Wednesday, January 8, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnBill Clinton, George W. Bush đã bảo lãnh cho TQ trỗi dậy

Bill Clinton, George W. Bush đã bảo lãnh cho TQ trỗi dậy

Mỹ tin rằng thúc đẩy toàn cầu hóa và thúc đẩy dân chủ theo mô hình Mỹ đi đôi với nhau, thương mại phát triển sẽ khiến các công dân Trung Quốc tự giải phóng.

Tiếp theo bài viết “Mỹ lơ là “mất kiểm soát” Trung Quốc từ khi nào?”, chúng tôi xin giới thiệu đến quý bạn đọc những bình luận, đánh giá của học giả Hal Brands từ Trường Chính sách công Sanford, Đại học Duke trên The National Interest.

Bill Clinton, George W. Bush “diễn biến” Trung Quốc bất thành

Theo Hal Brands, lãnh đạo cũng như giới tinh hoa Hoa Kỳ từng tin rằng, thể chế chính trị tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có thể tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng chắc chắn không bền vững trong tương lai xa.

Mỹ đã thúc đẩy quan hệ thương mại lớn hơn với Bắc Kinh với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc.

Tầng lớp này sẽ đòi hỏi các quyền chính trị lớn hơn.

Washington tin rằng thúc đẩy toàn cầu hóa và thúc đẩy dân chủ theo mô hình Mỹ đi đôi với nhau, thương mại phát triển sẽ khiến các công dân Trung Quốc tự giải phóng.

Họ quan niệm, chỉ những xã hội thực sự tự do (kiểu Mỹ) mới có thể cạnh tranh trong một thị trường toàn cầu hội nhập.

Tổng thống Bill Clinton năm 2000 từng lập luận:

“Trung Quốc tự do hóa nền kinh tế sẽ giải phóng được tiềm năng của người dân đất nước họ một cách trọn vẹn.

Và khi các cá nhân có quyền, họ không chỉ mơ ước, mà còn có thể thực hiện ước mơ của mình, lúc đó họ sẽ đòi hỏi có tiếng nói lớn hơn.”

Tổng thống George W. Bush thì tin rằng, khi Hoa Kỳ mở cửa làm ăn tự do thương mại với Trung Quốc, sẽ góp phần vào sự giàu có của Mỹ mà không phải lo những hậu quả địa chính trị.

Ông tin các lực lượng hiện đại hóa và hội nhập kinh tế, cuối cùng sẽ dẫn đến biến đổi chế độ tại Trung Quốc. Năm 2000 ông George W. Bush kêu gọi:

“Thương mại tự do với Trung Quốc, và thời gian đang đứng về phía chúng ta.”

Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân và Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush tại Thượng Hải năm 2001, ảnh: ee.china-embassy.org

Những ý tưởng này được James Mann gọi là “tình huống êm dịu”, có sức hấp dẫn đối với niềm tin sâu đậm của người Mỹ rằng, mô hình chính trị của Hoa Kỳ vừa là mong muốn về mặt đạo đức, vừa là nhu cầu phổ quát.

Nó phản ánh sự lạc quan về ý tưởng hệ tư tưởng thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, đã hòa hợp tốt với các tài liệu khoa học xã hội mới nhất về mối quan hệ giữa thịnh vượng và dân chủ, giữa nền dân chủ với hòa bình.

Ít nhất, nó hữu ích trong việc đảm bảo rằng người Mỹ có thể tăng cường thương mại với Trung Quốc và “thưởng thức” các lợi ích kinh tế to lớn mà mối quan hệ này mang lại, nhưng không phải bỏ qua các giá trị đạo đức hoặc lợi ích an ninh quốc gia.

Ông Bill Clinton từng lập luận, nếu điều đó là sự thật thì sự lựa chọn giữa lợi ích kinh tế với nhân quyền, giữa an ninh kinh tế với an ninh quốc gia, là một sai lầm.

Mỹ vô hình trung bảo lãnh cho sự trỗi dậy của đối thủ

Thực tế theo thời gian những quan điểm nói trên ngày càng khó đứng vững.

Trung Quốc đã không tiến tới mô hình như Hoa Kỳ mong muốn và các nỗ lực Mỹ đã theo đuổi trong thế kỷ qua, ngay cả khi Trung Quốc trở nên giàu có hơn.

Thu nhập bình quân đầu người và cơ hội hội nhập kinh tế toàn cầu của Trung Quốc đã tăng lên. 

Có kinh tế và tiềm lực quân sự, Trung Quốc bắt đầu tranh giành ảnh hưởng với Mỹ ở Biển Đông, ảnh minh họa: Nhân Dân nhật báo.

Nhưng các nhà lãnh đạo quốc gia này đã sử dụng sự thịnh vượng kinh tế của họ để tìm kiếm tính hợp pháp, Hal Brands lưu ý.

Ông nghi ngờ khả năng Trung Quốc sẽ “diễn biến” thành một nền dân chủ (theo mô hình Mỹ) trước khi họ phát triển đủ mạnh để làm gián đoạn nghiêm trọng trật tự quốc tế.

Từ lâu hoa Kỳ đã cảm thấy chính họ đã góp phần bảo lãnh cho sự phát triển của Trung Quốc.

Kể từ cuối những năm 1980, các quan chức Mỹ đã tin tưởng một cách đích xác rằng, sự trợ giúp của Trung Quốc là rất quan trọng để giải quyết một loạt các vấn đề toàn cầu.

Từ tranh chấp thương mại đến vi phạm bản quyền, từ chống chủ nghĩa khủng bố đến biến đổi khí hậu, Mỹ tin rằng đều cần phải có tiếng nói của Trung Quốc.

Cả hai đảng trên chính trường Mỹ đều tin, Washington có thể giúp đỡ Bắc Kinh những vấn đề này, đồng thời “kiểm soát” được hành vi của Trung Quốc một cách rộng rãi hơn, bằng cách đưa họ vào hệ thống quốc tế;

Mỹ muốn chứng minh cho Trung Quốc thấy, họ có thể trở nên giàu có, có quyền lực và được tôn trọng bằng cách chấp nhận các luật chơi.

Biển Đông đang trở thành đấu trường cạnh tranh Trung – Mỹ, ảnh minh họa: anonhq.com.

Năm 2005 Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Zoelick tuyên bố, Mỹ muốn Trung Quốc cùng làm việc để duy trì hệ thống quốc tế đã giúp Bắc Kinh thành công.

Tuy nhiên nguồn gốc của quan điểm này đã có từ thời Bill Clinton và thậm chí xa hơn nữa, thời George HW Bush.

Năm 1989 Thứ trưởng Ngoại giao Lawrence Eagleburger lập luận, Hoa Kỳ có thể đạt được sự hợp tác của Trung Quốc trong việc chống phổ biến vũ khí hạt nhân ngay cả khi Mỹ cấm vận Trung Quốc sau vụ Thiên An Môn.

Ngoại trưởng Madeleine Albright năm 1997 đã lập luận:

“Trung Quốc là một thế lực đang nổi lên trong các vấn đề châu Á và thế giới. 

Lịch sử của thế kỷ này dạy cho chúng ta sự khôn ngoan của việc cố gắng hướng một thế lực như vậy tham gia một cách có trách nhiệm vào hệ thống quốc tế, chứ không phải đẩy Trung Quốc vào sa mạc của sự cô lập”. [3]

Kết quả là các quan chức Hoa Kỳ đã làm việc tích cực suốt một phần tư thế kỷ để giúp Trung Quốc hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.

Họ tin rằng một nước Trung Quốc giàu có sẽ là một quốc gia (khiến phần còn lại của thế giới) hài lòng, toàn cầu hóa sẽ thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác cùng có lợi mà Bắc Kinh không muốn phá vỡ.

RELATED ARTICLES

Tin mới