Wednesday, January 15, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiSau 2023, ông Tập có ở lại giúp TQ vượt qua cái...

Sau 2023, ông Tập có ở lại giúp TQ vượt qua cái bóng Mỹ?

Trung Quốc sẽ không chịu mãi núp bóng Mỹ và nhà lãnh đạo Tập Cận Bình luôn tâm niệm chỉ có Bắc Kinh mới xứng đáng ngồi vào chiếc ghế đầu tàu mà Washington bỏ lại.

Việc xóa bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ giúp Chủ tịch Tập Cận Bình có cơ hội nắm quyền lãnh đạo đất nước thêm một nhiệm kỳ mới thể hiện rõ tham vọng biến Trung Quốc trở thành một cường quốc toàn cầu.

Trung Quốc đang nằm trong thế giằng co với Mỹ trong mối quan hệ được cho là căng thẳng chưa từng có trong nhiều năm qua. Hiện tại, Chủ tịch Tập Cận Bình đang tràn đầy cơ hội giữ vững chiếc ghế lãnh đạo của mình thêm 10 năm nữa để tập trung ứng phó trước sức ép từ phía chính quyền Donald Trump, theo New York Times.

Ngay trước khi Đảng cộng sản Trung Quốc ra tuyên bố sẽ xóa bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ Chủ tịch nước – mở đường cho ông Tập có thể được bầu thêm một nhiệm mới nữa sau năm 2023 – nhà lãnh đạo Bắc Kinh đã có những động thái mới trong việc thúc đẩy quân đội Trung Quốc bắt tay vào kế hoạch hiện đại hóa quân sự.

Thay vì bắt đầu một nhiệm kỳ cuối cùng trước khi nghỉ hưu, ông Tập đang tràn đầy cơ hội để tiếp tục chương trình nghị sự biến Trung Quốc trở thành một cường quốc toàn cầu, bất chấp nguy cơ đưa Bắc Kinh và Washington tiến vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới sau 40 năm, các nhà phân tích cho biết.

“Ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, vai trò thống trị của Mỹ theo nghĩa chính trị và quân sự cần được điều chỉnh lại”, Cui Liru, cựu chủ tịch Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, cơ quan tư vấn thuộc Bộ Ngoại giao nước này, nói. “Điều này không có nghĩa là Mỹ buộc phải từ bỏ lợi ích của mình. Nhưng nếu Mỹ muốn thống trị mãi mãi lại là vấn đề khác”.

Đánh giá về khả năng xảy ra xung đột Mỹ-Trung trong khu vực, ông Cui nói: “Tôi không loại trừ khả năng đó. Trong giai đoạn chuyển đổi này, nó phụ thuộc vào việc hai bên giải quyết như thế nào”. Ông nói thêm rằng, sẽ “không bình thường đối với Trung Quốc nếu chịu núp bóng Mỹ mãi mãi”.

Đồng quan điểm với nhiều nhà phân tích và các quan chức quân sự Trung Quốc, ông Tập Cận Bình nhận ra rằng Mỹ giờ đây giống như một cường quốc đang trên đà suy yếu – và Bắc Kinh phải là nước ngồi vào chiếc ghế đầu tàu mà Washington bỏ lại.

Ông Tập đã đẩy nhanh kế hoạch hiện đại hóa quân đội bao gồm xây dựng lực lượng “hải quân biển xanh”, tăng ngân sách cho mục tiêu vũ khí hóa không gian và thành lập căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, ông Tập còn thúc đẩy một chương trình cơ sở hạ tầng toàn cầu để mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh với sáng kiến Vành đai Con đường được đầu tư với quy mô khổng lồ.

Thái độ của nhà lãnh đạo Bắc Kinh với vị thế của Trung Quốc trên thế giới đã được tái khẳng định một lần nữa trong bài xã luận trên tờ Global Times hôm 27/2: “Đất nước chúng ta phải tận dụng từng ngày, từng giờ… Chúng ta không thể bị xáo trộn bởi thế giới bên ngoài hoặc mất tự tin khi phương Tây đang ngày càng trở nên cảnh giác với Trung Quốc”.

Sau 2023, ông Tập có ở lại giúp Trung Quốc vượt qua cái bóng Mỹ? - Ảnh 2

Liên minh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Tổng thống Trump vẫn còn là dấu hỏi.

Hugh White, một học giả và cựu quan chức quốc phòng Australia, cho biết: “Giờ đây, rõ ràng chương trình nghị sự của ông Tập về việc xây dựng một trật tự châu Á mới – với Trung Quốc nằm ở vị trí trung tâm – đang được tiến hành”. Ông White lập luận rằng Mỹ phải sẵn sàng chia sẻ quyền lực với Trung Quốc ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

“Ông Tập đang khai thác không gian mà Mỹ tự nguyện bỏ rơi”, Shi Yinhong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin, nói. Các nhà phân tích cho biết, lo ngại nhất đối với Mỹ hiện tại là sự cạnh tranh chiến lược đang nổi lên ở Châu Á, nơi mà Trung Quốc đang tìm cách thách thức sự thống trị của quốc gia này lần đầu tiên kể từ Thế chiến II.

“Mục tiêu quân sự của Trung Quốc là vượt qua chuỗi đảo đầu tiên”, ông Cui mô tả về chuỗi đảo phòng thủ đầu tiên của Mỹ tại Đông Á, nơi quân đội Trung Quốc muốn thiết lập sự hiện diện.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã khiến các nhà hoạch định chính sách Mỹ thất vọng xen lẫn lo lắng, khi Trung Quốc ngày càng độc đoán hơn. Đứng trước tham vọng của Bắc Kinh, chính quyền Trump tháng này đã kêu gọi khôi phục lại kho vũ khí hạt nhân quốc gia để đối phó với Nga và ở một mức độ thấp hơn là Trung Quốc – một cách tiếp cận khiến quốc gia châu Á cảm thấy lo ngại, dè chừng.

“Ông ấy quyết tâm duy trì sức mạnh quân sự Mỹ để ứng phó với sự tăng cường chiến lược ngày càng lớn của Trung Quốc. Điều đó sẽ làm cho mối quan hệ đối đầu trở nên sâu sắc hơn”, chuyên gia Shi cảnh báo về nguy cơ mâu thuẫn.

Trong vài tháng trở lại đây, Mỹ đang tích cực xây dựng liên minh “Ấn Độ-Thái Bình Dương” trở nên mạnh mẽ hơn với sự tham gia của những cái tên lớn như Australia, Ấn Độ và Nhật Bản, tạo nên sự đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Bốn quốc gia này sẽ tăng cường hợp tác quân sự và đầu tư vào cơ sở hạ tầng để cạnh tranh với các dự án của Bắc Kinh trong khu vực.

Tuy nhiên các nhà phân tích Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh có vẻ coi thường tính khả thi của liên mình này khi đánh giá chính quyền Trump sẽ không muốn chi tiền cho các dự án lớn như vậy. “Trước mắt, Trung Quốc không quan tâm đến ‘Bộ Tứ Ấn Độ-Thái Bình Dương’, bởi khả năng hình thành một liên minh sừng sỏ như thế là không khả thi”, giáo sư Shi Yinhong nói thêm.

RELATED ARTICLES

Tin mới