Friday, January 10, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiThu nhập trung bình: cái bẫy để người Việt không được việc...

Thu nhập trung bình: cái bẫy để người Việt không được việc lương cao

Nhiều lo ngại trong chất lượng, năng suất lao động của Việt Nam. Chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo nguy cơ Việt Nam mắc bẫy thu nhập trung bình.

Lương 10.000 USD/tháng khó tuyển người Việt

Thống kê mới công bố của Navigos Search, công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao thuộc tập đoàn Navigos Group cho thấy, nhu cầu tuyển dụng nhân sự các cấp này từ các doanh nghiệp trong năm 2017 tăng 28% so với năm 2016 và năm 2018 sẽ tiếp tục tăng.

Bà Nguyễn Phương Mai – Giám đốc điều hành của Navigos Search cho biết: “Trong mảng công nghệ thông tin, nhân sự cấp quản lý có trên 5 năm kinh nghiệm được trả mức lương tối đa hơn 1.800 USD/tháng; mức lương tối đa của vị trí tuyển dụng giám đốc và các cấp quản lý cao hơn (có trên 10 năm kinh nghiệm) khoảng 3.000 USD/tháng. Tuy nhiên, nguồn tuyển khá khan hiếm, ít người có thể đáp ứng được cả về mặt kinh nghiệm lẫn kiến thức chuyên môn trong ngành nên mức lương của đối tượng nhân sự này thường được đẩy lên tới mức 5.000 – 6.000 USD/tháng”.

Thông tin gây chú ý hơn là các vị trí giám đốc công nghệ, giám đốc điều hành còn được “săn” với mức lương trên 10.000 USD/tháng, nhưng ứng viên người Việt hầu như không có. Trong quý 4 của năm 2017, vị trí quản lý cấp cao của một ngân hàng cũng được trả mức lương gần 300 triệu đồng/tháng. Các lĩnh vực từ sản xuất, hàng tiêu dùng – bán lẻ và dịch vụ cũng được nhận mức lương từ 100 triệu đến 190 triệu đồng/tháng.

Đây là điều không mới. Theo báo cáo về ngành công nghệ thông tin (CNTT) của VietnamWorks, trong 3 năm gần đây, số lượng công việc của ngành này đã tăng trung bình 47%/năm, nhưng số lượng nhân sự ngành này chỉ tăng ở mức 8%. Theo ước tính của VietnamWorks, nếu tiếp tục tăng trưởng nhân lực ở mức 8%, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 78.000 nhân lực CNTT mỗi năm và đến năm 2020 Việt Nam cần 1,2 triệu nhân lực CNTT, lúc đó sẽ thiếu hơn 500.000 người, chiếm hơn 78% tổng số nhân lực CNTT thị trường cần.

Rõ ràng, “cơn khát” nhân lực CNTT của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng cấp thiết. Và có thực tế là đào tạo nhân lực CNTT của Việt Nam tuy nhiều, nhưng chất lượng không cao, không đồng đều.

Thực trạng này cũng từng được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam EuroCham  ghi nhận từ năm 2013 cho tới nay. Tại thời điểm đó, vị đại diện EuroCham thẳng thắn, trong khối ASEAN, Việt Nam nằm ở nửa cuối của bảng xếp hạng đánh giá về phát triển nguồn nhân lực. Những khuyến nghị về cách thức đào tạo nguồn nhân lực của tổ chức này có vẻ như chưa được chúng ta thực hiện rốt ráo và có hiệu quả.

Năng suất lao động kém Lào

Cũng từ năm 2013, năng suất lao động của Việt Nam đã bị ghi nhận là kém người láng giềng Lào. Báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội năm 2017 nêu rõ, tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và bằng 87,4% năng suất lao động của Lào.

Điều đáng lo ngại hơn, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua tuy có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN, nhưng năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực. Chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng. Còn nhớ, năm 2015, chính cơ quan này đã thừa nhận, phải 20 năm nữa Việt Nam mới bắt kịp năng suất lao động của Philippines và 50 năm nữa mới bắt kịp Thái Lan.

Nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam thấp và còn khoảng cách xa so với các nước trong khu vực ASEAN được nhận diện do bốn lý do chính:

Thứ nhất, cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch, lao động trong khu vực nông nghiệp còn lớn, trong khi năng suất lao động ngành nông nghiệp thấp.

Thứ hai, chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động còn thấp. Cụ thể, đến cuối năm 2016, chỉ có 20,6% lao động cả nước đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, trong đó khu vực nông thôn chỉ có 12,8%. Cơ cấu lao động theo trình độ đào tạo còn bất hợp lý, thiếu hụt nhân lực là kỹ sư thực hành, công nhân kỹ thuật bậc cao.

Thứ ba, khu vực doanh nghiệp chưa thực sự là động lực quyết định tăng trưởng năng suất lao động của nền kinh tế. Qua tính toán từ kết quả điều tra doanh nghiệp cho thấy, năm 2014 năng suất lao động khu vực doanh nghiệp (giá hiện hành) gấp 3,8 lần mức của toàn nền kinh tế, nhưng tốc độ tăng lại thấp hơn.

Thứ tư, doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia sâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp nội địa hầu như chưa kết nối được vào chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty/tập đoàn xuyên quốc gia lớn, nên chưa tận dụng được tính lan toả của tri thức, công nghệ và năng suất lao động từ các công ty/tập đoàn xuyên quốc gia vào doanh nghiệp trong nước.

Bẫy thu nhập trung bình hiển hiện

Bẫy thu nhập trung bình là trạng thái một nền kinh tế đã vượt qua mốc thu nhập thấp (dưới 1.025 USD/người) để trở thành nước có thu nhập trung bình (1.025 – 12.475 USD/người), nhưng bị mắc kẹt ở mức thu nhập này, không thể tiếp tục vươn lên thành nước có thu nhập cao (trên 12.475 USD/người).

Sự “mắc kẹt” này có các yếu tố như: không còn lợi thế về giá nhân công rẻ như những nước có thu nhập thấp; cũng không có ưu thế về cơ sở hạ tầng, về nguồn nhân lực trình độ cao và kỹ thuật – công nghệ hiện đại như những nước có thu nhập cao.

Trên thực tế, bẫy thu nhập trung bình là một đề tài khá nổi cộm đối với nhiều quốc gia thuộc APEC. Trong số 21 nền kinh tế thành viên, hiện có 9 nước được xếp hạng mức thu nhập trung bình; 5 nước có mức thu nhập cao (Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Mexico và Peru) và 4 nước ở mức thu nhập trung bình thấp (Indonesia, Philippines, Việt Nam và Papua New Guinea).

Việc chuyển từ một nước nghèo sang một nước có thu nhập trung bình là một quá trình kéo dài rất nhiều năm. Tuy nhiên, nếu quá trình phát triển bền vững tiếp tục thì từ mức thu nhập trung bình cao tiến lên mức thu nhập cao chỉ cần một khoảng thời gian ngắn. Mặc dù là khoảng thời gian ngắn, song quá trình đó rất khó khăn và cái khó nhất phải vượt qua chính là bẫy thu nhập trung bình.

Những nước sập bẫy thường có tỷ lệ đầu tư thấp, ngành sản xuất và chế tạo kém phát triển, các ngành công nghiệp kém đa dạng và thị trường lao động ảm đạm. Điều mà các nhà hoạch định chính sách trăn trở là đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo.

GS Trần Văn Thọ, Đại học Waseda (Tokyo), thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng Việt Nam phải tăng năng suất để tránh bẫy thu nhập trung bình. 60 năm trước Nhật Bản giống Việt Nam, cả về cơ chế nguồn nhân lực, cơ cấu GDP, xuất khẩu rất tương đồng. Nhưng trong 20 năm, Nhật Bản đã thay đổi toàn diện thành nước công nghiệp hiện đại.

“Khoảng cách công nghệ Việt Nam với thế giới còn rất xa. Đơn giản nhất là nhập khẩu công nghệ, ứng dụng vào Việt Nam. Làm cái này rất dễ. Đó là điểm tôi muốn nhấn mạnh thêm”, ông Thọ nói và cho rằng, du nhập công nghệ cùng với cải cách thể chế là hai yếu tố quan trọng làm tăng năng suất các nhân tố tổng hợp TFP. Trong đó cải cách thể chế là trước nhất.

Ông Trần Văn Thọ nhấn mạnh, công nghiệp hóa là mũi đột phá năng suất. Đối với một nước còn ở mức thu nhập trung bình, nhất là trung bình thấp như Việt Nam, công nghiệp là khu vực năng động nhất, năng suất cao nhất, dư địa cách tân công nghiệp lớn nhất. Việt Nam cần đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại sẽ thu hút lao động dư thừa trong nông nghiệp, sẽ “phá hoại một cách sáng tạo” khu vực kinh tế cá thể làm cho năng suất lao động tăng nhanh.

“Công nghiệp hóa không tiến triển, lao động sẽ chuyển sang các ngành dịch vụ giá trị thấp”, ông Thọ cảnh báo.

RELATED ARTICLES

Tin mới