Đó vừa là thành quả của sự nỗ lực giữa 2 miền bán đảo Triều Tiên, đồng thời cũng cho thấy cuộc cờ giữa các nước lớn ở Đông Bắc Á đang đến lúc “xì hơi”.
Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap News ngày 7/2 đưa tin, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên đã đề nghị Đại Hàn Dân quốc cung cấp nhiên liệu cho chiếc tàu thủy chở đoàn nghệ thuật sang cổ vũ Olympic mùa Đông PyeongChang.
Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Baik Tae-hyun cho biết: “Miền Bắc đã đề nghị miền Nam cung cấp nhiên liệu cho tàu. Chính phủ hiện đang xem xét đề nghị này.”
Hiện chưa rõ Bình Nhưỡng xin bao nhiêu nhiên liệu, nhưng việc cung cấp các sản phẩm từ dầu mỏ cho Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên có thể vi phạm lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tháng 12/2017.
Hôm qua Bộ Thống nhất Hàn Quốc còn cho biết, nước này có thể cung cấp nhiên liệu, lương thực và điện cho Triều Tiên khi tàu Mangyongbong-92 cập cảng Mukho phía Đông Hàn Quốc.
Nhưng sau đó Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã đính chính rằng, Bình Nhưỡng không có yêu cầu chi tiết về các dịch vụ và chưa có bất kỳ điều gì cụ thể đã được quyết định.
Đồng thời Seoul nhấn mạnh, không có bất kỳ thành phần thực phẩm nào của Mỹ được đưa vào các suất ăn cho các vận động viên, nhân viên và quan chức Triều Tiên để tránh vi phạm lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.
Tàu Mangyongbong-92 cũng kiêm luôn “khách sạn” cho đoàn văn công Triều Tiên khi họ trình diễn ở Gangneung, cách Seoul 237 km về phía Đông. Hai miền đang thảo luận khi nào con tàu này rời Hàn Quốc trở về Triều Tiên. [1]
Triều Tiên đã phái tổng cộng 280 thành viên sang Hàn Quốc, trong đó có 229 văn công sang cổ vũ Olympic mùa Đông PyeongChang.
Tàu Mangyongbong-92 chở đoàn văn công Triều Tiên cập cảng Mukho, Hàn Quốc hôm qua 6/2. |
Đa Chiều ngày 6/2 cho biết, theo kế hoạch ban đầu thì 229 văn công Triều Tiên sang Hàn Quốc bằng đường bộ, nhưng cuối cùng họ sang bằng đường thủy.
Việc tàu Mangyongbong-92 cập cảng Mukho vô hình trung đã phá vỡ lệnh cấm của Liên Hợp Quốc về việc tàu thuyền Triều Tiên không được cập cảng Hàn Quốc.
Ngày mai 8/2 Triều Tiên sẽ tổ chức duyệt binh kỷ niệm ngày thành lập quân đội tại Bình Nhưỡng.
Trước đó Đại sứ quán Triều Tiên tại Bắc Kinh đã thông báo cho nhiều hãng thông tấn quốc tế cử phóng viên đăng ký tới đưa tin về sự kiện này chuẩn bị làm visa.
Nhưng Bình Nhưỡng lại vừa thay đổi kế hoạch, quyết định không mời báo chí quốc tế dự và đưa tin cuộc duyệt binh vì chuyển hoạt động này thành “chuyện nội bộ”.
Trong một động thái khác có liên quan, hãng thông tấn Bloomberg ngày 7/2 dẫn nguồn tin Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết:
Em gái Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ sang Hàn Quốc dự lễ khai mạc Olympic mùa Đông PyeongChang.
Chuyến thăm miền Nam của một thành viên gia đình lãnh đạo Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên được xem như cử chỉ mang tính biểu tượng của ông Kim Jong-un trong việc thể hiện thiện chí muốn duy trì không khí hòa dịu và đối thoại giữa hai miền.
Bà Kim Yo-jong sinh năm 1987, là em gái út của Chủ tịch Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên, năm 2015 bà được bổ nhiệm làm Trưởng ban Tuyên truyền và phong trào Đảng Lao động Triều Tiên. [3]
Rất có thể đây là kết quả của những thỏa thuận bí mật giữa hai miền bán đảo trong nỗ lực gây dựng lòng tin để mở đường cho đối thoại.
Cả Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un lẫn Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang rất nỗ lực tìm cách đối thoại và hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo.
Đồng thời Nhà Xanh cũng phải dàn xếp với các siêu cường Mỹ, Trung Quốc, Nga sao cho ổn thỏa để tránh đi những tác động tiêu cực đến đối thoại liên Triều.
Đó vừa là thành quả của sự nỗ lực giữa 2 miền bán đảo Triều Tiên, đồng thời cũng cho thấy cuộc cờ giữa các nước lớn ở Đông Bắc Á đang đến lúc “xì hơi” sau 1 năm căng thẳng.
Tuy chưa có điều gì chắc chắn, nhưng ít nhất những hoạt động giao lưu đối thoại như thế này mang đến hy vọng cho dân tộc Triều Tiên đã nếm trải nhiều đau thương vì nằm giữa tâm điểm cạnh tranh giữa 2 luồng ý thức hệ, lẫn các siêu cường.
Có điều, cuộc cờ giữa các siêu cường vẫn đang tiếp tục, xì đầu này thì lại nóng đầu kia.