Bản tin Biển Đông ngày 01/02/2018.
Học giả Trung Quốc tỏ ra khó chịu với việc Ấn Độ bổ nhiệm Bộ trưởng Ngoại giao mới
Tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin, ngày 31/01, tại một buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Bắc Kinh, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Bộ Ngoại giao nước này chúc mừng ông Vijay Keshav Gokhale về việc trở thành Bộ trưởng Ngoại giao mới của Ấn Độ, khẳng định Trung Quốc mong muốn hợp tác với phía Ấn Độ về việc thúc đẩy lòng tin chính trị, hợp tác cùng có lợi, kiểm soát bất đồng và thúc đẩy quan hệ Trung – Ấn theo “Năm nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình”. Ông Hu Zhiyong, một nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Quan hệ quốc tế thuộc Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải một mặt cũng tỏ sự hoan nghênh đối với việc Ấn Độ có Bộ trưởng Ngoại giao mới song mặt khác lại nhanh chóng hồ nghi rằng Gokhale có thể sẽ có cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc. Ông có nhận định khá bi quan rằng “Ông Gokhale sẽ thực thi chính sách “Hướng Đông” của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi để kiềm chế Trung Quốc bằng cách tăng cường quan hệ chặt chẽ hơn với các nước ASEAN và nâng tầm ảnh hưởng của Ấn Độ ở Đông Nam Á”, “Ấn Độ cũng đã tích cực hưởng ứng các chính sách của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc bằng cách can dự vào vấn đề Biển Đông”. Đồng thời, ông cũng chỉ trích chính quyền ông Modi đã làm phức tạp vấn đề biên giới Trung – Ấn từ sau vụ tranh chấp ở Doklam.
Máy bay C-90 của Hải quân Philippines thực hiện nhiệm vụ đầu tiên trên Biển Đông
Trang Update của Philippines đưa tin, theo các quan chức Philippines cho biết, ngày 31/01, Tư lệnh Bắc Luzon thuộc Hải quân Philippines đã triển khai máy bay tuần tra Beechcraft King Air loại C-90 của Nhật Bản tới khu vực bãi cạn Scarborough trên Biển Đông. Philippines cho biết hoạt động này “không gặp phải sự phản đối hay cản trở nào từ phía Trung Quốc”, đồng thời khẳng định hiện tại khu vực đang có 9 tàu của Trung Quốc, bao gồm tàu cảnh sát biển và bốn tàu đánh cá của Philippines. Tư lệnh Bắc Luzon cho hay “Philippines sẽ huy động mọi nguồn lực có thể để bảo vệ lãnh thổ quốc gia và khẳng định quyền chủ quyền đối với lãnh thổ trên biển của Philipppines”. Update cho biết, máy bay này là một trong năm máy bay được Nhật Bản hỗ trợ nhằm giúp Philippines nâng cao năng lực kiểm soát và bảo vệ lãnh thổ của mình, hai trong số các máy bay này đã được chuyển tới Philippines vào tháng 3/2017 và số còn lại dự kiến sẽ được chuyển giao cho Philippines trong năm 2018.
Hoạt động thăm dò ở Benham Rise: nhìn từ quan điểm của cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan
Ngày 01/02, tờ The Philippine Star đăng bài viết “Hoạt động thăm dò của Trung Quốc ở Benham Rise: Tin tưởng nhưng vẫn phải xác minh” của Richard Javad Heydarian, Nghiên cứu viên không thường trú tại Viện Nghiên cứu Stratbase Albert del Rosario, Philippines. Cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã từng có câu nói “Tin tưởng, nhưng vẫn phải xác minh” thể hiện quan điểm của ông trong đàm phán với người đồng nhiệm Nga Mikhail Gorbachev, theo đó ông cho rằng hoàn toàn có thể tin vào hợp tác và các biện pháp xây dựng lòng tin với các nước đối thủ quyết đoán nhưng phải dựa trên năng lực và tư duy sáng suốt.
Tác giả nhận định, “Philippines cũng đang phải đối diện với tình thế tiến thoái lưỡng nan tương tự với Trung Quốc ở Biển Đông nói chung và khu vực Benham Rise nói riêng”. Ông cho biết, trong nhiều năm, đề xuất triển khai nghiên cứu cuả Trung Quốc tại Benham Rise đã nhiều lần bị Chính phủ Philippines từ chối do lo ngại trước tham vọng độc chiếm ở cả Biển Đông và Biển Hoa Đông và thậm chí cả Thái Bình Dương, theo cái gọi là “Chiến lược các Chuỗi đảo”, và xa hơn là âm mưu thật sự đằng sau sự hiện diện của nước này ở khu vực trong những năm gần đây. Tuy nhiên, ông cho rằng “về nguyên tắc, không có gì sai với việc cho phép các quốc gia khác tiến hành Nghiên cứu Khoa học biển (MSR) tại Benham Rise miễn là các nước này đáp ứng các điều kiện mà Philippines đặt ra, Philippines cũng cần hợp tác thực chất với các nước láng giềng để thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin cũng như các quốc gia phát triển khác”, miễn là phải duy trì được một tư duy sáng suốt, tỉnh táo. Nguyên nhân là bởi, dù năm nay Trung Quốc cũng đã chấp nhận các điều kiện của Philippines song tác giả cho rằng Chính phủ Philippines cần phải xác minh một số vấn đề, chẳng hạn như mục đích sau cùng của Trung Quốc là gì, vì rất có thể hoạt động nghiên cứu là nhằm che đậy các mục tiêu an ninh, cụ thể là theo dõi các khí tài quân sự của Mỹ ở Biển Đông thông qua việc lắp đặt các thiết bị do thám.