Hôm 25/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay Mỹ sẽ ở lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu như các nhà đàm phán Mỹ có thể tạo ra một thỏa thuận tốt hơn.
“Tôi sẽ để Mỹ ở lại trong TPP nếu như chúng tôi có thể tạo ra một thỏa thuận tốt hơn so với những gì đã có. Chúng ta đã từng có một thỏa thuận thảm họa”, ông Trump chia sẻ với CNBC tại Diễn đàn kinh tế thế giới đang diễn ra ở Davos, Thụy Sĩ.
Trước đó, trong hai ngày 22 – 23/1, các quan chức thương mại của 11 nước gồm Canada, Australia, Brunei, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã hội đàm tại Tokyo để giải quyết các vấn đề còn vướng mắc.
Kết quả sau khi kết thúc các cuộc đàm phán CPTPP, quan chức 11 quốc gia đã đồng thuận dự kiến chính thức ký kết thỏa thuận vào tháng Ba tới tại Chile.
Reuters đưa tin Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi nhấn mạnh CPTPP hay TPP-11 sẽ là “động lực vượt qua chủ nghĩa bảo hộ” đang nổi lên ở một số nơi trên thế giới.
Ông Motegi hy vọng Nhật Bản có thể cho Mỹ thấy được tầm quan trọng của giải thích tầm quan trọng của CPTPP và có thể thuyết phục Mỹ ở lại.
Kể từ khi Mỹ rút khỏi TPP, Nhật Bản đã thay thế vai trò dẫn dắt thúc đẩy các bên đạt đến thỏa thuận.
Theo Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, CPTPP là biểu tượng cam kết cho một thị trường thương mại tự do và đa phương trong bối cảnh Tổng thống Trump ưu tiên chính sách “Nước Mỹ trên hết”.
Tại Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tại Việt Nam vào tháng 11/2017, TPP đã trở thành TPP-11 và đổi tên thành CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương).