Tổ chức Global Fishing Watch (GFW) vừa công bố nghiên cứu mới nhất cho thấy hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc có quy mô lớn nhất và vươn xa nhất thế giới, vượt xa cả 10 vị trí theo sau cộng lại.
Tàu cá Trung Quốc trong một đợt lên đường từ cảng ở tỉnh Chiết Giang để đánh bắt ở biển Hoa Đông Ảnh: TÂN HOA XÃ
Hãng tin Reuters ngày 23-2 dẫn báo cáo được đánh giá là toàn diện và tập trung dữ liệu sâu nhất từ trước tới nay của GFW cho hay tàu cá Trung Quốc đại lục hoạt động khoảng 17 triệu giờ trong năm 2016, chủ yếu ở vùng biển ở phía Nam nước này, đồng thời vươn xa đến cả châu Phi và Nam Mỹ. Xếp thứ 2 là Đài Loan với 2,2 triệu giờ đánh bắt. Dữ liệu được thu thập và phân tích cho thấy thời gian và địa điểm đánh bắt của hầu hết các tàu cá trên thế giới.
Giám đốc nghiên cứu và phát triển GFW David Kroodsma nói rằng tầm hoạt động của đội tàu cá Trung Quốc thậm chí còn lớn hơn so với tưởng tượng của nhiều người. Lực lượng tàu đánh cá xa bờ của Trung Quốc – theo ước tính của Greenpeace là lớn nhất thế giới với 2.500 tàu – luôn luôn không được chào đón ở các vùng biển xa xôi.
Các tàu vốn không được hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác, được công ước Liên Hiệp Quốc quy định là 200 km tính từ bờ biển. Năm ngoái, tàu cá Trung Quốc bị bắt giữ ở Senegal, Guinea, Sierra Leone và Guinea-Bissau vì đánh bắt trái phép. Năm 2016, lực lượng tuần dương Argentina đánh chìm một tàu cá Trung Quốc với vi phạm tương tự. Cũng theo nghiên cứu với những dữ liệu được thu thập và phân tích trong vòng 5 năm này, khu vực đánh bắt rầm rộ nhất là vùng biển ngoài khơi Trung Quốc và các vùng biển ở Bắc và Nam Âu.
Trong khi đó, đài BBC cùng ngày đưa tin hoạt động đánh bắt cá vẫn tiếp tục nhiều ngày ở khu vực tràn dầu lớn trên biển Hoa Đông sau vụ chìm tàu Sanchi của Iran hôm 6-1. Phần lớn các tàu cá khai thác bất chấp nguy cơ ô nhiễm nguy hiểm này được xác định là của Trung Quốc.
Theo phân tích của tổ chức phi lợi nhuận OceanMind – chuyên theo dõi hoạt động đánh cá – có hơn 400 tàu cá có hoạt động đánh bắt trong khu vực, bao gồm 13 tàu hoạt động trong bán kính 60 hải lý quanh nơi chiếc tàu chở 136.000 tấn dầu chìm trong khoảng thời gian từ ngày 6 đến 25-1. Từ ngày 26-1 đến 14-2, có khoảng 146 tàu được thấy có hoạt động trong khu vực trên.
Các chuyên gia nói rằng đây là lần đầu tiên xảy ra một vụ tràn dầu mỏ đã qua chế biến với số lượng lớn như vậy. Độc tố của nó sợ rằng rất cao và nguy hiểm hơn các vụ rò rỉ dầu thô khác. Cộng đồng quốc tế đang không khỏi lo ngại sinh vật biển tại khu vực xảy ra tai nạn bị hủy hoại và nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của con người. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn chưa làm rõ về tình trạng đánh bắt sau tai nạn.