Với việc Triều Tiên thử bom nhiệt hạch, Mỹ vừa thu được tiền từ bán vũ khí, vừa có cớ triển khai lực lượng sát biên giới Trung Quốc.
Vụ thử hạt nhân lần thứ 6 do Triều Tiên tiến hành vào ngày 3/9 đã gây quan ngại sâu sắc đối với cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, mối đe dọa từ Bình Nhưỡng trên thực tế có vẻ đang làm lợi cho chiến lược tăng cường hiện diện và thế bố trí lực lượng của Mỹ tại khu vực Đông Bắc Á.
Sự lo sợ của công chúng Hàn Quốc và Nhật Bản đã lên đến cực điểm trong những ngày gần đây sau khi Triều Tiên tiến hành thử nghiệm và công bố làm chủ được công nghệ sản xuất bom nhiệt hạch gắn lên đầu đạn tên lửa. Nếu khả năng này là sự thực, Triều Tiên có thể san phẳng Seoul và Tokyo chỉ trong ít phút.
Leo thang đe dọa của Triều Tiên diễn ra với tần suất và mức độ ngày càng lớn đã tạo ra thách thức thực sự đối với Mỹ và hai nước đồng minh của họ ở Đông Bắc Á. Điều này đã buộc liên minh quân sự Mỹ – Nhật – Hàn phải tăng cường hợp tác và triển khai các biện pháp đối phó với mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.
Ngay sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc đã điện đàm với người đồng cấp Mỹ để bàn về các biện pháp tăng cường sức mạnh cho quân đội Hàn Quốc.
Thông báo về kết quả cuộc điện đàm, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang-gyun cho biết: “Trong bối cảnh mối đe dọa từ Triều Tiên ngày càng căng thẳng, lãnh đạo của cả Hàn Quốc và Mỹ đã nhất trí tăng trọng lượng đầu đạn tên lửa của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng thay đổi này sẽ giúp đối phó tốt hơn với những thách thức của Triều Tiên và chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Mỹ trên các vấn đề cụ thể”.
Tổng thống Hàn Quốc đã quyết định chi hàng tỷ USD để mua vũ khí, trang thiết bị quân sự của Mỹ, đồng thời thúc giục Mỹ triển khai thêm các hệ thống phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ của mình để ngăn chặn khả năng bị tấn công từ phía Bắc. Điều này trái ngược hoàn toàn với quan điểm của Tổng thống Hàn Quốc trong thời gian đầu lên nắm quyền khi ông có chủ trương hòa hoãn với Bình Nhưỡng và yêu cầu điều tra tính hợp pháp của việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD do Mỹ mới lắp đặt.
Trong khi đó, mặc dù Nhật Bản đã được Mỹ đảm bảo bằng “chiếc ô hạt nhân” với hiệp ước đồng minh giữa hai nước cam kết Mỹ sẽ trả đũa hạt nhân nếu Nhật Bản bị tấn công, nhưng mối đe dọa to lớn từ Bình Nhưỡng vẫn khiến Tokyo không thể ngồi yên.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết: “Chúng tôi sẽ triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis ngoài khơi và PAC-3, đồng thời làm hết sức mình để cải thiện hệ thống phòng thủ tên lửa của chúng tôi bằng cách hợp tác với Mỹ. Bên cạnh đó, chúng tôi đặt mục tiêu tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa với việc triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis ven bờ”.
Việc các nước đồng minh Đông Bắc Á đang bị ám ảnh bóng ma tên lửa và hạt nhân từ Bình Nhưỡng đè nặng đã khiến họ phải móc hầu bao nhiều tỷ USD để mua vũ khí của Mỹ.
Tuy nhiên, lợi ích mà Mỹ thu được không chỉ đơn thuần là những đồng bạc xanh mà còn là lợi thế to lớn để tăng cường sự hiện diện tại khu vực chiến lược quan trọng này.
Khác với thời kỳ trước đây khi Trung Quốc phản đối kịch liệt việc Mỹ triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa tại Hàn Quốc bởi cho rằng việc này nhằm chống lại và đe dọa Bắc Kinh, giờ đây việc tăng cường sự răn đe của Mỹ tại khu vực đã trở nên thuyết phục hơn bởi lý do đối phó với Bình Nhưỡng. Giải quyết căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên cũng là giả định cho nhiều cuộc tập trận của Mỹ với đồng minh và triển khai thêm các phương tiện chiến tranh chiến lược đến khu vực này trong thời gian qua.
Như vậy, trong khi khả năng tầm bắn của tên lửa Triều Tiên với tới được lãnh thổ Mỹ còn là một câu hỏi thì mối đe dọa ngày càng lớn từ Bình Nhưỡng lại đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai chiến lược của Mỹ tại khu vực này