Wednesday, November 27, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTên lửa TQ đánh bại hệ thống phòng vệ trên Su-25 của...

Tên lửa TQ đánh bại hệ thống phòng vệ trên Su-25 của Nga?

Theo nhận định ban đầu, vũ khí bắn rơi chiếc cường kích Su-25 trên đất Syria có thể là tên lửa đất đối không vác vai (MANPADS).

Hiện tại chủng loại Su-25 bị bắn hạ chưa được công bố rõ ràng, tuy nhiên từ cuối năm 2016 Nga đã điều động phiên bản Su-25SM3 tối tân nhất sang Syria để thay thế những chiếc Su-25 thuộc biến thể cũ hơn, do vậy có khả năng cao là chiếc phi cơ vừa rơi chính là một chiếc Su-25SM3.

Có một chi tiết cần lưu ý đó là Su-25SM3 hoạt động tại Syria được tích hợp hệ thống phòng vệ Vitebsk-2 với tính năng kỹ chiến thuật rất ưu việt.

Theo ông Igor Nasenkov – Phó Tổng giám đốc thứ nhất của Tập đoàn Công nghệ vô tuyến điện tử KRET thì thành phần cơ bản của Vitebsk là trạm nhiễu chủ động kỹ thuật số TsSAP có mã hiệu L-370-3S, trạm này có tốc độ cao hơn loại analog ở các tổ hợp khác như Sorbtsiya của Su-27 hay Gerdeniya lắp trên MiG-29.

Vitebsk không chỉ đánh giá phát xạ của radar đối phương, mà đồng thời “chế áp” tín hiệu trong dải tần rộng hơn. Ngoài TsSAP, tổ hợp còn có hệ thống bảo vệ chống tên lửa lắp đầu tự dẫn tìm nhiệt (TGSN), hệ thống này dùng đèn pha laser làm mù tên lửa địch.

Chuyên gia quân sự Nga, ông Anton Lavrov từng nhận xét rằng: “Công nghệ phòng không không giậm chân tại chỗ, nó trở nên tinh vi. Tần số, phương pháp mã hoá tín hiệu đã thay đổi, và cơ sở cho mọi thứ ở khắp nơi là công nghệ kỹ thuật số. Vì thế tổ hợp tác chiến điện tử cho không quân này hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu hiện đại”.

Nhờ tổ hợp Vitebsk-2, máy bay chiến đấu Nga sẽ được bảo vệ an toàn trước nhiều loại vũ khí tấn công thường gặp từ tên lửa vác vai như Stinger của Mỹ cho đến loại Igla hay Verba do Nga sản xuất.

Tuy nhiên trong sự việc vừa diễn ra, chiếc Su-25 bị bắn rơi một cách khá dễ dàng bởi MANPADS, trong khi theo lý thuyết thì hệ thống Vitebsk-2 sẽ không để điều đó xảy ra, do vậy rất có thể vũ khí mà phiến quân sử dụng không phải loại “thông dụng” như đã nêu ở trên.

Mọi nghi ngờ lúc này đang đổ dồn vào tên lửa vác vai FN-6 do Tổng Công ty Xuất – Nhập khẩu máy móc chính xác Trung Quốc (CNPMIEC) thiết kế và chế tạo, hiện có rất nhiều trong trang bị của các nhóm vũ trang đối lập ở Syria, vũ khí này trước đó cũng đã bắn hạ khá nhiều máy bay của quân đội chính phủ Syria – SAA.

FN-6 được xếp vào dạng tổ hợp tên lửa vác vai thế hệ 3, trang bị đầu tự dẫn hồng ngoại kỹ thuật số rất hiện đại, có thể vượt qua các biện pháp gây nhiễu bằng pháo sáng, phân biệt được nguồn nhiệt (ánh sáng mặt trời, lửa). Ngoài ra FN-6 có thể bổ sung các khí tài trinh sát đêm và hệ thống nhận diện địch – ta khi cần.

Tổ hợp FN-6 có trọng lượng chiến đấu 16 kg, đạn tên lửa trong ống phóng dài 1,49 m, đường kính thân 72 cm, sử dụng động cơ rocket nhiên liệu rắn cho tầm bắn 500 m – 6 km, độ cao hoạt động từ 15 m đến 3,5 km; có thể tấn công mục tiêu ở mọi phương hướng đang cơ động ở mức 4G với xác suất chính xác 70% cho một phát bắn.

Nếu thực sự tên lửa FN-6 đã vượt qua cả Vitebsk-2 thì rõ ràng đây là một vũ khí cực kỳ lợi hại, không thể bị xem nhẹ và Nga sẽ phải sớm hoàn thiện thêm tính năng cho các tổ hợp phòng vệ của mình để tránh lặp lại thảm kịch trong tương lai.

RELATED ARTICLES

Tin mới