Theo quy luật thị trường, nếu xe trong nước chưa đảm bảo an toàn, chất lượng thì dẫu đặt rào cản với xe nhập, người tiêu dùng cũng không chọn.
Những ngày qua, hàng loạt hãng xe than khó và công bố dừng xuất khẩu xe vào thị trường Việt Nam từ năm 2018 do vướng quy định ngặt nghèo tại Nghị định 116 được ban hành vào tháng 10/2017.
Nghị định 116 tạo ra những rào cản cho xe nhập khẩu, ngay cả chính hãng. Hai điểm khó khăn nhất là các hãng xe cần có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cơ giới do nước ngoài cung cấp (VTA) và mỗi lô hàng đều phải lấy ra một xe để kiểm định.
Điều kiện giấy VTA khó khả thi bởi lẽ có nhiều nước trên thế giới không cung cấp loại giấy tờ này cho xe xuất khẩu, giống như việc Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ kiểm định cho xe lưu hành trong nước, không có thẩm quyền cấp cho xe xuất khẩu.
Ngoài ra, nếu trước đây một loại xe về nước chỉ phải kiểm định chiếc đầu tiên thì theo quy định mới, mỗi lô xe về cảng đều phải chọn ra một xe để kiểm định dù xe ở mọi lô đều cùng một loại. Việc này khiến chi phí của hãng tăng lên, đồng thời thời gian nhận xe cũng lâu hơn trước khi giao cho khách.
Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, TS Trần Hữu Nhân, Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật ô tô – Máy động lực, Đại học Bách khoa TP.HCM thẳng thắn chỉ ra rằng, đây có thể coi là một biện pháp nhằm bảo hộ cho ô tô lắp ráp trong nước.
Phân tích cụ thể, TS Trần Hữu Nhân cho biết, với Nghị định 116, Việt Nam muốn xe nhập khẩu có chứng từ kỹ thuật rõ ràng. Ông không rõ các tập đoàn ô tô nước ngoài sẽ xử lý với rào cản kỹ thuật của Nghị định 116 như thế nào khi nghị định này yêu cầu mỗi lô xe nhập về đều phải chọn ra một xe để kiểm định dù xe ở mọi lô cùng một loại.
“Về chuyên môn, điều này không phù hợp vì các xe ở cùng một dòng là như nhau, thử nghiệm xe cùng dòng ở tất cả các lô nhập về đâu có khác biệt gì”, ông Nhân băn khoăn.
Về chính sách của Việt Nam, vị chuyên gia nhận xét rằng cơ quan quản lý có cái lý của mình.
“Việt Nam muốn phát triển công nghiệp ô tô là đang muốn bảo hộ. Việt Nam muốn tăng hàm lượng kỹ thuật của xe sản xuất trong nước nên ra quy định này, nếu các hãng xe không muốn nhập ô tô của họ vào Việt Nam nữa thì phải đầu tư vào lắp ráp. Nhưng đầu tư vào lắp ráp thì hãng xe không có lợi nữa vì họ đã đầu tư hết ở các nước khác bên cạnh Việt Nam”, TS Trần Hữu Nhân nói.
Ông cũng khẳng định, thực ra các hãng xe nếu muốn xuất ô tô sang Việt Nam thì họ vẫn có thể làm được. Ở nước ngoài, đối với một số xe dạng sang, hãng xe thậm chí còn thử nghiệm từng chiếc vì nhập một lô không hề nhiều, có một vài chiếc họ vẫn thử nghiệm được. Chi phí đó cuối cùng người tiêu dùng gánh hết. Thế nhưng dường như ở đây các hãng xe đang có sự liên kết với nhau khi lần lượt tuyên bố ngưng xuất ô tô vào Việt Nam.
“Rào cản về mặt kỹ thuật mà Việt Nam xây dựng nên, nếu cách hãng xe chấp nhận thì họ vẫn xử lý được và chi phí do khách hàng trả. Nhưng các hãng xe đã không làm như vậy và đối tượng chịu thiệt nhất là người tiêu dùng Việt Nam. Xe không nhập về khiến nguồn cung khan hiếm, một số mẫu xe ăn khách thiếu hàng, giá tăng mạnh. Người tiêu dùng muốn có xe thì phải chịu mất tiền thêm”, vị chuyên gia cho biết.
Liên tưởng đến chính sách tăng thuế để hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông ở một số tỉnh, thành, TS Nhân cho rằng, biện pháp này không hiệu quả bởi người có tiền và có nhu cầu thì vẫn mua xe dẫu thuế có tăng. Việc nhập khẩu xe cũng vậy, dẫu cơ quan quản lý đặt ra rào cản để hạn chế xe nhập khẩu thì người tiêu dùng khi muốn mua vẫn sẵn sàng trả tiền. Bởi vậy, ông đề nghị hãy để cho quy luật của thị trường quyết định.
“Tôi mong ngày càng có nhiều người dân có thể mua được ô tô vì đó là nhu cầu chính đáng và hết sức bình thường. Hãy tạo ra một sân chơi bình đẳng, cứ để ô tô nhập khẩu và ô tô lắp ráp trong nước cạnh tranh với nhau. Người tiêu dùng đủ thông minh để biết đánh giá thế nào.
Nếu ô tô trong nước đảm bảo về chất lượng, độ an toàn thì người tiêu dùng sẽ mua. Ngược lại, nếu xe trong nước không đảm bảo an toàn, chất lượng thì dẫu có dựng bao nhiêu rào cản với xe nhập khẩu, người tiêu dùng cũng không mua xe trong nước”, TS Trần Hữu Nhân nhấn mạnh.