Saturday, November 23, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiBỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch TQ: Lực đẩy bất ngờ...

Bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch TQ: Lực đẩy bất ngờ và rủi ro rình rập tham vọng của ông Tập

Đề xuất của trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc về việc xóa quy định giới hạn hai nhiệm kỳ đối với chức vụ Chủ tịch nước đang gây nhiều tranh luận trong dư luận nước này.

Ông Tập Cận Bình đọc báo cáo chính trị tại Đại hội toàn quốc khóa 19 của ĐCSTQ, tháng 10/2017 (Ảnh: Xinhua)

Rủi ro và cơ hội cùng mở ra với Trung Quốc

Ông Trần Kiệt Nhân, giáo sư/nhà nghiên cứu tại Đại học Chính pháp Trung Quốc, cho biết mặc dù ông nghĩ chủ tịch Tập Cận Bình đã đạt nhiều thành tựu lớn hơn những tiền nhiệm, song quy định về giới hạn nhiệm kỳ vẫn là một xu thế chung trên thế giới.

“Chúng ta phải tin rằng có nhiều hơn nữa những người tài ở Trung Quốc có khả năng vận hành đất nước,” ông Trần nói. “Đặt niềm hy vọng của Trung Quốc vào tay chỉ một hay vài người sẽ là phi thực tế và là dấu hiệu của sự mất lòng tin vào chính người dân Trung Quốc.”

Đề xuất sửa đổi hiến pháp do trung ương ĐCSTQ công bố hôm 25/2 đã làm nóng các diễn đàn ở nước này và dấy lên nhiều cuộc tranh luận.

Theo ông Michael Kovrig, cố vấn cao cấp về Đông Bắc Á tại tổ chức tư vấn độc lập International Crisis Group, đề xuất sửa đổi hiến pháp ở Trung Quốc mở ra khả năng kéo dài thời kỳ lãnh đạo của ông Tập Cận Bình – lãnh đạo quyền lực nhất của nước này từ sau Mao Trạch Đông.

Kovrig cho rằng diễn biến mới tiềm ẩn cả cơ hội lẫn rủi ro khi vấn đề quyết sách trở nên mang tính cá nhân nhiều hơn. 

“Việc một điều gì đó có tốt cho Trung Quốc và thế giới hay không sẽ phụ thuộc vào một người có ra quyết định đúng hay không,” ông nói.

“Với các chính phủ nước khác, việc tìm kiếm và phát triển các kênh đối ngoại để những vấn đề của họ được ông Tập chú ý thậm chí còn trở nên quan trọng hơn là khiến ông đưa ra quyết định về các vấn đề này. Số lượng và khối lượng quyết sách có thể rất nặng nề, trừ khi ông Tập có một hệ thống rất hiệu quả để quản lý các vấn đề.”

Đề xuất sửa đổi hiến pháp được công bố trong bối cảnh Trung Quốc tỏ ra sẵn sàng hơn trong đảm nhận vai trò dẫn dắt toàn cầu, trong khi ảnh hưởng của Mỹ và châu Âu giảm sút. Ông Tập nhiều lần phát biểu ủng hộ thương mại toàn cầu trong 5 năm qua, còn tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Orville Schell, giám đốc Trung tâm quan hệ Mỹ-Trung Quốc tại tổ chức Asia Society, New York, cho rằng việc hủy bỏ quy định nhiệm kỳ đối với chức Chủ tịch Trung Quốc sẽ trao cho Bắc Kinh thêm động lực và cơ hội thành công trong các tham vọng của mình, ví dụ như sáng kiến “Vành đai và Con đường”, hay tầm nhìn lớn của ông Tập về viễn cảnh Trung Quốc trở thành trung tâm của vũ đài toàn cầu.

“Bằng cách mở đường cho các nhà hoạch định lên kế hoạch cho các tham vọng của Trung Quốc ở nước ngoài với sự bảo đảm về dài hạn và tính liên tục, các dự án lớn toàn cầu đã được khởi động – như Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), sáng kiến Vành đai và Con đường, hoạt động ở biển Đông, và ngay cả mục tiêu không công khai về [Trung Quốc] trở thành thế lực lớn nhất châu Á-Thái Bình Dương – nay bất ngờ có thêm lực đẩy để có thể thành công.”

Hoàn Cầu: Sửa đổi hiến pháp phù hợp thời đại mới

Trong các bài xã luận đăng trong hai ngày 25 và 26/2, tờ Thời báo Hoàn Cầu – thuộc chủ quản của báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo – khẳng định các đề xuất sửa đổi hiến pháp sẽ củng cố vai trò lãnh đạo của ĐCSTQ và phù hợp với tình hình thời đại mới.

Hoàn Cầu cho hay, kể từ khi nước CHND Trung Hoa thành lập (1949), đã có nhiều điều chỉnh được ban hành liên quan đến chức vụ Chủ tịch Trung Quốc và nhiệm kỳ giữ chức.

Tờ này lập luận, trong hai thập kỷ qua, cơ chế “tam vị nhất thể” – tức lãnh đạo tối cao của đất nước giữ các chức Tổng bí thư ĐCSTQ, Chủ tịch Trung Quốc và Chủ tịch quân ủy trung ương ĐCSTQ – đã chứng minh tính hiệu quả. Do đó, việc hủy bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ đối với chức Chủ tịch nước “sẽ giúp duy trì hệ thống ‘tam vị’ và cải thiện vai trò lãnh đạo của ĐCSTQ đối với đất nước”.

Hoàn Cầu cho biết, thay đổi quy định về nhiệm kỳ không đồng nghĩa Chủ tịch Trung Quốc sẽ có một “nhiệm kỳ trọn đời”.

“Đã có nhận thức chung rộng rãi trong và ngoài đảng rằng kể từ khi cải cách mở cửa, Trung Quốc – dưới sự dẫn dắt của đảng – đã thành công và sẽ tiếp tục thành công trong giải quyết vấn đề chuyển giao quyền lực trong đảng và của đất nước, trên cơ sở tuân thủ luật pháp và các quy định.”

RELATED ARTICLES

Tin mới