Thursday, January 9, 2025
Trang chủĐiểm tinBàn cờ Triều Tiên qua lăng kính Olympic mùa Đông Pyeongchang

Bàn cờ Triều Tiên qua lăng kính Olympic mùa Đông Pyeongchang

Trung Quốc đang rất muốn biết Donald Trump có dám sử dụng vũ lực với Triều Tiên hay không, Bình Nhưỡng muốn cải thiện quan hệ 2 miền để “thoát hiểm”.

Nikkei Asia Review ngày 19/2 có bài phân tích cục diện bán đảo Triều Tiên qua lăng kính Olympic mùa Đông Pyeongchang để tìm hiểu tính toán của các siêu cường, đặc biệt là Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Trong khi dư luận quốc tế quan tâm đến bán đảo Triều Tiên đổ dồn sự chú ý về Pyeongchang, Bắc Kinh lại chăm chú quan sát thái độ của Washington.

Ông Tập Cận Bình muốn tìm hiểu xem Tổng thống Donald Trump có thực sự nghiêm túc trong việc tính toán động binh với Triều Tiên hay không.

Chủ tịch Trung Quốc đã từ chối lời mời của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và bỏ qua lễ khai mạc Olympic mùa Đông Pyeongchang. 

4 năm trước ông Tập Cận Bình đã dự Olympic mùa Đông Sochi để ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Hơn nữa 4 năm sau, 2022 Bắc Kinh sẽ đăng cai kỳ Olympic mùa Đông kế tiếp.

Lẽ thường ông Tập Cận Bình sẽ hiện diện tại sân vận động diễn ra khai mạc Olympic mùa Đông Pyeongchang, nhưng thực tế ông không có thời gian cho việc này.

Một nguồn tin từ Trung Quốc cho biết, Tập Cận Bình đã lờ Olympic mùa Đông Pyeongchang mà ông chỉ tập trung vào Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Điều này có thể thấy rõ qua hoạt động ngoại giao của Bắc Kinh ngày Hàn Quốc khai mạc Olympic.

Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đã có chuyến thăm bất ngờ đến Washington ngày 9/2 để tìm hiểu ý định thực sự của ông Donald Trump.

Không khó để thấy rằng, đây là mệnh lệnh của ông Tập Cận Bình đưa ra cho phái viên của mình. Biết kế hoạch của Donald Trump là điều quan trọng với Bắc Kinh.

Ông Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson

Nếu khả năng Hoa Kỳ lựa chọn giải pháp quân sự cao, Trung Quốc sẽ phải điều chỉnh lại kế hoạch với Triều Tiên.

Tại Washington, bên cạnh cuộc gặp Ngoại trưởng Rex Tillerson, ông Dương Khiết Trì cũng thử mọi con đường. Ông đã gặp Cố vấn An ninh quốc gia HR McMaster, cố vấn kiêm con rể Tổng thống Donald Trump, ông Jared Kushner.

Trong khi đó tại Pyeongchang, sự xuất hiện của người em gái Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, bà Kim Yo-jong đã ngay lập tức làm lu mờ các vận động viên Olympic mùa Đông.

Mọi tập trung của truyền thông vào bà Kim Yo-jong được duy trì cho đến khi bà trở về miền Bắc. Điểm gây chú ý tiếp theo là Ivanka Trump, con gái Tổng thống Mỹ.

Trong bữa tiệc trưa 10/2, bà Kim Yo-jong đã trao cho Tổng thống Hàn Quốc bức thư tay của anh trai mình, Kim Jong-un, với một đề xuất sớm tổ chức hội nghị thượng đỉnh 2 miền (mời ông Moon Jae-in thăm Bình Nhưỡng).

Ông Mike Pence dường như không để ý đến sự hiện diện của 2 nhà lãnh đạo Triều Tiên (Chủ tịch Quốc hội Kim Jong-nam và bà Kim Yo-jong)

Nếu như trước đây ông Moon Jae-in từng sốt sắng với một cuộc họp như vậy, thì lúc này Tổng thống Hàn Quốc trả lời rằng hai miền nên tập trung tạo các điều kiện cần thiết cho hội nghị thượng đỉnh trong tương lai.

Đề nghị của ông Kim Jong-un là một kế hoạch khôn ngoan, ý định thật sự là ngăn Tổng thống Donald Trump không sử dụng giải pháp quân sự.

Trong khi đó các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đang làm tê liệt nền kinh tế Triều Tiên. Nếu hội nghị thượng đỉnh 2 miền không thành hiện thực, ông Donald Trump có thể quyết tâm hơn với giải pháp quân sự.

Tại Trung Quốc, đài truyền hình trung ương (CCTV) đêm 10/2 phát sóng bản tin Kim Jong-un mời ông Moon Jae-in thăm Bình Nhưỡng là tin tức thứ 9 trong ngày và không có bất kỳ bình luận nào.

Trước đây Trung Quốc đã từng ủng hộ một hội nghị thượng đỉnh 2 miền bán đảo Triều Tiên, nhưng giải quyết chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng giờ đây đã trở nên quan trọng hơn nhiều so với 1 cuộc họp thượng đỉnh 2 miền bán đảo.

CCTV không bình luận về lời mời của ông Kim Jong-un có lẽ vì Trung Quốc không hoặc chưa biết ý định thực sự của Donald Trump.

Chuyến công du Washington của ông Dương Khiết Trì cho thấy Trung Quốc muốn hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ. Nếu Tập Cận Bình và Donald Trump “đụng” nhau về Bắc Triều Tiên có thể làm tăng mâu thuẫn về thương mại song phương.

Bây giờ vấn đề tiếp theo đặt ra là Hoa Kỳ và Hàn Quốc có tổ chức cuộc tập trận chung sau Olympic mùa Đông Pyeongchang hay không và Bắc Kinh sẽ phản ứng ra sao.

Ngoài ra còn câu hỏi lớn cần sớm được trả lời. Đó là, liệu ông Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có thể bắt tay nhau ngăn cản Donald Trump đưa quân đội vào bán đảo Triều Tiên hay không.

Trong một động thái khác có liên quan, Diễn đàn An ninh Munich (defensenews.com) ngày 18/2 cho biết, Phó Tổng thống Mike Pence nói với tờ Washington Post:

Chiến dịch gây áp lực tối đa với Triều  Tiên sẽ được tiếp tục và tăng cường, nhưng nếu Bình Nhưỡng muốn, Washington sẽ nói chuyện.

Trong khi bà Phó Oánh – Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc nói với một nhóm các nhà lập pháp Hoa Kỳ rằng, Mỹ đang đánh giá quá cao khả năng của Bắc Kinh với Triều Tiên.

Theo tường thuật của tờ Korea Times ngày 19/2, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence đã đến muộn trong lễ khai mạc Olympic mùa Đông Pyeongchang, hơn nữa ông phớt lờ phái đoàn Triều Tiên khi đi qua.

RELATED ARTICLES

Tin mới