Friday, January 10, 2025
Trang chủĐàm luậnThực chất là TQ muốn tạo không gian ảnh hưởng trên Biển...

Thực chất là TQ muốn tạo không gian ảnh hưởng trên Biển Đông

Qua nhiều đời Tổng thống, Hoa Kỳ luôn luôn đánh giá khả năng rất lớn của mình trong việc quyết định con đường đi của Trung Quốc. Tuy nhiên qua các sóng gi, mọi tham vọng của Hoa Kỳ đều tan vỡ như bọt nước.

Hơn 70 năm trước sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, George Marshall, đặc phái viên Hoa Kỳ tại Trung Quốc từng hy vọng làm mối lái cho một nền hòa bình giữa phe Quốc dân đảng và phe Cộng sản trong cuộc nội chiến Trung Hoa. Còn trong thời kỳ chiến tranh Triều Tiên, chính phủ Truman nghĩ rằng Mỹ có thể ngăn chặn được quân đội Trung Quốc vượt qua sông Áp Lục (biên giới giữa Trung Quốc và Bắc Hàn). Chính phủ Johnson thì tin Bắc Kinh cuối cùng sẽ cố tránh dính dáng vào Việt Nam. Thế nhưng thực tế đã làm đảo lộn mọi kỳ vọng của Hoa Kỳ.

Theo đó một trật tự tự do quốc tế cũng đã thất bại trong việc thu hút hoặc ràng buộc Trung Quốc một cách mạnh mẽ như đã từng kỳ vọng. Trung Quốc kiên trì con đường của riêng mình và chứng tỏ hàng loạt kỳ vọng của Hoa Kỳ cho tiến trình này là hoàn toàn sai lầm.

Đã đến lúc Mỹ cần “nghĩ lại tỉnh táo” về đường lối của mình đối với Trung Quốc. Những người bảo vệ cho khuôn khổ hiện hành cảnh báo về một sự mất ổn định trong quan hệ song phương, hoặc khả năng kích hoạt một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Nhưng công cuộc xây dựng một cách tiếp cận và một mối quan hệ vững mạnh hơn, bền vững hơn với Bắc Kinh đòi hỏi Mỹ phải trả lời câu hỏi vì sao nhiều giả định đã sai lầm như thế nào?

Sự tương tác thương mại rộng lớn hơn với Trung Quốc được giả định sẽ mang lại cuộc giải phóng nền kinh tế Trung Quốc, từng bước một nhưng đều đặn. Chiến lược An ninh quốc gia năm 1990 của tổng thống Mỹ George H.W. Bush (Bush cha) miêu tả các quan hệ được nâng cao với thế giới là “cốt yếu cho triển vọng của Trung Quốc giành lại con đường cải cách kinh tế”.

Lối suy nghĩ này chiếm ưu thế trong nhiều thập niên. Nó dẫn dắt các quyết định của Mỹ trong việc cấp cho Trung Quốc quy chế thương mại tối huệ quốc (MFN) trong thập niên 1990, ủng hộ Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2001, thiết lập đối thoại kinh tế cấp cao năm 2006 và đàm phán một hiệp định đầu tư song phương dưới thời tổng thống Barack Obama.

Trong thời kỳ này, thương mại hàng hóa giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã bùng nổ. Từ chỗ chỉ có dưới 8 tỉ USD – năm 1986 – lên hơn 578 tỉ USD vào năm 2016, tăng hơn 30 lần sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát. Tiếc rằng, từ những ngày đầu của thế kỷ 21, công cuộc tự do hóa kinh tế của Trung Quốc đã dừng lại. Trái với những kỳ vọng của phương Tây, Bắc Kinh đã đầu tư gấp đôi vào mô hình tư bản nhà nước ngay cả khi họ đã trở nên giàu có hơn. Thay vì trở thành một lực lượng thúc đẩy sự cởi mở rộng lớn, mức tăng trưởng kinh tế liên tục đã phục vụ cho sự chính danh hóa quyền cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc và mô hình kinh tế do nhà nước dẫn dắt.

Hoa Kỳ tin rằng, nợ nần, sự kém hiệu quả và nhu cầu của một nền kinh tế tiến bộ hơn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những cải cách sâu rộng ở Trung Quốc. Còn Trung Quốc cũng nhận ra những vấn đề bất ổn trong đường lối của họ. Năm 2007 thủ tướng Ôn Gia Bảo đã gọi nền kinh tế Trung Quốc là “không ổn định, không thăng bằng, không kết nối và không bền vững”.

Nhưng thay vì mở cửa đất nước cho cuộc cạnh tranh lớn hơn thì với ý đồ duy trì quyền kiểm soát nền kinh tế, Đảng Cộng sản Trung Quốc lại củng cố khối doanh nghiệp nhà nước và theo đuổi những chính sách công nghiệp nhắm tới việc thúc đẩy các tập đoàn hàng đầu về công nghệ quốc gia trong các lĩnh vực thiết yếu. Các lĩnh vực này bao gồm cả hàng không không gian, y sinh học và robotics (đáng chú ý là kế hoạch “Made in China 2025”).

Bất chấp những lời hứa hẹn đến mòn cả lưỡi, Bắc Kinh luôn chống lại áp lực từ Washington và nhiều nước khác đòi Trung Quốc phải tạo lập một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp nước ngoài. Trung Quốc đã hạn chế quyền tiếp cận thị trường và buộc các doanh nghiệp bên ngoài Trung Quốc phải ký kết những hợp đồng liên doanh và chia sẻ công nghệ, trong khi họ vẫn tuồn vốn đầu tư và trợ cấp cho những công ty nội địa được nhà nước hậu thuẫn.

Tuy biết rất rõ nhưng phần lớn các nhà hoạch định chính sách và quản lý doanh nghiệp Hoa Kỳ vẫn ngầm chấp nhận một sự phân biệt đối xử như vậy. Những lợi ích thương mại tiềm tàng lớn đến mức Mỹ cho rằng sẽ là không khôn ngoan khi đảo lộn mối quan hệ hiện hành bằng những chính sách bảo hộ thị trường hoặc cấm vận thương mại. Mỹ đã đấu tranh quyết liệt để giành những sự nhượng bộ nhỏ nhoi, từng chút một.

Tuy nhiên, giờ đây những gì có thời được coi chỉ là những thất bại ngắn hạn của Hoa Kỳ trong việc làm ăn với Trung Quốc đã trở thành nỗi thất vọng thường trực và tai hại hơn nhiều. Năm ngoái Phòng Thương mại Hoa Kỳ báo cáo cứ 10 doanh nghiệp Mỹ thì có 8 đơn vị cảm thấy ít được hoan nghênh ở Trung Quốc so với những năm trước, và khoảng 60% số doanh nghiệp được hỏi ý kiến có rất ít hoặc không có niềm tin rằng Trung Quốc sẽ mở cửa thị trường nhiều hơn trong vòng ba năm tới. Những cơ chế tự nguyện và hợp tác để thúc đẩy mở cửa nền kinh tế Trung Quốc nhìn chung đã thất bại, kể cả cơ chế Đối thoại Kinh tế toàn diện mới được chính phủ Mỹ khai trương.

Tăng trưởng kinh tế được giả định sẽ không chỉ mang lại sự cởi mở kinh tế rộng hơn mà cả sự tự do hóa chính trị. Lối tư duy này cũng cho rằng, sự phát triển sẽ kích hoạt một chu kỳ thuận lợi; một tầng lớp trung lưu mới manh nha sẽ đòi hỏi những quyền lợi mới và các quan chức thực dụng sẽ chấp nhận các cải cách tư pháp cần thiết để tiến xa hơn. Cuộc tiến hóa này dường như là điều chắc chắn sau khi Liên bang Xô-viết sụp đổ và các cuộc chuyển hóa dân chủ diễn ra ở Đài Loan và Nam Hàn.

Vụ đàn áp những người biểu tình đòi dân chủ ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989 đánh tan niềm hy vọng về sự trỗi dậy của nền dân chủ đại diện ở Trung Quốc. Nhưng nhiều chuyên gia và nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ vẫn kỳ vọng chính phủ Trung Quốc sẽ cho phép thực thi quyền tự do báo chí rộng rãi hơn, cho phép xã hội dân sự mạnh mẽ hơn trong khi dần dần chấp nhận cạnh tranh chính trị nhiều hơn cả bên trong Đảng Cộng sản lẫn ở cấp địa phương.

Nhưng nỗi lo sợ rằng sự cởi mở rộng hơn có thể đe dọa cả sự ổn định quốc nội và sự sống còn của chế độ đã thôi thúc các nhà lãnh đạo Trung Quốc tìm kiếm một con đường thay thế. Họ coi cả hai cú sốc biến cố Quảng trường Thiên An Môn và biến cố Liên Xô sụp đổ như là bằng chứng của những mối hiểm nguy mà công cuộc dân chủ hóa và cạnh tranh chính trị mang lại. Do vậy, thay vì chấp nhận những chu kỳ tích cực của công cuộc cởi mở, Bắc Kinh lại phản ứng chống lại các lực lượng toàn cầu hóa bằng cách dựng lên những bức tường và siết chặt quyền kiểm soát của nhà nước, làm thui chột, thay vì tăng cường dòng chảy tự do của người dân, của ý tưởng và hoạt động thương mại.

Sự kết hợp giữa ngoại giao Hoa Kỳ với sức mạnh quân sự Hoa Kỳ – củ cà rốt và cây gậy – được giả định sẽ thuyết phục Bắc Kinh rằng Trung Quốc sẽ không thể và không cần thiết phải thách thức  trật tự về an ninh do Hoa Kỳ dẫn dắt ở châu Á. Washington đã “thúc đẩy mạnh mẽ sự tham gia của Trung Quốc vào các cơ chế an ninh khu vực để trấn an các quốc gia láng giềng và làm dịu mối quan ngại về an ninh của chính mình”, Chiến lược An ninh quốc gia năm 1995 của chính phủ Clinton xác định như vậy và được hỗ trợ bằng những mối quan hệ giữa quân đội với quân đội cùng nhiều biện pháp xây dựng lòng tin khác.

Các quan chức Hoa Kỳ luôn giữ sự thận trọng đáng kể để không bị vấp vào một cuộc chạm trán với Trung Quốc. Nhà khoa học chính trị Joseph Nye giải thích lối suy nghĩ này khi ông phụ trách văn phòng châu Á của Ngũ giác đài dưới thời chính phủ Clinton: “Nếu chúng ta đối đãi với Trung Quốc như kẻ thù, chúng ta chắc chắn sẽ có kẻ thù trong tương lai. Còn nếu chúng ta đối đãi với Trung Quốc như bạn bè, chúng ta không chắc có được tình bạn, nhưng ít ra chúng ta cũng để ngỏ khả năng có thêm nhiều kết quả tốt lành”. Trong cuộc điều trần trước quốc hội để được xem xét phê chuẩn làm bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ hồi tháng 1-2001, ông Colin Powell nói rằng: “Trung Quốc không phải là kẻ thù và thách thức của chúng ta là giữ cho họ không biến thành kẻ thù”.

Có thể nói cả sức mạnh quân sự lẫn nỗ lực giao kết ngoại giao của Hoa Kỳ đều không can ngăn được Trung Quốc xây dựng một đội quân tinh nhuệ. Những cuộc phô diễn công nghệ cao của lực lượng Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh Iraq và nhiều nơi khác chỉ có tác dụng thúc đẩy nhanh hơn những nỗ lực hiện đại hóa PLA của Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát động những kế hoạch cải cách quân đội nhằm làm cho các lực lượng vũ trang của Trung Quốc có sức sát thương hơn, có khả năng phóng chiếu sức mạnh quân sự rất xa ngoài bờ biển Trung Quốc.

Với chiếc hàng không mẫu hạm thứ ba đang được xây dựng, với những căn cứ quân sự tân tiến mới được lập trên các đảo ở biển Đông và với căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài được lập ở Djibouti (châu Phi), Trung Quốc đang trên đường trở thành một đối thủ quân sự nặng ký của Hoa Kỳ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không còn nhắc lại câu châm ngôn của Đặng Tiểu Bình rằng để phát triển, Trung Quốc cần phải “thao quang dưỡng hối” (che giấu năng lực, chờ đợi thời cơ). Tháng 10-2017, ông Tập Cận Bình cứng cỏi tuyên bố “đất nước Trung Quốc đã đi từ chỗ đứng lên, trở nên giàu có và trở nên hùng mạnh”.

Nhưng Bắc Kinh có thật sự mạnh đến thế không? Hiện tại họ vẫn cảm thấy bị đe dọa bởi các yếu tố trung tâm khác trong  trật tự do Hoa Kỳ dẫn dắt – và đang ngày càng tìm cách thay thế chúng. Điều đó đặc biệt đúng về những gì mà Trung Quốc coi là những vụ vi phạm không mong muốn về chủ quyền quốc gia của họ do Hoa Kỳ và các đối tác của Hoa Kỳ thực hiện, dù dưới hình thức cấm vận kinh tế hoặc hành động quân sự.

Những quy tắc của chủ nghĩa tự do liên quan tới quyền hay trách nhiệm của cộng đồng quốc tế được can thiệp để bảo vệ người dân khỏi những vụ vi phạm nhân quyền chẳng hạn, đã đối chọi trực tiếp với ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là bảo vệ hệ thống chuyên chế khỏi sự can thiệp của nước ngoài. Với một vài ngoại lệ đáng chú ý, Trung Quốc luôn bận rộn với việc làm giảm nhẹ những biện pháp cấm vận đa phương, che chở các chế độ chuyên chế trước sự lên án của phương Tây và kết bè cánh với Nga để ngăn chặn Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc phê chuẩn các hành động can thiệp. Một số chính phủ phi dân chủ – ở Sudan, Syria, Venezuela, Zimbabwe và nhiều nơi khác – đã được hưởng lợi rất nhiều từ sự ngăn chặn này.

Ở khu vực châu Á, Bắc Kinh đã bắt đầu thay đổi cán cân về an ninh, từng chút từng chút làm biến đổi hiện trạng bằng những bước đi đủ nhỏ để tránh kích hoạt một phản ứng quân sự từ Hoa Kỳ. Ở biển Đông, một trong những hải lộ quan trọng nhất của thế giới, Trung Quốc đã khéo léo sử dụng tàu tuần tra biển, chiến tranh pháp lý và cưỡng bức kinh tế để thúc đẩy đòi hỏi chủ quyền của mình. Trong một số trường hợp, Trung Quốc chỉ đơn giản xâm chiếm các vùng lãnh thổ tranh chấp hoặc quân sự hóa các đảo đá nhân tạo. Trong khi Bắc Kinh có lúc thể hiện sự kiềm chế và thận trọng có tính chiến thuật, đường lối chung của Trung Quốc cho thấy họ mong muốn tạo ra một không gian ảnh hưởng hiện đại trên mặt biển.

Giờ đây Washington phải đối mặt với đối thủ cạnh tranh mạnh nhất, năng động nhất trong lịch sử hiện đại. Bởi vậy, Chiến lược An ninh quốc gia đầu tiên của chính phủ Trump đã tiến một bước theo hướng đúng đắn bằng cách đặt thành nghi vấn những giả định trong chiến lược của Hoa Kỳ trong quá khứ.

Hoa Kỳ tỏ ra khiêm tốn về khả năng làm thay đổi Trung Quốc. Nguyên tắc chỉ đạo chiến lược của Hoa Kỳ ở châu Á không phải là tìm cách cô lập và làm suy yếu Trung Quốc, cũng không phải là cố gắng thay đổi Trung Quốc theo hướng tốt hơn. Thay vào đó, Washington nên tập trung chú ý nhiều hơn vào sức mạnh và cách hành xử của chính mình; sức mạnh và các hành xử của tất cả các đồng minh và đối tác.

RELATED ARTICLES

Tin mới