Thursday, January 16, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTriều Tiên thắng đậm trong canh bạc "đi với Hàn để nhằm...

Triều Tiên thắng đậm trong canh bạc “đi với Hàn để nhằm vào Mỹ”?

Phía thua là Mỹ và bên thắng là hai nước trên bán đảo Triều Tiên.

Chủ tịch đoàn chủ tịch hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên Kim Yong Nam. Ảnh: Reuters

Kẻ thắng, người thua đã định

Mấy ngày nữa, Thế vận hội mùa đông năm nay sẽ được khai mạc tại PyeongChang, Hàn Quốc. Trong thời gian 16 ngày, vận động viên của các nước trên thế giới sẽ trổ tài thi đấu giành vương miện danh giá của Thế vận hội. Nhưng Thế vận hội chưa khởi đấu thì đã có kẻ thắng người thua được xác định, không phải về thể thao mà về chính trị khu vực và chính trị thế giới.

Phía thua là Mỹ và bên thắng là hai nước trên bán đảo Triều Tiên.

Canh bạc “Đi với Hàn để nhằm vào Mỹ” của Triều Tiên xem ra đang diễn tiến theo dự tính của nước này. Nếu không được như vậy, chắc chắn phía Triều Tiên đã không cử hẳn cả một phái bộ chính thức do chủ tịch đoàn chủ tịch hội nghị nhân dân tối cao Kim Yong Nam, trên danh nghĩa chính thức là người đứng đầu nhà nước, sang Hàn Quốc vào dịp này.

Một dàn nhạc lớn, một ban nhạc nữ, một đoàn cổ động viên và đương nhiên có vận động viên tham gia thi đấu, trong đó đặc biệt là ở môn khúc côn cầu lại có đội tuyển nữ chung giữa hai nước, lá cờ chung với hình ảnh bán đảo Triều Tiên màu xanh trên nền trắng mà không thiếu hòn đảo bị Nhật Bản tranh chấp chủ quyền và giờ có thêm cả phái bộ chính thức của nhà nước Triều Tiên nữa – Tất cả những điều này làm lu mờ cả Thế vận hội mùa đông năm nay.

Kết quả thi đấu thể thao của đoàn Hàn Quốc và Triều Tiên không còn được để ý đến bằng việc hai nước này đã đi vào hoà dịu với nhau nhanh chóng đến mức gây bất ngờ.

Từ thế kỷ thứ 9 trước Công nguyên, trong thời gian diễn ra Thế vận hội chiến tranh và thể thao thường không tách bạch hoàn toàn với chính trị.

Năm nay ở Hàn Quốc, trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa đông thì ít nhất cũng sẽ được như vậy, không xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, cho dù không thể chắc chắn là cũng được như vậy ở một số nơi khác, nhưng chính trị và thể thao lại hoà quyện vào nhau.

Những động thái mới này trên bán đảo Triều Tiên cho thấy tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã thành công với chủ trương nối lại tiếp xúc và đối thoại trực tiếp giữa hai miền trên bán đảo và gây dựng kênh đàm phán này thành một trong những tác nhân quyết định đối với giải pháp chính trị cho vấn đề Triều Tiên.

Thành công này có lâu bền hay không lại là chuyện khác, nhưng trước mắt là như vậy.

Bước đi bất ngờ

Ông Moon Jae-in đã nhanh chóng chấp nhận lời mời chào đối thoại mà phía Triều Tiên đưa ra dịp đầu năm mới để làm cho mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên trở nên nổi bật hơn, trọng tâm hơn và quyết định hơn cả mối quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ, cũng như để buộc Mỹ phải lưu ý thoả đáng hơn tới Hàn Quốc trong mọi quyết sách đối phó Triều Tiên.

Triều Tiên đã thành công trên hai phương diện với bước đi bất ngờ này.

Thứ nhất là phân hoá Hàn Quốc với Mỹ khi khoét sâu hơn vào sự khác biệt quan điểm giữa Hàn Quốc và Mỹ trong cách tiếp cận giải pháp cho vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Triều Tiên dùng đối thoại với Hàn Quốc để kiềm chế tính phiêu lưu trong chủ định của Mỹ đối với Triều Tiên, cụ thể là dùng hoà dịu với Hàn Quốc để Mỹ không thể tấn công quân sự Triều Tiên.

Thứ hai, Triều Tiên đẩy Mỹ vào tình thế khó xử khi vừa không thể ngăn trở Hàn Quốc đi vào hoà dịu với Triều Tiên, vừa lo ngại Triều Tiên tận dụng thời kỳ hoà dịu này để tiếp tục phát triển chương trình tên lửa và hạt nhân. Chỉ riêng việc hai nước trên bán đảo Triều Tiên thành đồng đội trong thi đấu ở Thế vận hội mùa đông này thôi đã đủ gây tổn hại tới ý đồ chiến lược của Mỹ.

Bây giờ, chuyến đi của ông Kim Yong Nam đã biến chuyện thể thao trở thành sự kiện chính trị quan trọng trong quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc nên mức độ tác động tai hại còn tăng lên gấp bội đối với Mỹ. Triều Tiên làm động tác này nhằm vừa tỏ ra coi trọng Hàn Quốc và khẳng định quyết tâm cũng như thành ý hoà dịu với Hàn Quốc, vừa hàm ý không quan tâm đến Mỹ mà phía Mỹ phải hiểu theo hướng bị bất chấp và thách thức.

Cho nên không phải tình cờ về thời điểm mà ông Trump tỏ ra rất găng với Triều Tiên, thể hiện trong thông điệp liên bang, trong Chiến lược hạt nhân mới và ở việc rút lại đề cử nhân sự cho cương vị đại sứ Mỹ ở Hàn Quốc.

Thực chất, mối quan hệ giữa hai nước trên bán đảo Triều Tiên đóng vai trò rất quan trọng đối với việc giải quyết mọi vấn đề hiện đang đặt ra ở đây, nhưng quyết định hơn cả vẫn là chuyện giữa Mỹ và Triều Tiên. Cho nên mới nói là hiện Triều Tiên đi với Hàn nhưng nhằm vào Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới