Wednesday, November 27, 2024
Trang chủĐiểm tinTriều Tiên ngỏ ý đối thoại, Mỹ “lạnh lùng” nêu điều kiện

Triều Tiên ngỏ ý đối thoại, Mỹ “lạnh lùng” nêu điều kiện

Nhà Trắng cho biết mọi cuộc đàm phán với Triều Tiên phải dẫn đến kết quả là phi hạt nhân hóa quốc gia này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: EPA.

Reuters ngày 25/2 dẫn nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết, bất kỳ cuộc đàm phán nào với Triều Tiên phải nhằm mục đích chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tuyên bố này được đưa ra sau khi các quan chức cấp cao của Triều Tiên ngỏ ý sẵn sàng đàm phán với Mỹ.

Phái đoàn Triều Tiên có mặt tại Pyeongchang dự lễ bế mạc Thế vận hội mùa đông đã có cuộc gặp tại một địa điểm không được tiết lộ với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và bày tỏ sẵn sàng gặp mặt phía Mỹ.

Trong tuyên bố nêu trên, phái đoàn Triều Tiên nói rằng tiến triển trong mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên và giữa Triều Tiên với Mỹ nên đi đôi với nhau.

Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang 2018 đã giúp tăng cường mối quan hệ gần đây giữa hai miền Triều Tiên sau hơn 1 năm căng thẳng liên quan đến việc Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa và tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 – vụ thử lớn nhất từ trước đến nay của nước này, bất chấp các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Đáng chú ý hơn, tuyên bố đầy thiện chí của phía Triều Tiên được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi Mỹ áp dụng gói trừng phạt mạnh tay nhất nhằm vào Triều Tiên vì chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.

Trong khi phái đoàn Triều Tiên phát đi tín hiệu tích cực thì cùng ngày, các phương tiện truyền thông của Bình Nhưỡng tiếp tục cáo buộc Washington tiếp tục kích động đối đấu trên Bán đảo Triều Tiên thông qua các lệnh trừng phạt. Trước mũi dùi công kích, Nhà Trắng khẳng định sẽ không từ bỏ những biện pháp trừng phạt.

Nhà Trắng vẫn tỏ ra cứng rắn: “Mỹ, nước chủ nhà Olympic Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế thống nhất rằng kết quả của mọi cuộc đối thoại với Triều Tiên phải là phi hạt nhân hóa. Chiến dịch gây áp lực tối đa cần tiếp tục cho đến khi Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân”.

Thông báo từ Nhà Trắng ngày 25/2 cho biết thêm: “Như Tổng thống Donald Trump từng nói, có một con đường tươi sáng hơn dành cho Triều Tiên nếu họ chọn phi hạt nhân hóa. Chúng tôi sẽ chờ xem thông điệp của Triều Tiên có mang lại những bước đi đầu tiên hướng tới phi hạt nhân hóa hay không”.

Tuyên bố của Nhà Trắng cũng nêu rõ: “Trong khi chờ đợi, Mỹ và thế giới phải tiếp tục làm rõ rằng chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên sẽ chỉ dẫn đến sự kết thúc đầy chết chóc”.

Mỹ sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên VOV.VN – Sau khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Yong-chol gửi đi tín hiệu về đối thoại, chính quyền Mỹ vừa tuyên bố họ sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên.

Gần mặt, xa cách lòng

Cả Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và ông Kim Yong-chol, Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên, trưởng phái đoàn Triều Tiên dự lễ bế mạc Olympic tại Hàn Quốc cùng Ivanka Trump – con gái Tổng thống Mỹ Donald Trump đều có mặt tại lễ bế mạc Olympic Pyeongchang tối qua (25/2).

Tuy nhiên, theo một quan chức cấp cao trong Chính phủ Mỹ, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ Ivanka Trump đã không có bất kỳ tương tác nào với phái đoàn Triều Tiên ngoài việc đứng lên và vỗ tay cùng với vợ chồng Tổng thống Hàn Moon Jae-in khi vận động viên Triều Tiên và Hàn Quốc tiến vào sân vận động, vẫy cờ nước họ và cờ bán đảo Triều Tiên thống nhất.

Trong khi đó, bản thân sự xuất hiện của ông Kim Yong-chol tại Hàn Quốc cũng đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Nguyên nhân là ông Kim từng bị Hàn Quốc nghi ngờ chỉ đạo 2 vụ tấn công lớn năm 2010, làm chìm một tàu chiến khiến 46 thủy thủy thiệt mạng và công kích một hòn đảo gây thương vong. Bên cạnh đó, ông Kim cũng nằm trong danh sách cấm vận của cả Mỹ và Hàn Quốc.

Tâm lý bị kích động của gia đình 46 thủy thủ thiệt mạng trong vụ tàu Cheonan của Hàn Quốc bị ngư lôi của Triều Tiên đánh chìm năm 2010 đã ít nhiều ảnh hưởng đến bầu không khí hòa giải vốn ngập tràn ở Olympic Pyeongchang 2018 – kỳ thế vận hội được nước chủ nhà mô tả là Olympic của hòa bình.

Khoảng 100 nghị sĩ và các nhà hoạt động bảo thủ của Hàn Quốc đã tiến hành một cuộc tuần hành gần khu vực biên giới với Triều Tiên để phản đối sự xuất hiện của ông Kim Yong-chol trên đất Hàn Quốc và đối đầu với lực lượng an ninh.

Phái đoàn Triều Tiên đã phải chuyển lộ trình để tránh gặp phiền phức. Ngay lập tức, phe đối lập của Hàn Quốc lên tiếng cáo buộc Tổng thống Moon Jae-in “lạm quyền và phản bội” thông qua việc điều chỉnh kế hoạch để bảo vệ phái đoàn Triều Tiên khỏi cuộc biểu tình nói trên.

Nguồn tin của chính phủ Hàn Quốc cho biết, Tổng thống Moon Jae-in đã có cuộc gặp riêng với ông Kim Yong-chol trước thềm lễ bế mạc nhưng chi tiết cuộc gặp không được công bố.

Vẫn là những cảnh báo

Triều Tiên đã cử Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018. Bà Kim ngay lập tức trở thành tâm điểm chú ý của dư luận, đặc biệt khi bà chỉ đứng cách Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence vài bước chân trong lễ khai mạc. Họ không nói với nhau câu nào.

Bà Kim Yo-jong và Kim Yong-chol là những quan chức cấp cao nhất của Triều Tiên tới thăm Hàn Quốc trong hơn một thập kỷ qua. Ông Kim Yong-chol sau đó nói rằng ông muốn tạo ra một “bầu không khí hòa hợp ấm cúng và đối thoại”.

Ở phía bên kia “chiến tuyến”, Tổng thống Mỹ khi công bố các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên hôm 23/2 cảnh báo về “giai đoạn hai” có thể sẽ là “rất, rất không may cho thế giới” nếu các biện pháp trừng phạt không hiệu quả.

Đáp trả, Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói trong một thông cáo được hãng tin nhà nước KCNA đăng tải gọi đây là “một hành động gây chiến”; đồng thời cảnh báo sẽ trả đũa nếu Mỹ”thực sự có gan” đối đầu Triều Tiên theo cách “tàn khốc”.

Trung Quốc cũng có phản ứng khá giận dữ khi cho rằng lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ nhằm vào các công ty và công dân Trung Quốc có nguy cơ gây tổn hại đến hợp tác về vấn đề Triều Tiên.

Ông Moon Jae-in ngay sau khi trở thành Tổng thống Hàn Quốc hồi năm ngoái đã hứa hẹn sẽ cố gắng để cải thiện quan hệ với Triều Tiên.

RELATED ARTICLES

Tin mới