Theo logic quan điểm của ông Barack Obama, một Trung Quốc suy yếu đáng sợ hơn là một Trung Quốc cường thịnh.
Tiếp theo bài viết “Bill Clinton, George W. Bush đã bảo lãnh cho Trung Quốc trỗi dậy”, chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu đến quý bạn đọc bình luận, nhận định của học giả Hal Brands về chính sách không phù hợp của Mỹ với Trung Quốc thời chính quyền Barack Obama.
Dưới thời 2 Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush, Mỹ tin rằng thúc đẩy toàn cầu hóa và thúc đẩy dân chủ theo mô hình Mỹ đi đôi với nhau, thương mại phát triển sẽ khiến các công dân Trung Quốc tự giải phóng.
Và thực tế thời kỳ này dư luận quốc tế và trong lòng nước Mỹ ủng hộ chính sách cô lập Bắc Kinh cũng rất ít phổ biến, ngoại trừ những hậu quả trực tiếp từ sự kiện Thiên An Môn.
Washington đã nỗ lực thúc đẩy quốc gia đông dân nhất thế giới hội nhập vào trật tự toàn cầu rộng lớn hơn.
Trung Quốc hội nhập kiểu nghi binh
Trong một số khía cạnh nhất định, sự hội nhập này chắc chắn xảy ra:
Nền kinh tế Trung Quốc đang ngày càng toàn cầu hóa; Sự tham gia của Trung Quốc vào ngoại giao quốc tế rộng lớn hơn rất nhiều so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Trong một số vấn đề quan trọng, Trung Quốc đã hợp tác với các mục tiêu chính sách của Hoa Kỳ:
Bắc Kinh đã ủng hộ mở rộng không giới hạn hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân những năm 1990, hỗ trợ (dù miễn cưỡng) chiến lược cô lập Iran về kinh tế để đổi lấy nhượng bộ chương trình hạt nhân;
Những năm cuối nhiệm kỳ Tổng thống thứ 2 của ông Barack Obama, Bắc Kinh nhiệt tình tham gia và tạo bước đột phá về thỏa thuận chống biến đổi khí hậu.
Gần đây, thậm chí Trung Quốc còn tự xây dựng hình ảnh cho mình như một “thành trì” bảo vệ toàn cầu hóa và chủ nghĩa đa phương, chống lại chủ nghĩa bảo hộ (thực chất là chính sách Nước Mỹ trên hết) của Donald Trump.
Tuy nhiên sau hơn hai thập kỷ, thực tế cho thấy chưa bao giờ Bắc Kinh sẵn sàng thay đổi những gì họ cho là lợi ích cốt lõi của an ninh quốc gia, cho phù hợp với khái niệm trật tự toàn cầu của Washington.
Hal Brands liệt kê các bằng chứng:
Mỹ nỗ lực tìm kiếm hợp tác của Trung Quốc trong việc kiềm chế chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên bất thành; Trung Quốc ngày càng bành trướng trên Biển Đông và Hoa Đông;
Những nỗ lực bắt nạt các nước láng giềng dọc ngoại vi hàng hải và lãnh thổ; Cưỡng bức ngoại giao, kinh tế và phương tiện bán vũ trang ngày càng tăng;
Hoạt động quấy rối máy bay quân sự và tàu chiến Hoa Kỳ trên vùng biển quốc tế; tích tụ quân sự của Trung Quốc ngày càng lớn.
Một tàu lặn không người lái của Hải quân Mỹ từng bị Trung Quốc bắt giữ trong vùng biển quốc tế trên Biển Đông năm 2017, ảnh minh họa: thedrive.com. |
Ngay cả khi Trung Quốc được hưởng lợi từ trật tự quốc tế hiện tại, Bắc Kinh vẫn thường xuyên từ chối tuân thủ luật chơi.
Ông Tập Cận Bình có thể là một nhà hùng biện về tự do thương mại và toàn cầu hóa, nhưng thực tế các chính sách kinh tế của Trung Quốc thường có khuynh hướng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại trong nước.
Trong khi Trung Quốc tuyên truyền về “châu Á cho người châu Á” thì các nhà lãnh đạo Trung Quốc lại đòi hỏi các nước láng giềng phải tôn trọng (cái gọi là) các đặc quyền của Bắc Kinh.
Nhà Trắng sai lầm trong chính sách với Trung Nam Hải và hệ lụy Biển Đông
Kể từ thập niên 1990, các quan chức Mỹ đã đánh giá một cách cụ thể rằng, Trung Quốc đang ở điểm chuyển hướng trong mối quan hệ với thế giới bên ngoài;
Và nếu Mỹ kiềm chế các hành vi này, sẽ đẩy Bắc Kinh lún sâu vào chủ nghĩa dân tộc và thù hận.
Họ tin rằng, đối xử với Trung Quốc như một người bạn, Trung Quốc sẽ trở thành người bạn; Xem Trung quốc như một kẻ thù, Trung Quốc sẽ trở thành kẻ thù, nói như trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Joshep Nye năm 1995.
Có thể thấy các ví dụ về quan điểm tương tự từ các quan chức dưới thời George W. Bush và Barack Obama.
Đô đốc Timothy Keating, ảnh: Lowy Institute. |
Đô đốc Timothy Keating khi còn là Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương đã nói: “Chúng tôi không muốn bao vây họ. Chúng tôi muốn cho họ thấy và đảm bảo với họ, chúng tôi không có ý đồ xấu.”
Những năm 1990 khi Trung quốc còn tương đối yếu và sự thống trị của Mỹ không bị cản trở, Washington đã cố gắng trấn an Bắc Kinh rằng quan hệ Trung – Mỹ không phải là mâu thuẫn.
Chính sách của Mỹ sau đó đã khuyến khích sự không sẵn lòng thảo luận một cách trung thực các vấn đề mà Trung Quốc đặt ra.
Năm 2016, Nhà Trắng yêu cầu Lầu Năm Góc ngừng sử dụng thuật ngữ “cạnh tranh siêu cường” để mô tả quan hệ Trung – Mỹ.
Điều này đã cản trở các biện pháp sắc bén và có hiệu quả hơn để kiềm chế chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc. Phó Cố vấn An ninh quốc gia của Phó Tổng thống Joe Biden, Ely Ratner đã viết:
Hoa Kỳ đã liên tục phản ứng lại việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) và cưỡng ép các nước láng giềng ở Biển Đông bằng cách tố cáo các hành vi đó;
Nhưng đồng thời Washington lại tìm cách giảm căng thẳng và tránh xung đột bất cứ khi nào có thể.
Quan điểm này đã thành công trong việc tránh xung đột quân sự không mong muốn, nhưng đồng thời cũng cho phép Trung Quốc vượt rào, kiểm soát hoàn toàn tuyến đường thủy quan trọng này. [3]
Từ đầu năm 1993 quân đội Trung Quốc đã khẳng định:
“Do Trung Quốc và Hoa Kỳ có xung đột lâu dài về hệ tư tưởng, hệ thống xã hội và chính sách đối ngoại, quan hệ Trung – Mỹ sẽ cơ bản không thể cải thiện”;
Quan điểm này vẫn không thay đổi và hình thành chính sách làm suy yếu ảnh hưởng và vị thế của Hoa Kỳ ở châu Á – Thái Bình Dương những năm gần đây.
Trong khi đó đến tận 2016, Tổng thống Barack Obama vẫn nhận định rằng:
“Chúng ta (Hoa Kỳ) phải lo sợ hơn nếu Trung Quốc đang bị suy yếu.
Nếu Trung Quốc thất bại, nếu họ không thể duy trì một quỹ đạo phù hợp với dân số của họ, sau đó chúng ta không chỉ thấy nguy cơ xung đột với Trung Quốc, mà còn gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết những thách thức sắp xảy ra.” [4]
Thomas Christensen đã luận giải logic ý tưởng này của Barack Obama là “Trung Quốc đã trở nên quá lớn để thất bại”.
Cụ thể hơn, theo quan điểm này nếu kinh tế Trung quốc sụp đổ hoặc trì trệ kéo dài, thế giới sẽ phải vật lộn để duy trì sự thịnh vượng và tăng trưởng kinh tế toàn cầu;
Nếu Trung Quốc lâm vào rối loạn trong nước, họ có thể gây ra thảm họa nhân đạo ngay tại đất nước mình, cũng như bất ổn cho các khu vực rộng lớn hơn ở châu Á;
Thậm chí trong trường hợp xấu nhất, Trung Quốc có thể “chuyển lửa ra ngoài” nếu nội bộ có biến…Do đó, chính sách của Hoa Kỳ phải tập trung vào khuyến khích sự phát triển của Trung Quốc.
Nói cách khác, theo logic quan điểm của ông Barack Obama, một Trung Quốc suy yếu đáng sợ hơn là một Trung Quốc cường thịnh.
Tuy nhiên ý tưởng này ngày càng trở nên ít phù hợp để giải quyết mối quan hệ Trung – Mỹ ngày càng cạnh tranh khốc liệt.