Saturday, December 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTranh luận về khả năng "TQ bóp cò" trên Biển Đông

Tranh luận về khả năng “TQ bóp cò” trên Biển Đông

Khi hoàn cảnh thay đổi, Bắc Kinh sẽ nghĩ rằng họ không chỉ có thể đối đầu, mà còn sẵn sàng sử dụng vũ lực để đạt mục đích.

Ngày 24/1 The National Interest đăng bài viết “Trung Quốc muốn đối đầu trên Biển Đông” của tác giả Gordon G. Chang. 

Bài viết được đưa ra trong bối cảnh trước đó 1 tuần, thứ Tư ngày 17/1 tàu khu trục USS Hopper thực hiện một hoạt động được cho là “đi qua vô hại” bên trong 12 hải lý xung quanh bãi cạn Scarborough ở Biển Đông.

Điều đáng nói là sự kiện này không do Lầu Năm Góc công bố với báo giới, mà đến từ tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đi kèm một lời đe dọa trên xã luận tờ Nhân Dân nhật báo: 

Nếu Hoa Kỳ tiếp tục các hoạt động tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông trong năm 2018, Trung Quốc sẽ có cớ tiếp tục quân sự hóa các đảo nhân tạo và cấu trúc địa lý trên Biển Đông.

Gordon G. Chang nhận định, sở dĩ Trung Quốc muốn đối đầu trên Biển Đông là vì:

Trong cuộc khủng hoảng Scarborough tháng Tư 2012, Washington đã không có trách nhiệm thúc đẩy thực hiện thỏa thuận do Mỹ làm trung gian: Philippines và Trung Quốc cùng rút tàu khỏi Scarborough.

Chính quyền Barack Obama không làm gì, đã khiến những cá nhân hiếu chiến nhất ở Bắc Kinh tin rằng các hành động nuốt lời và gây hấn trên Biển Đông sẽ không bị buộc phải trả giá.

Sau đó các hành động khiêu khích tương tự được Bắc Kinh tiến hành ở khu vực bãi Cỏ Mây (thuộc Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam. Bãi Cỏ Mây là nơi Trung Quốc, Philippines và Đài Loan đều nhảy vào tranh chấp) và quần đảo Senkaku ở Hoa Đông.

Tóm lại, chính sự rụt rè của Washington đã bảo đảm cho Trung Quốc có thể hành động khiêu khích hơn mà không lo bị trả giá.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích hoạt động của tàu USS Hopper ngày 17/1 cùng hai cơ quan truyền thông hàng đầu, Nhân Dân nhật báo và Thời báo Hoàn Cầu cũng lên tiếng đe dọa, phản ứng của Mỹ tỏ ra yếu ớt.

Vì vậy Gordon G. Chang tin rằng, các quan chức Trung Quốc hoàn toàn có thể bỏ qua hoạt động được mô tả là “đi qua vô hại” của USS Hopper, nhưng họ lựa chọn phản ứng gay gắt, cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng chọn 1 cuộc chiến ở Biển Đông. [1]

Bất chiến tự nhiên thành có đồng nghĩa với loại trừ vũ lực?

Ngày 29/1 học giả James Holmes từ Học viện Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ có bài viết phản biện lại quan điểm của Gordon G. Chang, khi ông cho rằng: Trung Quốc không muốn một cuộc đối đầu ở Biển Đông.

Khu trục hạm USS Hopper của Hải quân Hoa Kỳ, ảnh: Wikipedia.

Lập luận tác giả James Holmes đưa ra để chứng minh cho quan điểm của mình là, nghệ thuật chiến tranh của Trung Quốc từ thời cổ đại đã xác định, không đánh mà thắng mới là lựa chọn cao nhất.

Đó là kế “bất chiến tự nhiên thành” trong Binh pháp Tôn Tử, được giới lãnh đạo Trung Quốc đương đại hết sức coi trọng. Và trên Biển Đông, lãnh đạo Trung Quốc theo đuổi chiến lược “bất chiến tự nhiên thành”. [2]

Ngày 2/2, Gordon G. Chang có bài viết trao đổi tiếp với James Holmes trên The National Interest. Lần này ông không chỉ dừng lại ở nhận định Trung Quốc muốn đối đầu, mà sẵn sàng đối đầu và “sẵn sàng bóp cò” ở Biển Đông.

Theo tác giả, nhận định này không chỉ là một dự đoán, bởi nó là một phép loại suy từ những hành vi trước đây của Trung Quốc.

Bắc Kinh có thể mong muốn không đánh mà thắng như James Holmes bình luận, nhưng họ không thể thắng mà không cần phải đối đầu.

Ngược lại, đối đầu sẽ là điều không thể tránh khỏi như Yu Maochun từ Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ đã từng phân tích. Ông từng nói với The National Interest:

Ưu tiên về địa chính trị và địa chiến lược của Trung Quốc là sửa lại hoặc thay đổi trật tự quốc thế hiện hành dựa trên luật lệ, quy tắc và tập quán chi phối các khu vực khác nhau trên toàn cầu, bao gồm Biển Đông.

Xu hướng này sẽ dẫn đến một cuộc đối đầu là không thể tránh khỏi. 

Corr, một biên tập viên của cuốn “Siêu cường và chiến lược nước lớn: các trò chơi mới trên Biển Đông”, bình luận:

Điểm mấu chốt là Trung Quốc sẵn sàng hơn Mỹ trong việc chấp nhận rủi ro khi leo thang, vì Trung Quốc muốn sử dụng 1 cuộc đối đầu để thay đổi hiện trạng có lợi cho họ.

Gordon G. Chang lưu ý thêm, tham vọng của Trung Quốc đang gia tăng. Bắc Kinh hiện đang tìm cách vượt ra ngoài đường lưỡi bò.

Tháng 12/2016 Bắc Kinh đã bắt giữ một tàu lặn không người lái của hải quân Hoa Kỳ trong vùng biển quốc tế ở Biển Đông.

Yu Maochun thì kết luận: lịch sử đã chứng minh nhiều lần và một lần nữa rằng, khi Trung Quốc cảm thấy một cuộc đối đầu trong hoàn cảnh cụ thể mà không mang lại kết quả, thì họ không muốn đối đầu.

Nhưng khi hoàn cảnh thay đổi, Bắc Kinh sẽ nghĩ rằng họ không chỉ có thể đối đầu, mà còn sẵn sàng sử dụng vũ lực để đạt mục đích.

Năm 1974 khi Hoa Kỳ bỏ rơi chính thể Việt Nam Cộng hòa, Trung Quốc đã chớp thời cơ cất quân đánh chiếm nốt nửa phía tây quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam). Trong ý nghĩa này, Trung Quốc là một kẻ cơ hội.

Còn theo Corr, Hoa Kỳ được mặc định là quốc gia duy nhất có khả năng ngăn chặn Trung Quốc làm việc này. Nhưng Bắc Kinh đang cảm thấy Washington suy giảm sự quan tâm, sức mạnh và ảnh hưởng trong khu vực.

Điều này có thể khiến Trung Quốc nghĩ họ sẽ đạt được những gì họ muốn, và tích cực tìm kiếm một cuộc đối đầu quân sự ngắn hạn ở BIển Đông. [3] 

Cái bẫy Trung Quốc muốn vin cớ để tiếp tục quân sự hóa

USS Hopper sẽ không bao giờ hoạt động bên trong 12 hải lý của Scarborough nếu Philippines vẫn kiểm soát bãi cạn này. Yếu tố thúc đẩy hoạt động trên tất nhiên là yêu sách của Trung Quốc.

Tiếc rằng, nếu USS Hopper tiến hành hoạt động “đi qua vô hại” chứ không phải “đi lại tự do” bên trong 12 hải lý ở Scarborough, theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 thì lại là một động thái phản tác dụng.

Chuyên gia James Holmes từ Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ nói với Gordon G. Chang: 

“Quan chức quân sự Mỹ giấu tên được truyền thông dẫn lời nói rằng, tàu USS Hopper đi qua vô hại bên trong 12 hải lý quanh bãi cạn Scarborough. 

Đó là lựa chọn của các tàu nước ngoài khi đi qua lãnh hải 12 hải lý của một đá / đảo hoặc lãnh thổ có chủ quyền của nước khác.”

Vì vậy, ông cho rằng nếu hoạt động của USS Hopper bên trong 12 hải lý Scarborough là “đi qua vô hại”, vô hình trung Mỹ đã thừa nhận yêu sách chủ quyền đối của Trung Quốc với lãnh hải 12 hải lý cho Scarborough.

Chúng tôi cho rằng, theo Phán quyết Trọng tài 12/7/2016 của Tòa Trọng tài thành lập theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 thì Scarborough là một cấu trúc địa lý nổi khi thủy triều lên.

Do đó, Scarborough có lãnh hải 12 hải lý riêng. Tuy nhiên, cũng như các cấu trúc địa lý khác ở quần đảo Trường Sa mà Philippines đề nghị Tòa xem xétm Scarborough không đủ điều kiện để hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế.

Nếu tàu chiến USS Hopper thực hiện hoạt động “đi lại tự do” bên trong 12 hải lý của Scarborough, thì điều đó hoàn toàn phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 cũng như Phán quyết Trọng tài 12/6/2017.

Tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ thừa nhận “chủ quyền” mà Trung Quốc yêu sách đối với cấu trúc địa lý này.

Nhưng việc Lầu Năm Góc không chính thức lên tiếng về hoạt động này, mà thông tin do Bộ Ngoại giao Trung Quốc cung cấp cho truyền thông nhiều khả năng đã có sẵn ý đồ muốn vin cớ hoạt động (hợp pháp, chính đáng) của Hoa Kỳ để kiếm chuyện, kiếm cớ tiếp tục quân sự hóa bất hợp pháp trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới