Thursday, January 9, 2025
Trang chủĐiểm tinTai nạn quân sự bí ẩn của TQ

Tai nạn quân sự bí ẩn của TQ

Thuyền viên trên một chiếc tàu cá Trung Quốc phát hiện vật thể lạ – một chiếc kính tiềm vọng trôi lơ lửng trên mặt nước. Thông tin lập tức được báo cho Hải quân Trung Quốc…

Đó là vào ngày 25/4/2003. Hải quân Trung Quốc (PLAN) đã điều ngay 2 tàu tới để tìm hiểu rõ sự việc.

Thoạt đầu, PLAN cho rằng đó là bộ phận của một chiếc tàu ngầm đột nhập từ Hàn Quốc hoặc Nhật Bản nhưng đến khi con tàu được tìm thấy, họ mới vỡ lẽ ra rằng đó là một chiếc tàu ngầm diesel-điện lớp Ming của Trung Quốc.

Ngày 26/4, khi lực lượng cứu hộ lên boong tàu, họ đã tìm thấy toàn bộ 70 thi thể thành viên thủy thủ đoàn.

Cựu Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Giang Trạch Dân đã thông báo về thảm kịch này vào ngày 2/5/2003 trong lời phát biểu tôn vinh sự hy sinh của các thủy thủ Trung Quốc, đồng thời thoáng đề cập đến nguyên nhân là do “trục trặc kỹ thuật”.

Một tháng sau, kết quả điều tra vụ việc đã khiến cả tư lệnh và chính ủy Hạm đội Bắc Hải bị bãi nhiệm, 6-8 sĩ quan bị giáng cấp hoặc sa thải do những quyết định thiếu chính xác trong quá trình chỉ huy và điều hành.

Tai nạn bí ẩn: Tưởng tàu ngầm lạ đột nhập, Trung Quốc chết đứng trước thảm kịch kinh hoàng - Ảnh 1.

Các tàu ngầm lớp Minh, bao gồm tàu 361, trong một đợt kỷ niệm của Hải quân Trung Quốc

Trong bài viết trên tạp chí National Interest, chuyên gia Sébastien Roblin cho biết, chính phủ Trung Quốc thường không công bố minh bạch về các vụ tai nạn quân sự, như không tiết lộ kết quả điều tra các vụ tai nạn máy bay chiến đấu và cũng chưa từng công khai thừa nhận các vụ tai nạn tàu ngầm trước đây.

Vào thời điểm đó, một số nhà bình luận quân sự đã tỏ ra ngạc nhiên khi Trung Quốc thừa nhận tai nạn của tàu ngầm lớp Ming và nghi ngờ rằng nó có thể gián tiếp liên quan đến những chỉ trích mà Bắc Kinh phải hứng chịu khi tìm cách giảm nhẹ lo ngại về đại dịch SARS.

Type 035 lớp Ming là thiết kế tàu ngầm thế hệ 2 đã lỗi thời, được phát triển từ tàu ngầm lớp Romeo của Liên Xô. Hai chiếc Type 035 đầu tiên được đóng vào năm 1975 nhưng vẫn dễ bị phát hiện khi so sánh với các thiết kế cùng thời của Nga và Mỹ.

Mặc dù Trung Quốc vượt trội về số lượng tàu ngầm diesel nhưng do những bất cập về khả năng hoạt động nên những con tàu này hiếm khi “mạo hiểm” vượt ra ngoài vùng ven biển.

Tuy nhiên, các nhà máy đóng tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục chế tạo các tàu ngầm lớp Ming nâng cấp vào những năm 1990. Chiếc tàu ngầm gặp nạn, số hiệu 361, là một trong những tàu Type 035G lớp Ming III (cải tiến), có khả năng tấn công tàu ngầm đang lặn của đối phương bằng ngư lôi dẫn đường.

Gia nhập Hải quân Trung Quốc năm 1995, tàu 361 cùng 3 chị em của nó (359,360 và 362) đã lập nên Lữ đoàn tàu ngầm số 12 của Hạm đội Bắc Hải đóng tại tỉnh Liêu Ninh.

Hàng loạt giả thuyết

Theo chuyên gia Sébastien Roblin, tàu 361 đã được triển khai trong một cuộc tập trận hải quân ở biển Bột Hải và vịnh Hoàng Hải. Khác với thông thường, trong cuộc tập trận này có mặt sĩ quan hải quân cấp cao – Thiếu tướng Cheng Fuming.

Trong hoạt động cuối cùng trước khi mất tích, tàu ngầm 361 đang thực hành di chuyển yên lặng ngoài khơi đảo Changshang rồi quay trở về căn cứ ở Weihai, tỉnh Shandong.

Tai nạn bí ẩn: Tưởng tàu ngầm lạ đột nhập, Trung Quốc chết đứng trước thảm kịch kinh hoàng - Ảnh 2.

Nhiều giả thuyết xoay quanh vụ mất tích của tàu ngầm 361

Do con tàu phải tắt tín hiệu radio nên PLAN đã không phát hiện ra bất cứ điều gì cho tới 10 ngày sau đó. Hiện vẫn chưa rõ PLAN đã sử dụng phương thức gì để tìm ra được tàu 361. Một số nguồn tin cho biết con tàu này đã bị chìm, tuy nhiên trên thực tế, tàu 361 được kéo về cảng khá nhanh nên khả năng lớn là nó đã nổi lên.

Do không có thông báo chính thức về nguyên nhân vụ việc nên đã có rất nhiều giả thuyết xoay quanh sự mất tích của tàu 361.

Kíp thủy thủ đoàn tiêu chuẩn của một tàu ngầm Type 035 là 55 – 57 người, thế nhưng khi gặp nạn, tàu 361 chở 70 người trên khoang. Số nhân sự trên tàu tăng lên, cùng với sự xuất hiện của Thiếu tướng Cheng Fuming đã dẫn tới giả thuyết cho rằng tàu 361 không hề thực hiện nhiệm vụ huấn luyện thông thường như mọi khi.

Một số nhà bình luận nghi ngờ rằng, số thành viên được tăng cường lên tàu 361 đang làm nhiệm vụ đánh giá các cuộc thử nghiệm hệ thống đẩy không khí độc lập (AIP), cho phép tàu ngầm kéo dài thời gian hoạt động khi lặn.

Khi tàu ngầm 361 gặp nạn thì tàu 308, một chiếc Type 035G khác, đã được sử dụng để thử nghiệm hệ thống AIP. Sau đó, động cơ AIP Stirling đã sớm được trang bị cho các tàu ngầm Type 041 lớp Yuan đang hoạt động hiện nay.

Một giả thuyết khác cho rằng nước biển đã rò rỉ vào hệ thống ắc-quy cung cấp năng lượng cho tàu và đã làm phát sinh khí độc chlorine.

Nhật báo Sing Tao của Hong Kong thì đưa tin tàu ngầm 361 đã được triển khai để thực hiện một nhiệm vụ huấn luyện chống tàu ngầm “nguy hiểm” và “các sai sót của con người” đã khiến con tàu lao xuống một cách mất kiểm soát rồi mắc kẹt dưới đáy biển.

Tuy nhiên, giả thuyết được chấp nhận rộng rãi nhất hiện nay được đề cập lần đầu tiên trên tờ Wen Wei của Hong Kong (một tờ báo ủng hộ Bắc Kinh). Theo đó, các thủy thủ trên tàu đã chết ngạt do động cơ diesel trên tàu trục trặc.

Tàu ngầm diesel-điện thường phải nổi lên khi muốn sạc pin và trao đổi không khí, tuy nhiên, trong trường hợp không muốn bị phát hiện, tàu ngầm vẫn có thể lặn dưới nước và sử dụng ống thông hơi để lấy không khí. Chiếc ống này được thiết kế để tự động đóng miệng lại nếu mực nước dâng lên quá cao.

Theo Wen Wei Po, tàu 361 có thể đang chạy động cơ diesel và sử dụng ống thông hơi thì mực nước dâng cao, khiến miệng ống đóng lại. Tuy nhiên, do trục trặc kỹ thuật, miệng ống sau đó không thể mở ra được nữa.

Lúc này, vì một lý do nào đó, động cơ diesel trên tàu 361 đã không được tắt khi tàu bắt đầu lặn. Chính động cơ này đã đốt hết khí oxy trên tàu trong vòng 2 phút, khiến toàn bộ người trên đó chết ngạt.

Kíp thủy thủ trên tàu có lẽ đã cảm thấy choáng và thở dốc trong phút đầu tiên, đến phút thứ hai thì họ bắt đầu mất dần ý thức. Áp suất không khí âm cũng khiến cửa khoang tàu không mở được.

Một bài báo năm 2013 đăng trên hãng tin Reuters cũng đề cập lại giả thuyết này, đồng thời cho rằng khí thải có thể đã bị xả ngược trở lại thân tàu, gây ra thảm kịch.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Robinson, dù là giả thuyết nào trong số này thì nó cũng phản ánh những yếu kém nghiêm trọng trong việc đào tạo thủy thủ và kết cấu của tàu ngầm Trung Quốc.

Thảm kịch gần đây của tàu ngầm San Juan (Argentina), vụ cháy tàu ngầm Kilo ở Vladivostok (dù Nga tuyên bố đây là đám cháy nhân tạo mô phỏng tàu ngầm gặp sự cố), hay vụ nước tràn vào tàu ngầm Arihant của Ấn Độ đã cho thấy rằng, mặc dù được coi là thứ vũ khí đáng sợ nhất hành tinh nhưng tàu ngầm vẫn rất nguy hiểm khi vận hành, dù không hề ở trong thời chiến.

Một chút bất cẩn của thủy thủ đoàn hay trục trặc kỹ thuật đều có thể biến tàu ngầm thành những quan tài dưới biển.

Chỉ có các tiêu chuẩn cao về bảo trì, chế tạo và đào tạo thủy thủ mới có thể ngăn chặn những thảm họa tương tự xảy ra. Mặc dù không phải quốc gia nào cũng đủ điều kiện để đáp ứng các tiêu chuẩn này nhưng đây sẽ là điều PLAN khao khát đạt được, bởi họ đang tiếp tục mở rộng và chuyên nghiệp hóa lực lượng với tốc độ chóng mặt.

RELATED ARTICLES

Tin mới