Friday, January 10, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiKhi nhiều mặt hàng nhập khẩu từ TQ thuế 0%

Khi nhiều mặt hàng nhập khẩu từ TQ thuế 0%

Với Nghị định ban hành biểu thuế ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), số dòng thuế giảm từ mức 5%, 10% xuống 0% năm 2018

Bộ Tài chính vừa công bố 10 Nghị định Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam giai đoạn 2018 – 2022/2023 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018.

Đáng chú ý, với Nghị định ban hành biểu thuế ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), số dòng thuế giảm từ mức 5%, 10% xuống 0% năm 2018 gồm các mặt hàng chính như: thịt gà, cà phê, chè nguyên liệu, chế biến thực phẩm, vải may mặc, quần áo, máy móc thiết bị điện và điện tử…

Trước lo ngại, việc cắt giảm thuế suất sẽ ảnh hưởng tới ngân sách, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho biết, việc này có làm giảm nguồn thu nhưng đã nằm trong tính toán.

“Khả năng giảm thu ngân sách từ 10 Nghị định này so với Nghị định ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam năm 2016 là rất ít, gần như không đáng kể”, ông Tuấn Anh khẳng định.

20 tỷ USD vào Việt Nam mà không biết?

Liên quan tới tới kinh tế giao thương giữa Việt Nam – Trung Quốc, trước đó có một thông tin cũng khiến dư luận hết sức ngỡ ngàng. Cụ thể, thông tin từ Vụ Thống kê Thương mại Dịch vụ (Tổng cục Thống kê) cho biết, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Trung Quốc chênh lệch quá lớn. Theo đó, năm 2014, xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn nhập khẩu của Trung Quốc 5 tỷ USD (tương đương 33%). Trong khi nhập khẩu của Việt Nam thấp hơn xuất khẩu từ Trung Quốc 20 tỷ USD (tương đương 46%), trong khi chênh lệch các số liệu trên giữa Việt Nam với các nước đối tác khác không nhiều.

Tính ra, nhập khẩu từ Trung Quốc đã chiếm tới gần 38% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam chứ không chỉ là 30% theo con số công bố của Việt Nam.

Ông Bùi Trinh phân tích: “Số liệu về xuất nhập khẩu giữa 2 quốc gia, bất kỳ là quốc gia nào cũng luôn luôn có sự vênh nhau.

Số liệu xuất nhập khẩu giữa Trung quốc và Hoa Kỳ có những năm chênh lệch còn lớn hơn nhiều nhưng theo xu hướng ngược lại (báo cáo: của Trung Quốc nói thấp, phía Hoa kỳ nói cao hơn nhiều đến 75 tỷ USD).

Ngay cả số liệu GDP của Trung Quốc cũng luôn luôn có 2 con số là GDPe (GDP tính theo phương pháp chi tiêu) và GDPp (GDP tính theo phương pháp sản xuất).

Như vậy nếu coi con số của phía Trung Quốc là hoàn toàn chính xác cũng không hẳn đúng.

Sự chênh lệch này chủ yếu là do số liệu từ Trung Quốc công bố cao hơn của Việt Nam. Cao nhất là 2 năm 2010 (6 tỷ USD) và 2011 (4,7 tỷ USD).

Nhưng năm 2014 chênh lệch giữa báo cáo của Trung Quốc và Việt Nam là một hiện tượng “đột biến” cần được lý giải”.

Còn chuyên gia Phạm Chi Lan đặt vấn đề về thành tích xuất khẩu (tính chung cả năm 2017 xuất siêu 2,7 tỷ USD, theo Tổng cục Thống kê – PV) có thật hay không?

Bởi theo bà, nếu số liệu xuất nhập khẩu chênh lệch giữa Việt Nam và Trung Quốc khoảng 20 tỷ USD được ghi nhận thì không còn là thành tích xuất siêu nữa.

“Tôi rất sợ nhận định là đã xuất siêu rồi, không nên bỏ qua con số chênh lệch nhập siêu từ Trung Quốc mà lấy thành tích”, bà Lan phát biểu.

Hơn nữa, theo bà, cho dù có nhập siêu đi nữa thì nhập khẩu vẫn là để phục vụ gia công,  xuất siêu vẫn nằm trong tay các doanh nghiệp FDI nên đừng nên mừng rỡ quá mà nên đánh giá sòng phẳng hơn theo chiều sâu, không nên chạy theo thành tích “ảo”.

Ngoài ra, bà Lan cũng đề cập tới việc nhiều FTA có thể khiến Việt Nam thành “bia đỡ đạn”, nếu chỉ xuất khẩu hộ, theo tiêu chuẩn của đối tác.

RELATED ARTICLES

Tin mới