Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChiến lược tranh phần Bắc cực của TQ

Chiến lược tranh phần Bắc cực của TQ

Dù không thuộc nhóm các quốc gia cận cực nhưng Trung Quốc ngày càng muốn khẳng định sự hiện diện tại Bắc cực.

Trong Sách trắng về chính sách Bắc cực công bố hồi tuần rồi, Trung Quốc kêu gọi doanh nghiệp nước này tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, tiến hành những cuộc thám hiểm và phát triển tuyến hàng hải nhằm hình thành “Con đường tơ lụa Bắc cực”. Theo giới quan sát, văn kiện nói trên là điểm mốc mới trong chiến lược của Trung Quốc giành chỗ đứng tại khu vực có tiềm năng khổng lồ này, vốn đã bắt đầu từ khoảng năm 2012.
Nhằm vào tài nguyên
 Các nhà hoạch định chiến lược Trung Quốc từng đánh giá Bắc cực có thể cung cấp nguồn năng lượng thay thế dồi dào cũng như giúp tàu nước này giảm phụ thuộc vào những tuyến hàng hải hiện hữu khi chở hàng sang châu Ấu. Theo tờ China Daily, Trung Quốc đã tham gia dự án Yamal do Nga khởi xướng, dự kiến mang lại cho Bắc Kinh 4 triệu tấn khí đốt hóa lỏng mỗi năm. Bên cạnh đó, hồi năm 2013, tàu Vĩnh Thành của Trung Quốc trở thành tàu hàng đầu tiên đi tắt sang châu Âu qua ngả Bắc cực thay cho tuyến đường truyền thống qua kênh đào Suez, và kết quả cho thấy rút ngắn được thời gian di chuyển đến khoảng 2 tuần.
Sách trắng của Trung Quốc nhấn mạnh nước này sẽ tuân thủ luật quốc tế và tham gia vấn đề Bắc cực “hợp pháp và có chừng mực”. Thứ trưởng Ngoại giao Khổng Huyễn Hựu cũng tuyên bố: “Mọi người không nên nghi ngờ về ý định của chúng tôi hay lo lắng chuyện cướp đoạt tài nguyên và phá hoại môi trường”.
Dù vậy, giới quan sát vẫn tỏ ra quan ngại. Ông Malte Humpert, Giám đốc Viện Nghiên cứu Bắc cực (trụ sở tại Washington D.C, Mỹ), mô tả khu vực này là “điểm trắng cuối cùng trên bản đồ thế giới”. “Về mặt địa chính trị, đây là nơi đầy cơ hội, tài nguyên dồi dào, chưa có nhiều cơ chế quản lý và sự hiện diện quân sự còn mỏng, nên Trung Quốc sẽ tận dụng tối đa”, ông Humpert nói. Chuyên gia này cũng lưu ý Sách trắng nhấn mạnh Trung Quốc sẽ bắt đầu xúc tiến đánh bắt do “Bắc cực có tiềm năng trở thành ngư trường mới đầy tiềm năng cho tương lai”. Trong những năm gần đây, ngư dân Trung Quốc di chuyển ngày càng xa bờ để tìm kiếm ngư trường mới và gây ra lo ngại lớn vì thường xuyên xâm phạm vùng biển nước khác, vơ vét hải sản quý hiếm hoặc đánh bắt bằng những phương pháp bị cấm, theo chuyên san The Diplomat.
Bên cạnh đó, sự hiện diện của Trung Quốc bị cho là có thể khiến tình hình Bắc cực thêm phức tạp. Trong vài năm qua, khu vực này đang ngày càng “nóng” lên bởi chuyển động quân sự của những nước lớn như Nga và Mỹ. Sách trắng mới công bố khẳng định Trung Quốc cam kết “duy trì hòa bình và ổn định” ở Bắc cực nhưng luật An ninh quốc gia năm 2015 của nước này cũng có điều khoản về “bảo vệ hoạt động, tài sản ở nước ngoài, không gian, trên biển và vùng địa cực”. Cuối tháng 8.2015, Trung Quốc đã lần đầu tiên đưa 5 tàu chiến vào vùng biển Bering ngoài khơi bờ biển Alaska. “Hiện diện quân sự có khả năng sẽ gia tăng do Trung Quốc không ngừng tăng cường năng lực hải quân và củng cố lợi ích tại khu vực”, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI, Thụy Điển).
 Ngoài ra, trước khi đến Mỹ hồi tháng 4.2017, Chủ tịch Tập Cận Bình đã dừng chân tại Phần Lan, tranh thủ vận động sự ủng hộ cho việc Trung Quốc tăng cường hiện diện ở Bắc cực. “Hai quốc gia sẽ nắm bắt cơ hội Phần Lan giữ chức chủ tịch luân phiên Hội đồng Bắc cực để tăng cường hợp tác”, ông Tập nói sau khi gặp tổng thống nước chủ nhà Sauli Niinisto. Trên đường trở về Bắc Kinh, Chủ tịch Tập bất ngờ ghé bang Alaska (Mỹ) để gặp Thống đốc Bill Walker. Theo Newsweek, ông Walker được cho là đã hứa hẹn bang này sẵn sàng cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng “kéo dài cả thế hệ” cho Trung Quốc.
Các nhà khoa học ước tính Bắc cực chiếm 25% nguồn tài nguyên “chưa được phát hiện” toàn cầu. Báo cáo từ Viện Nghiên cứu địa chất Mỹ (USGS) cũng cho thấy 13% trữ lượng dầu mỏ và 30% trữ lượng khí đốt chưa được thăm dò trên thế giới đang “ngủ yên” dưới các lớp băng. Đó là chưa tính đến các mỏ uranium, đất hiếm, vàng, sắt, bạc… Băng tan nhanh cũng sẽ mở ra những tuyến giao thông hàng hải mới quanh Bắc cực vào mùa hè, có thể giúp rút ngắn được 6.000 – 8.000 km cho hải trình giữa châu Âu và châu Á.
Những cơ hội khổng lồ về tài nguyên và địa chiến lược đang dần “rã đông” tại Bắc cực khiến cuộc đua giành chủ quyền âm ỉ lâu nay ngày càng nóng bỏng. Hiện tại, các bên tham gia tranh chấp trực tiếp gồm 8 nước Mỹ, Canada, Nga, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Iceland và Phần Lan. Ngoài ra, còn có những nước không thuộc nhóm cận cực nhưng ngày càng muốn khẳng định sự hiện diện tại khu vực, chẳng hạn những quan sát viên thường trực trong Hội đồng Bắc cực (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Ý và Ấn Độ).

 

RELATED ARTICLES

Tin mới