Washington sẽ giúp bảo vệ quyền tài phán của họ trong cuộc khủng hoảng Scarborough rơi vào tay Trung Quốc.

Tuy nhiên, khi căng thẳng leo thang vào năm 2012, Hoa Kỳ đã không có bất cứ động thái kiên quyết nào nhằm bảo vệ Philippines, trong khi Washington hoàn toàn có thể điều Hạm đội 7 ở tây Thái Bình Dương đến để răn đe Trung Quốc.

Cuối cùng, với sức mạnh hiện thực và vượt trội so với Philippines, Bắc Kinh đã kiểm soát phi pháp bãi cạn Scarborough.

Điều này đã khiến Philippines mất niềm tin vào đồng minh Hoa Kỳ, để rồi Manila buộc phải thay đổi chính sách, khi đề cao khả năng tự chủ nhằm bảo vệ lợi ích an ninh của họ.

Tương tự, các đồng minh khác của Hoa Kỳ như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia cùng một số đối tác khác trong khu vực cũng đã từng đặt ra những hoài nghi về chính sách bảo vệ đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ.

Đó là chưa kể đến các hoạt động tuần tra của Hoa Kỳ theo đúng luật pháp quốc tế trên Biển Đông và Biển Hoa Đông thời gian gần đây đều bị Trung Quốc cáo buộc về cái gọi là xâm phạm “chủ quyền” của họ và răn đe đáp trả.

Ngoài ra, các ứng phó hiện tại của Hoa Kỳ đối với thách thức quân sự từ Trung Quốc ở Thái Bình Dương là khá chậm chạm, thiếu tính thực tế và sức cạnh tranh.

Bởi vì, một số đề xuất tác chiến lược hiện nay của Hoa Kỳ nhằm gây bất ngờ tối đa, làm tê liệt hệ thống rada và các phương tiện do thám, tuần tra để giảm năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập của Trung Quốc là không khả thi.

Bên cạnh đó, một số đề xuất khác như kiểm soát không phận từ khoảng cách chiến lược, tấn công năng lực phòng không và an ninh mạng, thực hiện chiến lược phong tỏa từ xa… nhằm kiềm chế khả năng tác chiến của Trung Quốc thì lại vượt quá khả năng thực tế của Hoa Kỳ và các đồng minh.

Mặt khác, Kế hoạch Chiến tranh Không – Biển để bảo vệ các tàu chiến, căn cứ quân sự của Hoa Kỳ và đồng minh khỏi mối đe dọa tên lửa của Trung Quốc, tuy có một số hữu ích nhưng lại thiếu tính cạnh tranh trước chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập của Bắc Kinh.

Lý do là bởi, kế hoạch này sẽ tiêu tốn khá nhiều nguồn lực của Hoa Kỳ nhưng không phải để đánh vào các điểm yếu mà lại chủ yếu tập trung phòng thủ trước các điểm mạnh về khả năng tấn công linh hoạt từ các bệ phóng tên lửa di động của Trung Quốc.

Chính những tính toán sai lầm trong chính sách bảo vệ đồng minh cùng phản ứng chậm chạp và thiếu tính cạnh tranh, Hoa Kỳ đã tự tay làm suy yếu ảnh hưởng của chính họ ở Thái Bình Dương, trong khi Trung Quốc không ngừng thể hiện sức mạnh và sự quyết đoán của họ trong khu vực.

Xây dựng năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập là một phần trong học thuyết quân sự của Trung Quốc (Ảnh: CNET)

Washington có thể làm gì để thay đổi?

Nếu Hoa Kỳ muốn cân bằng lại tầm ảnh hưởng và vị trí địa chính trị của họ ở Thái Bình Dương với Trung Quốc, Washington cần phải có một chiến lược hiệu quả cùng những bước đi quyết đoán hơn.

Theo đó, Hoa Kỳ cần phải phối hợp chặt chẽ với Liên Hợp Quốc và các quốc gia liên quan để thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động đấu tranh pháp lý một cách hiệu quả, nhằm chống lại hành động xâm lấn lãnh thổ bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Điều này nếu Hoa Kỳ thực hiện kiên quyết và triệt để, chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh phải cân nhắc lại chiến lược “cường quốc biển” và tiến tới chấp nhận chấm dứt các hành động xâm lấn bất hợp pháp của họ.

Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cần phải tạo dựng lại lòng tin của các đồng minh và đối tác trong khu vực về chính sách bảo vệ của Washington đối với các nước này trước mọi thách thức từ Trung Quốc.

Ngoài ra, Hoa Kỳ cần phải nhanh chóng thiết lập một khuôn khổ chiến lược bao trùm và thực tế về tầm nhìn của một khu vực “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do, mở cửa”.

Trong khuôn khổ này, cần phải khẳng định rõ tầm quan trọng và cách thức hoạt động của liên minh “tứ cực” giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đối với sự ổn định và an ninh trong khu vực.

Có thể nói, cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Hoa Kỳ đang ngày càng suy giảm ảnh hưởng ở Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh đó, Washington cần phải có sự thay đổi chiến lược để ngăn chặn những hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông nhằm tránh những xung đột có thể xảy ra, từ đó cân bằng lại trật tự khu vực có lợi cho tất cả các bên.

RELATED ARTICLES

Tin mới