Trung Quốc đang phải dè chừng với liên hiệp mới gồm Úc, Mỹ, Nhật, Ấn lập nên Tứ giác Kim cương.
Chính quyền của Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đang ấp ủ kế hoạch cạnh tranh với sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc.
Tuy ý tưởng này chưa được thể hiện rõ ràng nhưng một quan chức cấp cao giấu tên của Úc tiết lộ, ý tưởng này là nghiêm túc và mọi cuộc đối thoại giữa bốn nước Úc, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đã được tiến hành.
Thủ tướng Úc Turnbull luôn dè chừng các ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực sẽ đến Mỹ vào giữa tuần này, và ý tưởng về cơ chế hợp tác liên khu vực có thể sẽ được trình bày với Tổng thống Donald Trump.
Ý tưởng sơ khởi của phía Úc được quan chức Úc nói với tờ Australian Financial Review rằng liên minh mới sẽ tiếp nối các thành công của Bắc Kinh.
“Họ có thể xây một cái cảng, nhưng nó không đem lại lợi ích về kinh tế. Chúng ta có thể xây dựng mạng lưới đường sắt hay đường cao tốc kết nối cảng đó” – vị quan chức này nói.
Tờ Australian Financial Review mô tả trong suốt cuộc nói chuyện, vị quan chức giấu tên luôn mô tả sáng kiến mới là một sự thay thế, một lựa chọn khác chứ không phải đối thủ của Vành đai-Con đường. Nói một cách khác, Canberra vẫn có sự dè chừng nhất định với Bắc Kinh.
Gần cuối năm ngoái, bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN ở Philippines, các quan chức Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ đã gặp nhau, làm sống lại ý tưởng “Tứ giác kim cương” xuất hiện cách đây một thập kỷ.
Bắc Kinh khi đó đã phản ứng gay gắt, bởi lẽ “Tứ giác kim cương” – ý tưởng được Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đưa ra, là nhắm vào Trung Quốc và kiềm chế chính Bắc Kinh.
Thì nay, với ý tưởng của nước Úc, một cơ chế hợp tác được vinh danh là tiếp nối các ý tưởng của Vành đai-Con đường thì cũng đều sẽ cạnh tranh hoặc thay thế ý tưởng của Trung Quốc.
Tứ giác Kim cương có làm thay đổi Vành đai Con đường? |
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga trong một cuộc họp báo gần đây đã ý nhị trấn an và biện minh hợp tác 4 bên Mỹ – Nhật Bản – Úc và Ấn Độ không nhằm chống lại Vành đai-Con đường của Trung Quốc.
Sách trắng về viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản hồi cuối năm ngoái xác định ODA là công cụ và là phương thức chính để thúc đẩy “Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, thông qua mạng lưới cơ sở hạ tầng chất lượng cao.
Khu vực “Ấn Độ- Thái Bình Dương” cũng lần đầu tiên được Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắc đến trong bài phát biểu tại hội nghị cấp cao APEC hồi tháng 11/2017.
Dự án “Vành đai, con đường” được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu công bố năm 2013. Đây là dự án nhằm nâng cao vai trò của Bắc Kinh trên trường quốc tế bằng việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng và giao thông khổng lồ kết nối 60 quốc gia trên thế giới. Tại Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc năm ngoái, ông Tập cho biết Trung Quốc sẽ rót 124 tỷ USD vào dự án này.
Nhiều quan ngại cho rằng Trung Quốc dùng vốn và sức mạnh kinh tế thông qua chương trình này để gia tăng “quyền lực mềm”, đưa các quốc gia tham dự chương trình vào tầm khống chế của mình thông qua các khoản vay nợ. Khi một nước mất khả năng chi trả các khoản nợ đó, Bắc Kinh sẽ tìm cách đổi chác với chính quyền sở tại bằng cách buộc các nước này sang nhượng lại những lợi ích khác để “trả nợ” cho Bắc Kinh.