Wednesday, January 8, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiTham vọng quốc phòng của TQ khiến Mỹ và đồng minh dè...

Tham vọng quốc phòng của TQ khiến Mỹ và đồng minh dè chừng

Mỹ và một số đồng minh Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc đang theo dõi sát sao kế hoạch chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc với thái độ lo ngại.

Trung Quốc sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục 1,1 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 174,5 tỷ USD) trong năm 2018. Ảnh: NDTV.

Chính phủ Trung Quốc ngày 6/3 vừa qua thông báo, ngân sách quốc phòng của nước này sẽ tăng lên mức kỷ lục 1,1 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 174,5 tỷ USD) trong năm 2018. Ngay sau thông báo của Trung Quốc, Mỹ và một số đồng minh Châu Á đã bày tỏ quan ngại.

Vì sao Trung Quốc quyết tâm tăng chi tiêu quốc phòng

Dự thảo ngân sách quốc phòng năm 2018 tăng 8,1% so với năm ngoái và là mức chi cao nhất trong lịch sử.  Trong khi mức tăng chi phí cho quốc phòng năm 2017 là 7%, năm 2016 là 7,6%.

Trong báo cáo công tác của chính phủ trình bày trước kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa 13, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, đối mặt với những thay đổi sâu sắc trong môi trường an ninh, Trung Quốc cần phải khẳng định rõ vai trò đầu tàu, theo chỉ chị của Chủ tịch Tập Cận Bình, cải thiện năng lực của lực lượng vũ trang và phát triển quốc phòng.

Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh tất cả các lĩnh vực liên quan đến quốc phòng như huấn luyện quân đội, chuẩn bị cho mọi tình huống chiến tranh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia.

Người phát ngôn Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) Zhang Yesui  cho rằng, “dù tỷ lệ chi phí quốc phòng so với GDP, tỷ trọng trong tổng ngân sách hay tính theo bình quân đầu người, chi phí quốc phòng của Trung Quốc đều thấp hơn các quốc gia lớn trên thế giới”. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm về so sánh chi tiêu quốc phòng năm 2017, Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu với tổng mức chi cao gấp 3 lần so với Trung Quốc và gấp 9 lần Nga.  

Theo ông Zhang Yesui, phần lớn trong số ngân sách quốc phòng mới là để bù đắp cho việc chi tiêu quân sự ở mức thấp trong thời gian vừa qua và chủ yếu dùng vào việc nâng cấp vũ khí, trang thiết bị, cải thiện phúc lợi cho quân nhân, cải thiện điều kiện sống và huấn luyện cho các đơn vị quân đội cấp cơ sở. Vị quan chức này cũng nhấn mạnh rằng, Trung Quốc theo đuổi chính sách quốc phòng mang tính phòng ngự và không gây đe dọa đối với  nước khác.

Còn giáo sư Yoram Evron, một chuyên gia nghiên cứu quân sự Trung Quốc tại Đại học Haifa, Israel cho rằng: “Việc tạo ra lực lượng quân đội mạnh mẽ sẽ giúp Trung Quốc gây dựng hình ảnh là quốc gia quyền lực. Đề xuất tăng chi tiêu quốc phòng sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong nước và giúp Trung Quốc tạo ra hệ thống phòng thủ đáng tin cậy.”

Điều này cũng phù hợp với sách lược của chủ tịch Tập Cận Bình. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng một lực lượng quân đội sẵn sàng chiến đấu mạnh mẽ hơn, đồng thời củng cố vai trò lãnh đạo của ông đối với quân đội.

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, mục tiêu ngân sách quốc phòng nêu trên là hoàn toàn dể hiểu và phù hợp với hoài bão của Trung Quốc. Ông Guo Xiaobing, phó giám đốc và giáo sư nghiên cứu thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR) đã vạch ra một loạt các đe dọa mà quân đội Trung Quốc sẽ phải đối phó bao gồm bảo vệ vùng biển, chống khủng bố, các hoạt động cứu trợ thiên tai, tiến hành các hoạt động bảo vệ và hộ tống các tàu chở hàng của mình qua vịnh Aden. Học giả này cũng cho rằng Trung Quốc rất minh bạch về mức chi tiêu quân sự, đề cập đến báo cáo xác định mục tiêu quân sự của Trung Quốc tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10/2017.

Mỹ và một số đồng minh Châu Á “ngồi trên đống lửa”

Mỹ và một số đồng minh Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc đang theo dõi sát sao kế hoạch chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc với thái độ lo ngại.

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, Đô đốc Scott Swift cho rằng Trung Quốc vẫn thiếu rõ ràng và minh bạch về việc sử dụng ngân sách quốc phòng mới, chẳng hạn như đầu tư trong lĩnh vực nào và tại sao. Ông nhấn mạnh, điều này có thể “gây ra những phản ứng mạnh mẽ trong khu vực, phá vỡ an ninh, ổn định và dòng chảy tự do thương mại”.

Hãng tin Sputnik dẫn nhận định của chuyên gia phân tích chính trị Pearse Redmond cho rằng, một cuộc đối đầu quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ khó xảy ra, tuy nhiên còn có những mặt trận khác để hai siêu cường này đáp trả nhau vì mối bất đồng.

Theo ông, Mỹ có thể phát động một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc nhằm phản ứng trước việc quốc gia Châu Á này tăng ngân sách quốc phòng. “Một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang dần hình thành rõ rệt, điển hình là việc Mỹ đã áp đặt mức thuế cao đối với các loại hàng hóa từ Trung Quốc và trong thời gian tới có thể là đưa ra lệnh trừng phạt về kinh tế đối với các quan chức đặc biệt của Trung Quốc.”

Mặt khác, Mỹ có thể viện cớ Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng để gia tăng ồ ạt ngân sách quân sự. Cơ quan Tình báo và quân sự Mỹ hiện nay đang nhận được sự ủng hộ của Quốc hội cho mở rộng các hoạt động trong và ngoài nước. Vì vậy, một cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Trung Quốc cũng không nằm ngoài dự tính. 

Tim Huxley, Giám đốc điều hành khu vực châu Á của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) cho biết, thế giới đang chứng kiến thời kỳ đầu tư lâu dài của Trung Quốc đối với lĩnh vực công nghệ quân sự không chỉ có khả năng cạnh tranh mà thậm chí còn vượt qua cả Mỹ và các nước phương Tây.

Việc Trung Quốc tuyên bố tăng chi tiêu quân sự thêm 8,1% trong năm 2018 cũng khiến Nhật Bản quan ngại. Giáo sư Yoichi Shimada nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Đại học Fukui, Nhật Bản, nhận định việc chi tiêu quân sự của Trung Quốc thậm chí còn cao hơn con số thực tế mà chính phủ nêu ra. Đó là mức tăng lớn. Không chỉ quy mô chi tiêu quốc phòng gây quan ngại mà chất lượng quân đội Trung Quốc cũng đang được cải thiện một cách rõ ràng.

Trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã phê chuẩn ngân sách quốc phòng cao kỷ lục trị giá 5.190 tỷ yên (46 tỷ USD) cho tài khóa 2018 nhằm trang bị một hệ thống phòng thủ tên lửa mới và các tên lửa hành trình mới để đối phó với các mối đe dọa về an ninh.

RELATED ARTICLES

Tin mới