Saturday, January 18, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiChủ tịch Tập Cận Bình lên đỉnh quyền lực

Chủ tịch Tập Cận Bình lên đỉnh quyền lực

Với việc thực hiện được sửa đổi Hiến pháp cho phép không hạn chế nhiệm kỳ Chủ tịch nước, nhiều người cho rằng Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã bước lên đỉnh cao quyền lực ở Trung Quốc, sau thời Mao Trạch Đông.

Báo The Straits Times (Singapore) đã chọn Tổng bí thư – Chủ tịch nước Tập Cận Bình là “Nhân vật châu Á của năm 2017”. Ông Tập cũng được tạp chí Time bình chọn là một trong 10 nhân vật có ảnh hưởng nhất năm 2017

Chiều 11-3-2018, với 2.958 phiếu thuận, 2 phiếu chống, 3 phiếu trắng và 1 phiếu không hợp lệ, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa XIII đã thông qua các nội dung sửa đổi Hiến pháp, trong đó có đề xuất xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với vị trí Chủ tịch nước. 

Kết quả đó mở đường cho Chủ tịch Tập Cận Bình có thể tiếp tục nắm quyền sau khi nhiệm kỳ thứ 2 của ông kết thúc vào năm 2023. 

 Ngoài việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, nội dung sửa đổi Hiến pháp lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ qua này còn bao gồm việc đưa tư tưởng chính trị của Chủ tịch Tập Cận Bình vào Hiến pháp Trung Quốc.  

Sự chuẩn bị trong một nhiệm kỳ

 Theo  Jeffrey A. Bader – nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại thuộc Trung tâm Trung Quốc John L. Thornton, trực thuộc Viện Brooking (Mỹ), quá trình thực hiện được sửa đổi Hiến pháp lần này của ông Tập Cận Bình được cho là nhờ sử dụng thành công nhiệm kỳ đầu tiên để nắm thế độc quyền đối với một loạt vị trí lãnh đạo (thông tin cho biết ông nắm kiêm nhiệm 13 vị trí lãnh đạo).  

Trong năm 2017, sự kiện chính trị quan trọng nhất đối với Trung Quốc là đại hội đại biểu toàn quốc khóa 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ngay sau đại hội, báo chí quốc tế đã đánh giá Tổng bí thư – Chủ tịch nước Tập Cận Bình (64 tuổi) là nhân vật quyền lực nhất ở Trung Quốc chỉ sau Mao Trạch Đông.

Ngày khai mạc Đại hội đảng khóa 19 (18-10-2017), ông Tập đã đọc báo cáo chính trị trong suốt ba tiếng rưỡi trước gần 2.300 đại biểu tham dự đại hội. Báo cáo chính trị đã đề cập đến “tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”. 

Sau đó, đại hội đã thông qua dự thảo sửa đổi điều lệ đảng, xác lập “tư tưởng Tập Cận Bình” là kim chỉ nam hành động của đảng. Từ thời Mao Trạch Đông, chưa có nhà lãnh đạo đương chức nào của Trung Quốc mà tư tưởng được đưa vào điều lệ đảng như ông Tập.

Ngày 25-10-2017, hội nghị toàn thể lần thứ nhất BCH trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 đã bầu ông Tập Cận Bình làm Tổng Bí thư.

Trước đó một năm, vào cuối tháng 10-2016, hội nghị trung ương 6 đã xác định sự lãnh đạo của trung ương đảng do Tổng bí thư Tập Cận  Bình làm “hạt nhân”. 

Chỉnh đốn Đảng từ trên xuống dưới

Trong nhiệm kỳ năm năm đầu tiên từ tháng 11-2012, Tập Cận Bình đã kiên trì phát động chiến dịch chỉnh đốn Đảng từ trên xuống dưới.

Báo cáo chính trị tại Đại hội đảng khóa 19 khẳng định kiên định “đả hổ”, “diệt ruồi”, “săn cáo” trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, đặc biệt là chống tham nhũng trong lĩnh vực công và trong nội bộ đảng.

Theo số liệu chính thức của Trung Quốc, tổng cộng khoảng 1,5 triệu cán bộ, đảng viên bị trừng phạt. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng diễn ra trên mọi lĩnh vực, từ các cơ quan của đảng đến hàng ngũ cấp cao trong quân đội và các doanh nghiệp.

Gần đây nhất, Tân Hoa xã đưa tin tướng Trương Dương – nguyên Ủy viên Quân ủy trung ương, đã treo cổ tự tử tại nhà riêng ngày 23-11-2017. Theo kết quả điều tra, tướng Trương Dương đã vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, bị nghi ngờ nhận hối lộ và không khai rõ nguồn gốc tài sản có giá trị lớn.  

Tướng Trương Dương được cho là bị điều tra vì liên can đến Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, hai phó chủ nhiệm Quân ủy trung ương đã bị cách chức, khai trừ Đảng do tham nhũng.

Trong góc độ phản biện khác, chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” bị xem là cách để ông Tập tiêu diệt các phe nhóm có thể tranh đoạt quyền lực với ông nhưng trên mặt bằng chung nó hợp lòng dân bởi trong một thời gian dài người dân đã chán ngán với nạn hà hiếp, tham nhũng của các quan chức cầm quyền.  

 

Kiên trì nguyên tắc “một Trung Quốc”

Trung Quốc kiên trì thực hiện chính sách “một quốc gia, hai chế độ”, đặc biệt đối với đặc khu hành chính Hong Kong và lãnh thổ Đài Loan.  

Tháng 9-2014, biểu tình bùng nổ ở Hong Kong đòi quyền đề cử đặc khu trưởng (được gọi là “Cách mạng dù”). Trung Quốc can thiệp, rốt cuộc đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga được bầu theo thể thức đại cử tri thay vì phổ thông đầu phiếu.

Đối với Đài Loan, quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan ấm lại trong giai đoạn nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu cầm quyền ở Đài Loan (năm 2008-2016).

Đến lúc bà Thái Anh Văn kế nhiệm, chính quyền mới do đảng Dân tiến cầm đầu đã từ chối thừa nhận nguyên tắc “một Trung Quốc”. Công luận Đài Loan ngày càng lo lắng Trung Quốc sẽ gia tăng ảnh hưởng với Đài Loan.

Đài Loan ghi nhận Trung Quốc đã nhiều lần gây sức ép. Ví dụ đầu tháng 12-2017, trong ba ngày quân đội Trung Quốc đã hai lần điều máy bay và tàu chiến vượt chuỗi đảo thứ nhất đi vào phía tây Thái Bình Dương khiến Đài Loan và Nhật phải phản ứng.

Ngày 9-12, Nhật đã điều động 12 máy bay tiêm kích F-15J và hai máy bay cảnh báo sớm AWACS E-2C khi bốn máy bay ném bom H-6K và một máy bay gây nhiễu điện tử Y-8G của Trung Quốc bay trên eo biển Miyako ngoài không phận Nhật. Phi đội máy bay ném bom chở mỗi máy bay hai tên lửa hành trình tầm xa được nhiều máy bay tiêm kích Su-30MKK hộ tống.

Hai ngày trước, nhiều máy bay Trung Quốc bay trên eo biển Miyako và eo biển Bashi đến phía tây Thái Bình Dương tập kết cùng nhiều tàu khu trục và tàu hộ vệ.

Trump càng yếu, Tập càng mạnh

Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược ở Pháp (IRIS) Pascal Boniface nhận định: “Nếu hiện nay phải chỉ định nhân vật quyền lực nhất thế giới, đó chỉ có thể là ông Tập Cận Bình”.

Ông lý giải ông Tập đã biết tận dụng nền dân chủ Mỹ đang gặp khó khăn để tìm kiếm lợi ích cho Trung Quốc. GDP của Mỹ chắc chắn cao hơn Trung Quốc nhưng Tổng thống Donald Trump lại vướng vào mớ bùng nhùng khó khăn nội bộ trong khi ông Tập rảnh tay vì Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ dân chúng.

Tạp chí The Economist (Anh) đăng trên trang nhất số báo ngày 13-10-2017 chân dung Tập Cận Bình với tựa đề: “Người quyền lực nhất thế giới”. Đồng quan điểm với Tiến sĩ Pascal Boniface, The Economist nhận định ông Tập lên hương vì ông Trump yếu thế.

Nói về Tổng thống Trump, bài viết có đoạn: “Mỹ là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới nhưng người lãnh đạo nước Mỹ lại có vị thế yếu trong nước và kém hiệu quả ở nước ngoài hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào…”.

Chưa bao giờ có nhà lãnh đạo Trung Quốc nào nắm giềng mối quốc gia vững vàng tính từ thời Mao Trạch Đông… Nếu Trung Quốc thời Mao hỗn loạn và nghèo đói, Trung Quốc thời Tập Cận Bình là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng thế giới”

Tạp chí The Economist (Anh) viết về ông Tập Cận Bình

Bài viết nhắc lại trong các chuyến công du nước ngoài, ông Tập luôn phát biểu cổ súy cho hòa bình và hữu nghị. Trong khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Trung Quốc lại chứng tỏ với thế giới Trung Quốc rất tích cực bảo vệ môi trường.

Trung Quốc cũng đã bỏ ra hàng trăm tỉ USD đầu tư ở nước ngoài cho dự án “con đường tơ lụa mới”.

Song theo tạp chí The Economist, cần phải cẩn thận vì Tập Cận Bình quá nuông chìu Triều Tiên và quân đội Trung Quốc ngày càng mạnh lên. Báo đánh giá cho dù ở Trung Quốc hay nước ngoài, quyền lực tập trung vào chỉ một người là điều hết sức nguy hiểm.

Tiến sĩ Pascal Boniface đánh giá dù Trung Quốc khẳng định sức mạnh đang lên của Trung Quốc mang bản chất “hòa bình”, các nước láng giềng vẫn lo ngai ngái, nhất là yêu sách của Trung Quốc về biển Đông.

Ngoài ra, sáng kiến “con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc mang danh nghĩa cải thiện cơ sở hạ tầng cho một số nước nhưng thực ra giúp Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa nhiều hơn và phát triển quan hệ chính trị thuận lợi hơn.

Kiểm soát mạng xã hội

Dù ông Tập Cận Bình khẳng định tiếp tục chính sách mở cửa với nước ngoài, Trung Quốc vẫn kiểm soát chặt chẽ mạng Internet. 

Đầu năm 2016, Trung Quốc đã cấm các cơ quan truyền thông nước ngoài xuất bản tin tức trên mạng. Tháng 7-2017, Trung Quốc dẹp bỏ các trang web đăng thông tin chính trị nhạy cảm, giải thích sai lệch chỉ đạo của đảng hay bóp méo lịch sử đảng. Từ ngày 1-10-2017, người dùng phải khai báo danh tính thật mới có thể bình luận trên mạng.

Các vụ xét xử án tham nhũng trong năm 2016 đã đạt mức kỷ lục với tối thiểu 45.000 vụ liên quan đến 63.000 người, tăng 1/3 số vụ so với năm trước. Năm 2016, Trung Quốc xếp thứ 79 về chỉ số nhận thức tham nhũng so với hạng 80 năm 2012.  

 

RELATED ARTICLES

Tin mới