“Ngay từ đầu chúng ta đã rơi vào một cái bẫy và giờ thì khó thoát được ra” – GS-TSKH Phạm Phố
Thiệt đơn, thiệt kép
GS-TSKH Phạm Phố – nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cho rằng, dự án Cát Linh – Hà Đông dù liên tục xảy ra sai phạm, chậm tiến độ, đội vốn nhưng Việt Nam vẫn đang phải trả lãi cho khoản vay 250 triệu USD của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China EximBank) là hệ quả của quan điểm “tham rẻ hóa đắt”.
Ông Phố nói rõ, ngân sách Nhà nước đang phải trả nợ thay cho một quyết định vội vàng, không được tính toán kỹ lưỡng.
Theo thông báo của Bộ Tài chính, hàng năm Việt Nam sẽ phải trả cả gốc và lãi là hơn 2,99 triệu USD (tương đương 67,8 tỷ đồng), trong đó lãi vay là hơn 580 nghìn USD (13,16 tỷ đồng). Còn phí cam kết tạm tính đối với phần vốn cho vay lại đã thực hiện rút trong kỳ là 229,5 nghìn USD (5,2 tỷ đồng).
“Về nguyên tắc, khi quyết định vay vốn ký kết thời điểm nào là Việt Nam phải gánh món nợ tính từ thời điểm đó, dù vốn chưa được giải ngân.
Như vậy, khoản vay này được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) từ tháng 5/2017, nhưng cho tới ngày 28/12 hai bên mới thông qua thủ tục giải ngân vốn thì khoản lãi mà Việt Nam phải gánh là bắt đầu từ tháng 5.
Thời gian giải ngân vốn càng bị kéo dài, thời gian trả nợ của Việt Nam càng lâu, quốc gia cho vay càng có lợi. Đây chính là nguyên nhân phía Trung Quốc chậm chạp, muốn kéo dài thời gian giải ngân khoản vốn bổ sung.
Việc này lẽ ra phải được tính toán rất kỹ, tuy nhiên, tôi nghi ngờ “, GS Phạm Phố thẳng thắn.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng Việt Nam chấp nhận vay 250 triệu USD với tỷ lệ lãi suất 4% để làm hạ tầng là mức lãi suất cao. Với mức lãi suất như vậy, Việt Nam đang phải chịu thiệt đơn, thiệt kép chứ không được lợi gì. Nhưng khoản vay đã được ký thì phải chấp nhận.
‘Đâm lao phải theo lao’
Nhìn tổng quát về dự án nói trên, theo GS Phạm Phố, đây là sai lầm. Sai lầm bắt đầu từ khâu lựa chọn nhà thầu thi công dự án là một nhà thầu Trung Quốc chứ không phải là nhà thầu của các quốc gia khác. Sự khác biệt giữa các nhà thầu Trung Quốc với các nhà thầu nước khác là họ luôn có nhiều chiêu trò, trong đó luôn sử dụng chiêu bỏ giá rẻ sau đó tìm mọi cách để đẩy vốn lên.
Vì thế, khi đã ký hợp đồng vay vốn, Việt Nam cũng phải chấp nhận kèm theo nhiều điều khoản ràng buộc khác, có thể là sử dụng nguyên vật liệu với giá cao, sử dụng lao động chân tay… Đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến giá trị công trình bị đội lên, tổng mức đầu tư tăng lên.
Nguyên nhân thứ hai không được loại trừ. Đó là xem xét các vấn đề liên quan tới yếu tố lợi ích nhóm. Có hay không tình trạng không xem xét kỹ, không đánh giá đúng được giá trị của công trình, xuê xoa hoặc chấp nhận nhiều điều kiện có lợi cho nhà thầu dẫn tới tình trạng dự án luôn bị nhà đầu tư lái đi, phải chạy theo, còn trong trường hợp có xảy ra sự cố, sai phạm cũng không xử lý được?
Dự án Cát Linh – Hà Đông, nhà máy Gang thép Thái Nguyên… là bằng chứng điển hình cho những thỏa thuận không chắc chắn, không kín kẽ khiến cho chúng ta rơi vào tình thế “đâm lao phải theo lao”. Một khi dự án đã được thi công, Việt Nam gần như bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhà thầu, và phải đáp ứng các điều kiện, yêu sách của họ, kể cả trong những trường hợp yêu sách đó là bất hợp lý, vì nếu không được đáp ứng họ lại họa bỏ dở dự án, không thi công nữa”, GS Phạm Phố thẳng thắn.
Từ những nguyên nhân trên, vị chuyên gia cho rằng Việt Nam đã phải gánh chịu:
“Thứ nhất, giá thành của công trình không được định giá đúng với giá trị thật, đắt mà chất lượng không cao.
Thứ hai, dự án bị chậm tiến độ, đội vốn dẫn tới hàng loạt những ảnh hưởng tới kinh tế, xã hội, gây thiệt hại vô cùng lớn cho nền kinh tế Việt Nam.
Thứ ba, từ việc sử dụng vốn vay từ Trung Quốc, Việt Nam cũng phải chấp nhận sử dụng nhiều thiết bị kỹ thuật do nước này cung cấp. Đây vừa là mối lo về môi trường, đồng thời cũng là chiêu bài làm lợi cho Trung Quốc.
Ngay từ đầu chúng ta đã tự rơi vào một cái bẫy và khi rơi vào bẫy rồi thì rất khó thoát được ra”, vị GS nói.
GS.TSKH Phạm Phố nhấn mạnh, khi ký kết các hợp đồng với nhà đầu tư nước ngoài, những người có thẩm quyền, trách nhiệm phải rất tỉnh táo, xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng những điều khoản có lợi hoặc bất lợi để tránh gây thiệt hại cho ngân sách.
“Dù là công trình nào nếu bị đội vốn, chậm tiến độ thì ngân sách Nhà nước cũng phải gánh chịu thiệt hại.
Đặc biệt, với những món vay không đem lại hiệu quả, lại có nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn nó sẽ tác động rất nghiêm trọng tới nợ công của quốc gia.
Do đó, việc vay vốn cần phải trú trọng vào hiệu quả và cơ cấu sử dụng đồng vốn vay chứ không chỉ quan tâm tới việc dòng vốn rẻ hay đắt, vay được nhiều hay ít.
Bên cạnh đó, vấn đề xử lý trách nhiệm cũng cần được xử lý triệt để, nghiêm minh, không để tình trạng việc đã rồi, không ai chịu trách nhiệm”, vị GS nói.